Sáng ngày 23/10, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức Hội nghị “Đánh giá 04 năm triển khai Chương trình “Doanh nghiệp Hải sản cam kết chống Khai thác bất hợp pháp (IUU)".
![]() |
Ngày 27/10 tới, đoàn kiểm tra của EC sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình kiểm tra việc thực hiện khuyến nghị về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp của Việt Nam. |
Nói về thực trạng xuất khẩu hải sản sang EU khi bị phạt thẻ vàng, bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, cho biết sản lượng xuất khẩu giảm bình quân 6% ở năm thứ nhất và 9% ở năm thứ hai sau khi bị thẻ vàng. Các thị trường bị ảnh hưởng nhiều nhất gồm: Ý, Tây Ban Nha, Đức và Pháp.
So sánh 2017 – 2019, sau 2 năm chịu tác động từ thẻ vàng IUU: Xuất khẩu hải sản sang thị trường EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hải sản giảm trên 10%, tương đương giảm 43 triệu USD.
Xu hướng giảm này tiếp tục kéo dài hơn nữa vào năm 2020, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác cũng như chứng nhận khai thác đối với nguyên liệu hải sản xuất khẩu sang EU.
Theo ước tính, ngành khai thác thủy sản của Việt Nam, bao gồm cá ngừ, cá kiếm, nhuyễn thể và các loài khác, sẽ mất khoảng 387 triệu USD mỗi năm từ thị trường EU.
Các tác động gián tiếp đối với thủy sản nuôi trồng bao gồm uy tín ngày càng sụt giảm, áp lực nhiều hơn từ kiểm tra hải quan và không tận dụng được thuế quan ưu đãi của EVFTA. Nuôi trồng thủy sản sẽ mất khoảng 93 triệu USD do các tác động gián tiếp. Tổng cộng, nếu bị thẻ đỏ IUU, ngành thủy sản Việt Nam sẽ mất thị trường EU với trị giá xuất khẩu gần 480 triệu USD.
Trong bối cảnh này, bà Hằng kiến nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp trên chặng đường tháo gỡ thẻ vàng, đồng thời giúp hồi phục sản xuất, tháo gỡ những bất cập trong chuỗi cung ứng hải sản đang bị ảnh hưởng, đứt gãy vì COVID-19.
Trong khi đó, bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Thuỷ sản, cho hay tính đến nay tròn 4 năm Việt Nam bị cảnh báo thẻ vàng. Bên cạnh thẻ vàng của EC, ngành khai thác thuỷ sản dự kiến còn khó khăn trong quản lý khai thác biển. Mỹ sẽ cấm nhập khẩu thuỷ sản khai thác của Việt Nam nếu không bảo vệ được thú biển, do vậy ngành thủy sản cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý này.
Thời gian qua, Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU đã quyết liệt vào cuộc, chỉ đạo; các Bộ, Ban, Ngành và Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm triển khai các giải pháp chống khai thác IUU, thực hiện đầy đủ các khuyến nghị của EC nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng khai thác IUU, thực hiện các giải pháp để gỡ “Thẻ vàng” của EC.
Một số kết quả đạt được như hệ thống pháp luật về thủy sản đã được hoàn thiện và cơ bản đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, đảm bảo quản lý, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm.
Tuy nhiên, bà Huệ cũng nhìn nhận tình hình tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan... tuy có giảm so với trước nhưng chưa vững chắc.
Công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản tại nhiều địa phương còn hạn chế, chưa đảm bảo được độ tin cậy trong công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản (như các tỉnh: Thái Bình, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị, Thanh Hóa, Nam Định, Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh).
Về kiểm soát hàng thủy sản nhập khẩu mới chỉ tập trung làm tốt công tác kiểm dịch, việc thanh kiểm tra theo quy định của Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng để đảm bảo việc kiểm soát hàng thủy sản nhập khẩu vào Việt Nam là sản phẩm hợp pháp vẫn chưa làm đúng theo yêu cầu. Trong khi đó, bà Huệ cho biết đoàn kiểm tra từ EC họ kiểm tra nguồn gốc khai thác thuỷ sản của Việt Nam đến từng kilogram.
"Nếu chúng ta không khắc phục được thì có thể thẻ phạt sẽ "bay màu" nhưng là bay từ màu vàng sang màu đỏ", bà Huệ cho biết ngày 27/10 tới đây, đoàn kiểm tra EC sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình kiểm tra việc thực hiện khuyến nghị về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp của Việt Nam.
Song hiện nay để có báo cáo chi tiết với phía EC, Bộ NN&PTNT vẫn đang chờ thông tin từ địa phương. "Vừa qua, việc thống kê số liệu xử phạt vi phạm hành chính trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp cũng rất khó khăn, có đợt gần tới ngày làm việc với EC, chúng tôi cũng chưa nhận được số liệu chính thức", bà Huệ phàn nàn.
Thy Lê