13 năm trước, Makani bắt đầu “thả” những con diều tận dụng sức gió để tạo ra điện và 7 năm sau đó thì được mua lại bởi Alphabet, công ty mẹ của Google.
Việc dần dần tách Makani ra khỏi phòng thí nghiệm là cách làm thường thấy của Alphabet đối với các dự án trọng điểm, giống như những gì đã và đang diễn ra với Waymo (xe không người lái) hay Loon (sử dụng khinh khí cầu để phát sóng không dây).
Nâng tầm công nghệ khai thác điện gió
Alphabet sẽ biến dự án mới thành một đơn vị kinh doanh độc lập nếu cảm thấy tự tin rằng đã đến lúc triển khai bước tiếp theo sau giai đoạn thử nghiệm và đủ năng lực phát triển một sản phẩm thương mại, cho dù quá trình thương mại hóa có thể mất vài năm sau đó.
Tuy nhiên, câu chuyện của Makani lại phản ánh một quyết định hiếm thấy của Alphabet là theo đuổi một dự án năng lượng tái tạo vượt ra khỏi những tính toán khoa học ban đầu.
Hai dự án khác của Alphabet là Malta (hệ thống lưu trữ năng lượng sử dụng muối nóng chảy) và Dandelion (một dự án năng lượng địa nhiệt) đã phải hoàn toàn tách khỏi Alphabet vì xa rời lợi ích cốt lõi của tập đoàn cũng như không đủ số vốn cần thiết để hoạt động ở quy mô lớn.
Giá trị khoản đầu tư của Shell chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ ở Makani, nhưng con số cụ thể thì không được tiết lộ. Alphabet khẳng định sự có mặt của Shell là để gây dựng mối quan hệ đối tác giữa các doanh nghiệp, chứ không đơn thuần là lôi kéo vốn từ bên ngoài.
Shell thì cho biết thỏa thuận này sẽ giúp họ phát triển mảng hoạt động phong gió ngoài khơi, sau khi đã góp cổ phần trong các dự án ở Hà Lan và Mỹ. Nhằm đa dạng hóa hoạt động kinh doanh theo hướng giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đáp ứng các mục tiêu biến đổi khí hậu, Shell đã đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, trạm sạc xe điện và giảm phát thải khí cacbon.
Cho đến nay, Makani đã phát triển được một nguyên mẫu con diều nối đất từ độ cao khoảng 300m đón những cơn gió mạnh làm quay cánh quạt để giúp diều “bay” và sản sinh năng lượng. Tranh thủ thế mạnh của Shell trong hoạt động ngoài khơi, Alphabet cho biết giờ đây họ sẽ hướng sự quan tâm đến vùng nước ven biển ở độ sâu hơn 50m.
Hai công ty hy vọng trọng lượng nhẹ của diều Makani sẽ giúp nâng tầm công nghệ khai thác điện gió, tiến tới có thể gắn diều vào phao nổi thay vì phải làm hẳn một hệ thống cồng kềnh gắn dưới đáy biển.
![]() |
Tuabin gió trên không - thiết kế năng lượng gió mới nhất hiện nay |
Cơ hội thành công 50/50
Tuabin gió trên không tạo ra năng lượng ngay trên bầu trời là một mục tiêu khó chinh phục trong nhiều năm qua đối với ngành công nghiệp gió và chưa có công ty nào thành công trong việc thương mại hóa công nghệ này.
Theo các chuyên gia, một trong những khó khăn chính là những con diều cần nhiều không gian hơn trong không khí so với các tuabin tĩnh, chưa kể thời gian và kinh phí đầu tư vô cùng lớn. Nhiều dự án đã “đốt” hàng triệu USD nhưng đều thất bại. Và, cơ hội thành công của Makani cũng vẫn chỉ được đánh giá là 50/50.
Khoản đầu tư từ Shell không phải là lần đầu tiên Alphabet mời gọi đối tác tham gia các dự án của mình. Verily, tiền thân là Google Life Science, đã huy động được 1,8 tỷ USD từ bên ngoài.
Quy mô nhỏ của khoản đầu tư và thực tế là các nhà đầu tư mạo hiểm thường thoái vốn kiếm lời sau một thời gian tương đối ngắn, dẫn đến một kết quả phổ biến là dự án tách ra thành công ty độc lập hoặc niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Vị thế một công ty con độc lập cho phép Makani có thể áp dụng chế độ thưởng cho nhân viên bằng cổ phần gắn với hiệu quả kinh doanh trong tương lai - một cơ chế thù lao hấp dẫn để giành giật người tài với các công ty khởi nghiệp khác trong lĩnh vực công nghệ.
Cách làm này được triển khai ở nhiều công ty con khác của Alphabet và là một nguyên nhân quan trọng khiến chi phí tập đoàn tăng vọt thời gian gần đây, trong đó chi phí nghiên cứu và phát triển tăng tới 40% trong báo cáo quý gần nhất.
Hải Châu