Sự phụ thuộc vào nguồn thu quảng cáo khiến các doanh nghiệp dễ bị tổn thương khi nền kinh tế không tăng trưởng được như kỳ vọng.
Tình trạng trên diễn ra ở khắp các trung tâm công nghệ của Trung Quốc, từ Thâm Quyến đến Bắc Kinh qua Hàng Châu, đánh dấu một bước ngoặt đáng buồn sau nhiều năm “tiền tiêu không hết”.
Người lao động chịu thiệt nhất
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm và dòng vốn suy yếu, các công ty khởi nghiệp đang muốn cắt giảm chi phí. “Để có một công ty khởi nghiệp internet, bạn cần nhân lực, vốn và khách hàng. Cả ba tiêu chí trên đều đang sụt giảm”, một nhà đầu tư công nghệ Trung Quốc trả lời trên Financial Times.
Vốn đầu tư chảy vào Trung Quốc bắt đầu chững lại từ nửa cuối năm ngoái, dẫn đến việc doanh nghiệp công nghệ không thu hút được nhiều tài lực. Người tiêu dùng nước này cũng trở nên “chắt bóp” hơn, mua sắm không “thả phanh” nữa.
Hệ quả là doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí và sa thải nhân công là một trong những giải pháp được áp dụng. Vài ngày trước, Dianrong - dịch vụ cho vay ngang hàng, đã chấm dứt hợp đồng với 2.000 nhân viên của mình.
Theo Zhaoping.com - trang web tuyển dụng trực tuyến với 180 triệu tài khoản đăng ký, số lượng hồ sơ xin việc kỷ lục đang “xếp hàng” trên nền tảng này. Ông Li Qiang - Phó Chủ tịch điều hành, cho biết: “Những thay đổi trên thị trường đã đưa sự phát triển của ngành công nghiệp internet trở lại trạng thái phù hợp”.
Vị này còn đề cập đến hai vấn đề khác: Sau nhiều năm tăng trưởng, số người dùng internet đã đạt đến mức bão hòa, khiến cạnh tranh thêm căng thẳng và ảnh hưởng đến lợi nhuận doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các quy định pháp lý thắt chặt đang tạo ra nhiều “vòng kim cô”, từ thị trường game đến thương mại điện tử và cả phương tiện truyền thông xã hội.
Didi là ứng dụng gọi xe đã hất văng Uber ra khỏi Trung Quốc vào năm 2016, nhưng gần đây lại phải đối mặt với áp lực lớn từ chính phủ sau vụ việc hai phụ nữ bị sát hại khi sử dụng dịch vụ này. Hiện Didi đang sa thải 2.000 nhân viên, tức là khoảng 15% tổng số nhân sự.
![]() |
Các quy định pháp lý thắt chặt đang tạo ra nhiều “vòng kim cô” |
10 năm bấp bênh
Tuy nhiên, công ty này vẫn khẳng định rằng sẽ kết thúc năm với số lượng nhân viên như năm ngoái (13.000 người) sau khi thuê thêm lao động ở nước ngoài và trong các lĩnh vực mới như công nghệ bảo đảm an toàn.
Đối với các nhân viên còn lại, tiền thưởng cuối năm đã giảm một nửa và các đãi ngộ như đồ ăn nhẹ miễn phí và hỗ trợ thẻ tập gym đã không còn nữa. Người phát ngôn của Didi cho biết: “Gần đây, chúng tôi có điều chỉnh các chế độ phúc lợi này, tuy nhiên không có kế hoạch cắt giảm lớn”.
Đối với JD.com, tình hình đang trở nên phức tạp bởi các vấn đề nội bộ khi nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Richard Liu bị bắt ở Mỹ hồi năm ngoái với cáo buộc hiếp dâm. Công ty đang rà soát lại đội ngũ quản lý cấp trung, dự định cắt giảm khoảng 10% những người ở cấp phó trở lên.
Giống như Didi, trang thương mại điện tử này cho biết họ đồng thời đang tuyển dụng và sẽ bổ sung 15.000 nhân viên mới trong năm nay, khoảng 2/3 trong số đó sẽ làm các công việc logistics như chuyển phát, nhân viên kho bãi... Đối thủ lớn của họ là Alibaba cũng đăng tin liên tục “tìm kiếm nhân tài”.
Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Zhang Yiming của ByteDance thì phải giải thích với nhân viên về chuyện giảm thưởng Tết là “do môi trường bên ngoài, cạnh tranh trong ngành và những sai sót và thiếu sót của chúng ta trong quản lý, ra quyết định và thực hiện”.
Một số nhà đầu tư công nghệ cho rằng đây mới chỉ là sự khởi đầu của cuộc suy thoái sẽ kéo dài trong 2 đến 3 năm tới. Ông Wang Xing - nhà sáng lập ứng dụng giao đồ ăn Meituan Dianping, nhận định: “Năm 2019 có thể là năm tồi tệ nhất trong 10 năm qua, nhưng cũng có thể sẽ là tuyệt vời nhất trong 10 năm tới”.
Hải Châu