Lợi nhuận tăng nhưng phụ thuộc vào yếu tố cắt giảm chi phí
Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên (Vicem Hà Tiên; mã chứng khoán: HT1) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2025 với nhiều tín hiệu trái chiều. Trong khi lợi nhuận trước thuế ghi nhận tăng mạnh so với quý II/2024, phần lớn động lực đến từ việc kiểm soát và cắt giảm chi phí thay vì tăng trưởng doanh thu thực chất. Đi kèm với đó là áp lực nợ ngắn hạn cao và dòng tiền tài chính âm, cho thấy doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc cân đối nguồn vốn và đảm bảo tăng trưởng dài hạn.
Trong quý II/2025, Vicem Hà Tiên ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.930 tỷ đồng, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2024. Tính lũy kế từ đầu năm, con số này lên đến hơn 3.517 tỷ đồng, tăng 3,2% so với mức 3.403 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Mặc dù nhu cầu thị trường có dấu hiệu hồi phục nhẹ, nhưng giá vốn hàng bán giảm 4% xuống còn 1.660 tỷ đồng, là yếu tố quan trọng giúp lợi nhuận gộp tăng lên 270 tỷ đồng, tăng hơn 135 tỷ đồng so với quý II/2024.
![]() |
Kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 2/2025, tuy nhiên Công ty Cổ phần Xi Măng Vicem Hà Tiên (HT1) vẫn đang phải đối mặt với nhiều áp lực lớn về tài chính. |
Đáng chú ý, chi phí tài chính tăng nhẹ từ 22,4 tỷ đồng lên 23,2 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay giảm hơn 3 tỷ đồng nhờ giảm dư nợ vay ngắn hạn và tái cơ cấu kỳ hạn nợ.
Ngoài ra, chi phí bán hàng tăng khoảng 6%, tăng từ 45,7 tỷ đồng lên 48,4 tỷ đồng; ngược lại chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 7%, giảm từ 70,8 tỷ đồng xuống còn 66 tỷ đồng, giảm hơn 4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, nhờ tối ưu hóa chi phí vận hành và tinh giản bộ máy.
Những yếu tố này cộng hưởng giúp lợi nhuận trước thuế quý II/2025 đạt 127,6 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 112 tỷ đồng, gấp 2,4 lần quý trước (45,8 tỷ đồng).
Tuy nhiên, chất lượng lợi nhuận vẫn còn đáng lo ngại khi tăng trưởng đến từ cắt giảm chi phí thay vì mở rộng doanh thu. Tỷ suất lợi nhuận gộp quý II/2025 đạt 14%, tăng so với mức 10,7% của cùng kỳ năm trước, nhưng phần lớn nhờ giá nguyên liệu giảm và tiết kiệm chi phí chứ không phải do cải thiện đáng kể về giá bán hay sản lượng.
Gánh nặng nợ ngắn hạn và dòng tiền tài chính âm
Tính đến ngày 30/6/2025, tổng nợ phải trả của Vicem Hà Tiên đạt 3.138 tỷ đồng, giảm nhẹ 210 tỷ đồng so với đầu năm 2025 nhưng vẫn chiếm gần 40% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng áp đảo, lên tới 3.116 tỷ đồng, gấp 3,5 lần lượng tiền và tương đương tiền (901 tỷ đồng).
Vay ngắn hạn đang ở mức 1.083 tỷ đồng, giảm 428 tỷ đồng so với cuối năm 2024 (1.511 tỷ đồng). Tuy nhiên, đây vẫn là một khoản lớn, đặc biệt trong bối cảnh chi phí lãi vay vẫn chiếm gần 50% chi phí tài chính. Doanh nghiệp sẽ cần duy trì dòng tiền hoạt động ổn định để đáp ứng nghĩa vụ thanh toán lãi và gốc vay trong nửa cuối năm.
