Tại cuộc họp báo về kết quả các giải pháp thu ngân sách của ngành hải quan tổ chức ngày 5/11, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết thu ngân sách nhà nước trong năm 2018 tăng vọt so với dự toán nhờ nhập khẩu xăng dầu tăng cao.
Nhập khẩu xăng dầu vẫn tăng
Ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho biết theo tính toán vào đầu năm 2018, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ vận hành nên lượng nhập khẩu xăng dầu giảm, nhưng thực tế nhà máy này chậm tiến độ nên lượng xăng dầu nhập khẩu vẫn cao để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Mặt khác, khi xây dựng dự toán năm nay, Quốc hội giao cho ngành hải quan kế hoạch thu trên cơ sở giá dầu 50 USD/thùng, nhưng bình quân 11 tháng giá dầu đạt gần 75 USD, nên số thu thuế từ xăng dầu nhập khẩu tăng.
Thống kê cho thấy, trong 11 tháng, số thu ngân sách từ xăng dầu nhập khẩu tăng gần 20.000 tỷ đồng so với dự toán, tăng 3.700 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế trong 5 năm 2018 – 2022, tổng nhu cầu tiêu thụ trong cả nước trung bình đạt khoảng 6,5 triệu tấn xăng và 8,5 triệu tấn dầu DO.
Trong khi đó, với công suất thiết kế của Lọc hóa dầu Dung Quất và Lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện tại, từ năm 2018, tổng nguồn cung xăng cả nước khoảng gần 6 triệu tấn/năm và tổng nguồn cung dầu khoảng gần 7 triệu tấn/ năm (tương ứng khoảng 92% và 82% nhu cầu nội địa).
Như vậy, với tình hình cân đối cung cầu xăng dầu hiện tại, nếu hai nhà máy trên hoạt động hết công suất, mỗi năm thị trường Việt Nam vẫn thiếu hụt trung bình khoảng 0,8 triệu tấn xăng và 1,8 triệu tấn dầu DO. Nguồn xăng dầu thiếu hụt này sẽ được nhập khẩu về Việt Nam từ các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Tuy nhiên, trên thực tế đến thời điểm hiện nay, hai nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất và Nghi Sơn mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu trong nước. Thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy kim ngạch nhập khẩu xăng dầu trong tháng 11 tăng 11,6% so với tháng trước.
![]() |
Giá xăng dầu năm 2019 khó giảm dù nguồn cung trong nước tăng |
Giá xăng dầu sẽ giảm?
Theo nguồn tin của Thời báo Kinh Doanh, năm 2019, Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ vận hành chính thức ở công suất thiết kế 10 triệu tấn dầu thô/năm, tương đương 200.000 thùng dầu thô/ngày. Khi đó, sản phẩm của nhà máy sẽ đáp ứng 40% nhu cầu xăng dầu trong nước.
Các chuyên gia đánh giá nếu hai nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Dung Quất hoạt động đúng công suất sẽ cung cấp 82% – 92% nhu cầu trong nước. Khi sử dụng xăng dầu sản xuất trong nước, cả đơn vị phân phối sản phẩm và người tiêu dùng đều được lợi.
Cụ thể, sản phẩm trong nước không bị ảnh hưởng bởi chênh lệch ngoại tệ thanh toán (xăng dầu nhập khẩu phải thanh toán bằng USD); thời gian và hình thức nhận hàng linh hoạt, chi phí vận chuyển, thủ tục nhập hàng nhanh chóng, đặc biệt là không phải nộp thuế nhập khẩu trước khi nhận hàng như hàng nhập khẩu…
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng việc bãi bỏ thu điều tiết đối với sản phẩm dầu, khí hóa lỏng, sản phẩm hóa dầu tiêu dùng trong nước sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh được tự tính giá thành sản phẩm theo hướng thu hút các đầu mối tiêu thụ trong nước, như vậy sẽ tăng tính cạnh tranh, các doanh nghiệp phải xây dựng giá bán thật sự cạnh tranh để nâng cao thị phần.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại dù xăng dầu nhập khẩu giảm, nhà máy sản xuất trong nước đang cung cấp tốt nguồn nguyên liệu cho xăng E5, giá xăng dầu trong năm 2019 cũng khó giảm. Nguyên nhân là do từ ngày 1/1/2019, việc điều chỉnh thuế suất thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo đó, thuế môi trường với xăng sẽ tăng lên kịch khung 4.000 đồng, tăng 1.000 đồng/ lít so với hiện nay. Dầu hỏa sẽ chịu thuế môi trường 1.000 đồng/lít từ đầu năm sau, tăng 700 đồng so với hiện nay.
"Việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ đẩy giá xăng dầu lên cao. Như vậy, người dân sẽ không được hưởng lợi từ nguồn cung xăng dầu dồi dào trong nước" một chuyên gia nói.
Thanh Hoa