Theo báo cáo vừa được Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) công bố ngày 30/1, trong tháng 1/2019, giá sắn nguyên liệu tại các vùng giảm do nhu cầu yếu trong khi nguồn cung về nhà máy tăng. Tại Tây Ninh, giá sắn thu mua tại nhà máy ở mức 2.400 – 2.650 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg so với cuối tháng 12/2018.
Tại Kon Tum, giá sắn thu mua tại nhà máy ở mức 2.200 – 2.400 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg so với cuối tháng 12/2018.
![]() |
Cơ cấu chủng loại sắn xuất khẩu trong năm 2018 |
Do nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu thấp nên giá chào xuất khẩu của các nhà máy ở mức thấp, khoảng 420 - 430 USD/tấn FOB cảng Thành phố Hồ Chí Minh. Giá sắn lát tại cửa khẩu các tỉnh Tây Ninh và Bình Phước giảm do xuất khẩu giảm và chất lượng sắn kém hơn, độ ẩm cao.
Theo ước tính, tháng 1/2019, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu đạt 350 nghìn tấn, trị giá 124 triệu USD, tăng 72,9% về lượng và tăng 59% về trị giá so với tháng 12/2018; giảm 13,5% về lượng, nhưng tăng 0,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018; giá xuất khẩu bình quân tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2018, lên 354 USD/tấn.
Tháng 1/2019, lượng sắn xuất khẩu ước đạt 95 nghìn tấn, trị giá 15 triệu USD, tăng 191,8% về lượng và tăng 264,4% về trị giá so với tháng 12/2018; nhưng giảm 47,8% về lượng và giảm 55,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018; giá xuất khẩu sắn bình quân tháng 1/2019 giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2018 xuống còn 158 USD/tấn.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2018, lượng tinh bột sắn xuất khẩu đạt 1,73 triệu tấn, trị giá 815,77 triệu USD; giá xuất khẩu trung bình đạt 469 USD/tấn. 90,1% lượng tinh bột sắn xuất khẩu trong năm 2018 được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đạt 1,56 triệu tấn.
Năm 2018, lượng sắn lát khô xuất khẩu đạt 658,8 nghìn tấn, trị giá 150,18 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình đạt 228 USD/tấn, chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc, chiếm 85,7% tổng lượng xuất khẩu.
Lê Thúy