Các khoản phải trả người bán cũng tăng mạnh, đạt 1.228 tỷ đồng, cao hơn 98 tỷ đồng so với đầu năm. Điều này cho thấy Vicem Hà Tiên vẫn đang sử dụng tín dụng thương mại từ nhà cung cấp như một kênh tài trợ vốn lưu động, tiềm ẩn rủi ro nếu giá nguyên liệu đầu vào biến động hoặc đối tác siết chặt điều khoản thanh toán.
Một điểm sáng là lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh quý II/2025 đạt 545 tỷ đồng, cao hơn mức 516 tỷ đồng cùng kỳ năm 2024. Con số này phản ánh khả năng tạo tiền từ hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn tốt, nhờ hiệu quả quản lý hàng tồn kho (giảm từ 657 tỷ đồng đầu năm xuống còn 704 tỷ đồng cuối quý II) và cải thiện chu kỳ thu hồi công nợ.
Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư lại âm 64 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí mua sắm tài sản cố định và chi phí xây dựng cơ bản dở dang (71 tỷ đồng), trong khi thu từ thanh lý tài sản chỉ đạt hơn 11 tỷ đồng. Điều này cho thấy công ty vẫn cần đầu tư để nâng cấp dây chuyền và duy trì năng lực sản xuất, khiến dòng tiền tự do (free cash flow) không còn quá dư dả.
Đặc biệt, lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính âm tới 428 tỷ đồng do công ty phải chi trả nợ gốc vay lớn (2.056 tỷ đồng) trong khi dòng tiền vay mới chỉ đạt 1.628 tỷ đồng. Điều này đặt ra yêu cầu tái cơ cấu nợ và tìm kiếm nguồn tài trợ vốn ổn định hơn trong các quý tới.
Một điểm đáng lưu ý trong báo cáo quý II, đó là Vicem Hà Tiên đang đầu tư vào nhiều dự án với chi phí xây dựng cơ bản dở dang lên tới 577 tỷ đồng, trong đó các dự án tại Kiên Lương chiếm đến gần 50% tổng chi phí đầu tư đang dở dang. Những con số này phản ánh chiến lược mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty, tuy nhiên sẽ tạo thêm nhiều áp lực tài chính trong ngắn hạn và đồng thời cũng làm tăng áp lực hoàn vốn trong trung và dài hạn.
Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên (HT1), tiền thân là Nhà máy Xi măng Hà Tiên được khởi công từ năm 1960, là một trong những đơn vị sản xuất xi măng lớn nhất tại khu vực phía Nam Việt Nam. Doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm như clinker CPC50, clinker bền sulfat, xi măng PCB40, xi măng hỗn hợp PCB40, xi măng MS-PCB40, xi măng xá và bao jumbo. Hiện HT1 vận hành 5 đơn vị sản xuất, gồm 2 nhà máy clinker, xi măng và 3 trạm nghiền, với mạng lưới cung ứng trải dài khắp Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ đến tận Mũi Cà Mau. Công ty Xi Măng Vicem Hà Tiên có mã số thuế là 0301446422, trụ sở chính tại số 604 Võ Văn Kiệt, phường Cầu Ông Lãnh, TP.HCM (trước đây thuộc phường Cầu Kho, quận 1). Công ty được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) từ năm 2007. Tổng giám đốc và người đại diện pháp luật hiện nay là ông Nguyễn Quốc Thắng. Đáng chú ý, cuối tháng 5/2025, Vicem Hà Tiên bị Chi cục Thuế doanh nghiệp lớn xử phạt và truy thu hơn 2,6 tỷ đồng do khai sai thuế. Những vi phạm này đặt ra nhiều dấu hỏi về việc quản lý và vận hành của công ty. Việc khai sai thuế không chỉ dẫn đến các vấn đề tài chính mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của công ty. Những hành vi vi phạm như vậy làm giảm niềm tin của cổ đông và khách hàng, đe dọa vị thế của công ty trên thị trường xi măng. |
Trần Lân