Theo các chuyên gia kinh tế, trái ngược với những lo ngại khi các chỉ số giá xăng dầu, thực phẩm, tỷ giá – những yếu tố tác động mạnh đến mục tiêu kiềm chế lạm phát gia tăng, ngay từ đầu tháng 11 xuất hiện dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm, đó là việc giá xăng giảm mạnh hơn 1.000 đồng/lít.
Giá xăng dầu giảm mạnh
Theo các chuyên gia, áp lực tăng giá chủ yếu đến từ các nhân tố thị trường như biến động tăng của giá một số nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới như giá xăng dầu, LPG; biến động tăng của giá lương thực, thực phẩm trong nước; rủi ro từ thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp làm tăng giá cục bộ các mặt hàng thiết yếu tại các địa phương bị ảnh hưởng; việc điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước định giá; áp lực từ việc nâng lãi suất đồng USD.
Trong 2 tháng còn lại của năm 2018, áp lực chủ yếu sẽ đến từ yếu tố xăng dầu và lương thực. Song, có thể nói, những lo ngại về lạm phát đã được giải tỏa phần nào, bởi tại kỳ điều hành xăng dầu ngày 6/11, giá xăng đã giảm mạnh 1.100 đồng/lít.
Sau khi giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành, đồng thời chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng E5RON92 là 700 đồng/ lít, dầu hỏa 91 đồng/ lít…, giá xăng được điều chỉnh giảm khá mạnh.
Cụ thể, giá xăng E5RON92 giảm 1.082 đồng/lít; xăng RON95 giảm 1.138 đồng/lít; dầu diesel giảm 67 đồng/lít; dầu hỏa và dầu mazut giữ ổn định giá.
Sau khi điều chỉnh, giá xăng E5RON92 không cao hơn 19.600 đồng/lít; xăng RON95: 21.065 đồng/lít; dầu diesel: 18.544 đồng/lít; dầu hỏa: 17.086 đồng/ lít; dầu mazut: 15.694 đồng/kg.
Trong khi đó, Bộ Công Thương dự báo dù giá thịt lợn hơi đang trong xu hướng giảm, nhưng trong những tháng tới vẫn duy trì ở mức cao do nhu cầu tiêu thụ thịt tăng vào dịp cuối năm.
Khảo sát các siêu thị ở Hà Nội, giá thịt lợn các loại vẫn duy trì ở mức ổn định so với thời điểm tháng 10. Cụ thể, thịt nạc đùi khoảng 115.000 – 120.000 đồng/kg, cốt lết 95.000 – 100.000 đồng/ kg, thịt đùi: 100.000 – 110.000 đồng/kg, ba rọi: 115.000 đồng/kg, sườn già: 95.000 đồng/ kg… Còn ở chợ đầu mối trong khoảng 70.000 – 100.000 đồng/kg.
![]() |
Giá xăng E5RON92 giảm hơn 1.000 đồng/lít trong kỳ điều hành 6/11 |
Kiềm chế cách nào?
Trao đổi về tình hình giá cả những tháng cuối năm 2018, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho rằng bên cạnh những yếu tố tác động lên mục tiêu lạm phát, vẫn có nhiều yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá.
Đặc biệt với quyết tâm của Chính phủ trong việc kiểm soát lạm phát bình quân dưới mức 4% như Quốc hội đã giao để bảo đảm cân đối kinh tế và hỗ trợ cho tăng trưởng, không để xảy ra lạm phát kỳ vọng.
"Khả năng kiểm soát lạm phát dưới mức 4% là hoàn toàn có thể. Diễn biến khó lường nhất nếu có chỉ đến từ những tác động bên ngoài", ông Tuấn nói.
Theo dõi thị trường có thể thấy, hiện nay, giá lương thực tương đối ổn định, với cam kết của các cơ quan quản lý, từ nay đến cuối năm sẽ không có những biến động lớn. Bên cạnh đó, một số mặt hàng do Nhà nước điều chỉnh giá sẽ lùi thời hạn sang năm 2019.
Trong khi đó, việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vẫn đang được phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm bảo đảm chỉ một lượng tiền vừa đủ được đưa ra thị trường.
Vì vậy, yếu tố đáng quan ngại nhất tác động lên CPI từ nay đến cuối năm chính là giá xăng dầu. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, giá xăng trên thế giới hiện đang có xu hướng giảm.
Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore ở chu kỳ này với RON 92 còn gần 80 USD/thùng, giảm 10% so với chu kỳ trước, còn RON 95 giảm 8% xuống còn 81,5 USD/thùng.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng hai tháng cuối năm, giá xăng dầu trên thế giới sẽ rất khó đoán do những bất ổn chính trị giữa Mỹ – Iran, Mỹ – Nga…
Dẫu vậy, dù bất cứ kịch bản nào xảy ra, cơ quan quản lý vẫn có những biện pháp bình ổn giá cả trên thị trường. Ông Tuấn cho biết giả sử trường hợp xấu nhất giá dầu tăng lên mức 100 USD/ thùng (như nhiều dự báo) thì sẽ sử dụng Quỹ bình ổn để hỗ trợ và cố gắng không tăng giá xăng dầu.
"Còn trường hợp xấu nữa mà hết Quỹ, khi đó sẽ không trích lập nữa để tránh tăng giá xăng dầu gây tác động mạnh", ông Tuấn nói.
Trong thông cáo báo chí về những giải pháp điều hành giá trong những tháng cuối năm, Bộ Tài chính khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời đề xuất các giải pháp, nhất là đối với các mặt hàng giá thị trường có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây như xăng dầu, lương thực, thịt lợn…
Đặc biệt, trong việc điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp để kiềm chế việc tăng giá, chủ động có kịch bản ứng phó nếu giá xăng dầu tăng cao để tạo dư địa thuận lợi cho việc kiểm soát mặt bằng giá cả năm.
Thanh Hoa