Với kim ngạch xuất khẩu (XK) trên 1 tỷ USD, cây sắn đã được Bộ Công Thương đưa vào danh sách 10 cây XK chủ lực của Việt Nam từ năm 2012, nhưng ngành này đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Khó khăn từ thị trường chính
Theo báo cáo của Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 7/2019, XK sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 168,2 nghìn tấn, trị giá 66,04 triệu USD, tăng 53,2% về lượng và tăng 32,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018; giá XK bình quân giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2018, xuống còn 392,7 USD/tấn.
Lũy kế 7 tháng đầu năm 2019, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn XK đạt 1,36 triệu tấn, trị giá 527,1 triệu USD, giảm 14% về lượng và giảm 11% về trị giá; giá XK bình quân đạt 387,1 USD/ tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong tháng 7/2019, Trung Quốc là thị trường XK sắn và các sản phẩm sắn chủ lực của Việt Nam, chiếm 91% tổng lượng sắn XK với 153,06 nghìn tấn, trị giá 60,63 triệu USD, tăng 83,1% về lượng và tăng 53,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018; giá XK bình quân giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2018, xuống còn 396,1 USD/tấn. Tính chung 7 tháng đầu năm 2019, lượng sắn và sản phẩm sắn XK sang Trung Quốc đạt 1,19 triệu tấn, trị giá 466,25 triệu USD, giảm 14,1% về lượng và giảm 9,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018; giá XK bình quân đạt 389,3 USD/tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ.
Mặc dù 7 tháng đầu năm 2017, giá XK sắn bình quân tăng nhưng xét trong tháng 7, giá XK lại đang có xu hướng giảm. Đặc biệt, với thị trường Trung Quốc (chiếm 90% sản lượng sắn XK của Việt Nam) cũng đang có xu hướng nhập khẩu từ các nguồn khác.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), 6 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn của Trung Quốc đạt 3,28 triệu tấn, trị giá 1,02 tỷ USD, giảm 24,1% về lượng và giảm 17,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Trong 6 tháng, Trung Quốc giảm nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn từ Việt Nam và Thái Lan, trong khi lại tăng nhập khẩu từ Campuchia và Lào.
Đặc biệt, một trong những vấn đề của ngành sắn là thiếu nguyên liệu. Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết khu vực Bắc Trung Bộ – Duyên hải miền Trung có 21 nhà máy. Tuy nhiên, chỉ tính riêng nguyên liệu cho sản xuất tinh bột đã thiếu 0,4 triệu tấn, chưa kể nhu cầu làm sắn lát cho thức ăn chăn nuôi và sản xuất cồn.
![]() |
Thị phần sắn lát của Việt Nam xuất sang Trung Quốc đang có xu hướng giảm |
“Ăn đong” nguyên liệu
Trong khi đó, khu vực Trung du – miền núi phía Bắc có 14 nhà máy, nguyên liệu thiếu 0,064 triệu tấn. Khu vực miền Trung – Tây Nguyên có diện tích sắn toàn vùng đạt 155 nghìn ha (chiếm 29,81% diện tích sắn toàn quốc), sản lượng ước đạt trên 2,74 triệu tấn củ tươi (chiếm 30,99% tổng sản lượng sắn toàn quốc), tổng cộng có 20 nhà máy, thiếu nguyên liệu 0,6537 triệu tấn.
Khu vực Đông Nam bộ – Tây Ninh là vùng có năng suất sắn trung bình cao nhất toàn quốc, đạt 22,34 tấn/ha. Diện tích sắn toàn vùng đạt 90,31 nghìn ha (chiếm 17,37% diện tích toàn quốc). Sản lượng đạt hơn 2,017 triệu tấn củ tươi (chiếm 22,81% tổng sản lượng). Tổng số có 65 nhà máy nhưng cũng thiếu 5,661 triệu tấn nguyên liệu.
Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, với mức sản lượng sắn củ tươi đạt được của 4 vùng về cơ bản là không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất của các nhà máy trong vùng, có thể nói là mất cân đối nghiêm trọng. Nguyên nhân là do phần lớn các nhà máy cũng như đơn vị chưa chú trọng đầu tư vùng nguyên liệu cho nhà máy của mình trên địa bàn. Bên cạnh đó, hầu hết nhà máy đều không đầu tư vùng nguyên liệu mà chủ yếu thu mua từ nông dân, dẫn đến tình trạng cạnh tranh quyết liệt, thậm chí tạo ra xung đột gay gắt trong việc thu mua nguyên liệu, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân trồng sắn cũng như đẩy chi phí lên cao, tác động đến yếu tố cạnh tranh quốc gia trong khu vực.
Ông Võ Đức Trong, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh, cho biết tỉnh này có sản lượng tinh bột sắn chiếm 50% cả nước nhưng chưa có sự liên kết trong hoạt động sản xuất và chế biến sắn. Bản thân tỉnh Tây Ninh cũng chưa hình thành được cơ chế chính sách liên kết vùng để thu hút đầu tư, sản xuất nông nghiệp đáp ứng việc cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến sắn.
Theo ông Trần Phước Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam, việc các nhà máy cạnh tranh thu mua nguyên liệu đã đẩy chi phí sản xuất lên cao. Nhiều DN chế biến phải chấp nhận lãi rất ít hoặc chỉ hòa vốn để cố gắng duy trì hoạt động của nhà máy.
Điều đáng nói, ngành sắn đang rơi vào tình trạng cung không đủ cầu nhưng một số địa phương vẫn tiếp tục cấp phép các DN đầu tư mới nhà máy chế biến sắn. Nếu tình hình này không nhanh chóng được kiểm soát, ngành này sẽ rơi vào tình cảnh khó chồng khó.
Để ngành sắn phát triển, các chuyên gia cho rằng cần phải đẩy mạnh chế biến sâu các sản phẩm từ sắn, qua đó mở rộng thị trường XK và gia tăng giá trị, đồng thời hình thành chuỗi liên kết giữa DN và nông dân trong việc xây dựng vùng nguyên liệu.
Thy Lê