Tại buổi tọa đàm giữa doanh nghiệp và ngành hải quan diễn ra sáng nay (21/6), ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP đánh giá, thời gian qua, ngành hải quan đi đầu cải cách, thay đổi quy định, thực thi, thủ tục hành chính, công nghệ để đáp ứng kịp thời Nghị quyết của Chính phủ.
Đặc biệt, việc miễn giảm thuế xuất nhập khẩu về 0% cho một số mặt hàng, trong đó có thủy sản đã tạo điều kiện thuận lợi cho các DN. Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn còn một số quy định gây bất lợi cho DN.
![]() |
Áp thuế từ 3% trở lên đối với phế liệu, phế phẩm không phù hợp với thực tiễn của các DN thủy sản |
Theo phản ánh của VASEP, tại Khoản 4 Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định: “Phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa đã nhập khẩu để gia công không quá 3% tổng lượng của từng nguyên liệu, vật tư thực nhập khẩu theo hợp đồng gia công được miễn thuế nhập khẩu khi tiêu thụ nội địa, nhưng phải kê khai nộp thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (nếu có) cho cơ quan Hải quan”.
Với quy định này, các DN thủy sản cho rằng thông số “không quá 3%” là chỉ áp dụng cho “nguyên liệu, vật tư dư thừa đã nhập khẩu để gia công”, không áp dụng cho “phế liệu, phế phẩm”.
Tuy nhiên, theo Công văn 2767 ngày 26/7/2017 của Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố hướng dẫn về phế liệu, phế phẩm của hợp đồng gia công đề cập “Phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa đã nhập khẩu để gia công không quá 3% tổng lượng của từng nguyên liệu, vật tư thực nhập khẩu theo hợp đồng gia công được miễn thuế nhập khẩu khi tiêu thụ nội địa”.
Ông Nam cho rằng, về mặt thực tiễn, quy định này không phù hợp với ngành hàng thủy sản, bởi tôm, cá phi lê chế biến xong thì phế liệu, phế phẩm chiếm từ 30-40% tổng lượng nguyên liệu nhập khẩu (tùy mặt hàng).
Vì vậy, quy định tỷ lệ trên 3% trở thành bất cập khiến cho các doanh nghiệp làm hàng về gia công sẽ gặp vướng mắc là đều phải nộp thuế, truy thu thuế, thậm chí dẫn đến việc các DN không thực hiện đúng chủ trương, tinh thần của Nghị định 134.
Ngoài ra, tại khoản 5 Điều 64 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 quy định: Đối với nguyên liệu, vật tư dư thừa đã nhập khẩu để gia công không quá 3% tổng lượng nguyên liệu, vật tư thực nhập khẩu thì khi bán, tiêu thụ nội địa không phải làm thủ tục hải quan chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng phải kê khai nộp thuế với cơ quan thuế nội địa theo quy định của pháp luật về thuế.
Như vậy, theo Thông tư 38 thì giới hạn 3% tổng lượng nguyên liệu, vật tư thực nhập khẩu chỉ áp dụng đối với các nguyên liệu, vật tư dư thừa, không bao gồm cả phế phẩm, phế liệu.
Đại diện VASEP cho biết, hiện nay, bên cạnh các nhóm khách hàng trong nước, các DN thủy sản vẫn có những đơn đặt hàng từ nước ngoài khá lớn, vì vậy, VASEP đề xuất những kiến nghị này sớm được Bộ Tài chính tiếp thu và trình lên các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
“Chúng tôi mong muốn cải cách về môi trường kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành cho xuất khẩu, nhập khẩu theo tinh thần thượng tôn pháp luật, nhưng với những thủ tục rườm rà, không phục vụ cho chính mục đích công việc đó sẽ tạo ra những khó khăn cản trở. Chúng tôi hy vọng rằng Tổng cục Hải quan tiếp tục sẽ là đơn vị đi đầu thúc đẩy các bộ ngành khác có chuyển biến nhiều hơn”, ông Nam nói.
Huyền Anh