Theo đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, đề xuất loại trừ đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội của Ngân hàng Nhà nước không phù hợp với các quy định của Luật Nhà ở 2014. Bởi lẽ, Luật Nhà ở hiện hành không cấm các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước chỉ định cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Hơn nữa, qua nghiên cứu từ các nước phát triển, chính sách cốt lõi nhất về nhà ở xã hội dựa trên 2 nền móng: một là hỗ trợ tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, hai là thời hạn cho vay dài. Tại Việt Nam, chính sách nhà ở xã hội cũng có nhiều tương đồng với các quốc gia công nghiệp phát triển.
![]() |
HoREA không đồng tình với việc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi Thông tư 25 liên quan đến chính sách ưu đãi cho vay mua nhà ở xã hội. (Ảnh: TL) |
Trước năm 1975, Nhà nước có chính sách nhà ở công lập tại Hà Nội dành cho cán bộ, công nhân viên thuê với giá bao cấp rất thấp. Chính sách này được tiếp tục thực hiện sau năm 1975. Ở phía Nam, trước năm 1975 có các chung cư bán trả góp trong 12 năm. Năm 1990, TP. HCM thực hiện thành công dự án 1.000 căn nhà bán trả góp trong 10 năm tại Khu dân cư Bàu Cát, quận Tân Bình.
Luật Nhà ở 2005, 2014 đã dần xây dựng hoàn thiện chính sách về nhà ở xã hội để hỗ trợ cho 9 nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội, trong đó có 5 nhóm đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, hoặc xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà để ở được vay tín dụng dài hạn với lãi suất ưu đãi. Trong 15 năm qua đã có hàng trăm nghìn hộ gia đình được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, giai đoạn 2015-2020 lại có rất ít người dân được vay tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội do thiếu dự án dẫn đến ít sản phẩm và nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hoặc cấp bù lãi suất của Nhà nước cấp quá chậm và quá ít.
Trên thực tế, điều người thu nhập thấp cần nhất khi mua, thuê mua nhà ở xã hội là được vay tín dụng với lãi suất ưu đãi và thời hạn vay dài. Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước đề xuất loại trừ đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi để thuê, mua nhà ở xã hội sẽ đi ngược với mục đích hỗ trợ an cư Nhà nước đặt ra, đồng thời không phù hợp với Luật Nhà ở.
Ông Châu phân tích, các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, người có thu nhập thấp, sẽ bị thiệt thòi nhiều nhất. Điều này cũng tác động tiêu cực đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở trong bối cảnh giá nhà vẫn leo thang như hiện nay.
Trước các vấn đề này, Chủ tịch HoREA kiến nghị, đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua nhà. Đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
Ông Châu cũng đề nghị Bộ Xây dựng xem xét trình Chính phủ đề xuất sửa đổi Khoản 4 Điều 50 Luật Nhà ở 2014 theo hướng bổ sung thêm cụm từ "mua, thuê mua nhà ở xã hội" để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của các quy định pháp luật.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo sửa đổi Thông tư 25 và đang lấy ý kiến. Theo đó, khách hàng vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không nằm trong nhóm được hưởng chính sách ưu đãi tại các ngân hàng thương mại. Chỉ người vay vốn để đầu tư, xây dựng mới, hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở xã hội mới nhận được hỗ trợ.
PV