Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài Chính), lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã thu hút gần 2,3 tỷ USD vốn đăng ký mới, chiếm khoảng 24% tổng vốn FDI vào Việt Nam.
Tính cả vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, tổng dòng vốn ngoại đổ vào bất động sản lên tới hơn 4,8 tỷ USD – tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức tăng trưởng mạnh mẽ hiếm thấy trong vài năm trở lại đây.
Bà Nguyễn Hoài An – Giám đốc cấp cao CBRE Hà Nội nhận định, một trong những lực đẩy chính khiến FDI đổ vào bất động sản là hành lang pháp lý đang ngày càng minh bạch và ổn định. Cùng với đó, làn sóng đầu tư vào hạ tầng giao thông quy mô lớn đang tạo cú hích đáng kể cho thị trường.
![]() |
Vốn đang chảy mạnh vào bất động sản như "dòng máu" cứu doanh nghiệp. |
Bên cạnh dòng vốn ngoại tăng tốc, thị trường bất động sản trong nước cũng đang đón nhận làn gió mới từ dòng tín dụng nhà băng. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 28/5, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 16,6 triệu tỷ đồng, tăng 6,32% so với đầu năm.
Riêng lĩnh vực bất động sản ghi nhận mức tăng tín dụng lên tới 7,49% trong quý I – cao hơn gần gấp đôi mức tăng trưởng chung (3,91%).
Dòng tiền được ví như dòng máu của chủ đầu tư, vì vậy, việc cả 2 dòng vốn quan trọng chảy mạnh giúp không ít doanh nghiệp từng “kiệt sức” vì thanh khoản yếu và khó khăn tài chính, nay đã được “bơm máu” trở lại, mang đến những chuyển động sôi nổi chưa từng thấy trong 3 năm qua.
Từ giữa năm 2024 đến nay, loạt tập đoàn lớn bắt đầu tăng tốc triển khai dự án, khởi động lại những kế hoạch từng phải “đắp chiếu”.
Tân Hoàng Minh là một trong những cái tên nổi bật khi lần lượt đánh dấu sự trở lại bằng việc tái khởi động dự án D'.Palais de Louis, khởi công Greenera Southmark, đồng thời làm việc với tỉnh Quảng Bình để đề xuất dự án hơn 1.600ha và tiếp tục xúc tiến dự án 4.320ha tại Lâm Đồng.
Các doanh nghiệp tên tuổi khác lần lượt “ra hàng” sau thời gian dài im ắng. Đất Xanh tái khởi động dự án The Privé (trước đây là Gem Riverside) tại TP. Thủ Đức. An Gia ghi dấu bằng The Gió Riverside, ROX Group tạo tiếng vang tại Đà Nẵng với The Legend Danang, còn Phát Đạt cũng trở lại đầy mạnh mẽ với Quy Nhơn Iconic và Thuận An 1 – 2.
Đáng chú ý, làn sóng bung hàng không chỉ diễn ra ở các ông lớn mà còn lan rộng đến khối doanh nghiệp tầm trung và địa phương. Tại TP. HCM, Vĩnh Phú – Kiến Á tung ra dự án City Grand tại TP. Thủ Đức; Vạn Xuân Group giới thiệu Happy One Sora; Thăng Long Real Group triển khai Fiato Airport City tại Nhơn Trạch (Đồng Nai)...
Nhiều dự án từng rơi vào tình trạng “đắp chiếu” cũng đang được thi công trở lại. Có thể kể đến FLC Quang Binh Beach & Golf Resort tại Quảng Bình, The Summit Building và Nam Ô Discovery tại Đà Nẵng, hay khu phức hợp Giảng Võ tại Hà Nội – những công trình từng lặng lẽ giờ đây đã xuất hiện trở lại trên bản đồ xây dựng.
Có thể nói, sau thời gian dài “mặt xanh như tàu lá”, nhiều doanh nghiệp giờ đây đang lấy lại sắc thái phát triển – mở ra kỳ vọng mới cho nửa cuối năm 2025.
Tuy nhiên, trong niềm vui vẫn có những nỗi niềm. Ở góc nhìn thận trọng, giới chuyên gia cảnh báo chặng đường phục hồi phía trước vẫn còn nhiều chông gai.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam – nhấn mạnh, thách thức lớn nhất hiện nay là bảng giá đất tại nhiều địa phương được điều chỉnh lên quá cao, tiệm cận với giá thị trường trong bối cảnh giá đất thực chất đang “bong bóng” và thiếu cơ sở vững chắc.
“Việc hợp lý hóa giá đất ảo không chỉ làm méo mó thị trường, mà còn khiến doanh nghiệp phải trả chi phí thuê đất đắt đỏ, nhà đầu tư nản lòng, còn người mua ở thực khó tiếp cận với nơi an cư”, ông Đính nhận định.
Bên cạnh đó, nội lực của các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt nhóm nhỏ và vừa, vẫn yếu ớt. Không ít doanh nghiệp đã sụp đổ trong khủng hoảng, và chỉ những đơn vị có chuẩn bị từ trước mới trụ vững. Dòng vốn cũng là vấn đề nhức nhối khi thị trường tài chính chưa thật sự ổn định, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh lao dốc khi tín dụng không chảy đều.
PGS.TS Trần Đình Thiên – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng – bổ sung, Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt sau khi xác định kinh tế tư nhân là động lực trung tâm từ năm 2025. Tuy nhiên, những bất cập về thể chế, hạ tầng và môi trường kinh doanh vẫn đang “kìm chân” các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực địa ốc – vốn đầy tiềm năng nhưng cũng ẩn chứa nghịch lý.
Rõ ràng, bất động sản có thể bước vào chu kỳ tăng trưởng mạnh nhưng cũng dễ “bốc hơi” nếu thiếu kiểm soát và cải cách không thực chất. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vẫn đang gánh nặng nợ trái phiếu, mắc kẹt trong các dự án pháp lý chưa thông và mỏi mệt vì tiền sử dụng đất tăng vọt.
Nhật Minh