Đứng trước thách thức này, theo các chuyên gia, việc minh bạch trách nhiệm môi trường, xã hội và quản trị (ESG), chuyển đổi số, tài chính xanh không còn là xu hướng xa vời mà đang trở thành điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tồn tại, phát triển.
“Cuộc chơi” Net Zero - sự sống còn của DN
Ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Khối kinh doanh hàng hoá, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Daklak) cho biết, các FTA mở ra cơ hội lớn cho DN nông sản, nhưng đi kèm là yêu cầu ngày càng cao về phát triển bền vững. Điều này đã thúc đẩy Simexco tiên phong theo đuổi mô hình “chuyển đổi kép” – kết hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.
![]() |
Nhiều HTX nông nghiệp cũng đang chủ động thích ứng với chính sách thương mại xanh của các thị trường xuất khẩu, trong đó các khâu làm đất, gieo sạ, phun thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc thu hoạch đều bằng máy móc. |
Với mạng lưới 80.000 nông hộ liên kết, công ty từng bước giảm phát thải về mức zero, phát triển vùng nguyên liệu bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế như 4C, Rainforest Alliance, Fairtrade, đồng thời đáp ứng quy định chống phá rừng của EU. Hiện tại, Simexco đang triển khai sản xuất cà phê đáp ứng quy định chống phá rừng mới của Liên minh châu Âu (EU), đón đầu xu hướng toàn cầu.
Song song đó, Simexco Daklak còn ứng dụng công nghệ vào quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc và giám sát vùng nguyên liệu, hướng tới nâng cao giá trị cà phê Đắk Lắk trên thị trường toàn cầu.
Với DN chuyên sản xuất và xuất khẩu các loại gia vị và tinh dầu hữu cơ, bà Nguyễn Thị Huyền, CEO Công ty cổ phần Xuất khẩu quế hồi Việt Nam –Vinasamex, cho hay việc chuyển từ triết lý kinh doanh theo chuỗi giá trị, sang kinh doanh tạo tác động xã hội, cùng với triển khai bộ tiêu chuẩn ESG đã giúp DN không chỉ sải bước mà còn đứng vững tại các thị trường như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc. Cũng từ đây, doanh nghiệp tiếp cận được với các quỹ đầu tư, nguồn vốn xanh. Giá trị vô hình của doanh nghiệp đã được khẳng định, bên cạnh giá trị hữu hình.
“Giá trị hữu hình có thể 500 tỷ đồng, nhưng giá trị vô hình của doanh nghiệp có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng”, bà Nguyễn Thị Huyền nói.
Tương tự, tại nhiều địa phương, các HTX nông nghiệp cũng đang chủ động thích ứng với chính sách thương mại xanh của các thị trường xuất khẩu, nhằm không bị bỏ lại trong sân chơi toàn cầu.
Chia sẻ cùng VnBusiness, ông Vũ Xuân Thu, CTHĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp 714, cho hay, tại HTX các khâu làm đất, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng như các công cụ thiết bị hỗ trợ,... đều được tuân thủ nghiêm ngặt và do HTX chỉ đạo và thực hiện khép kín.
Từ việc làm đất, gieo sạ, phun thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc thu hoạch đều bằng máy móc. Ngoài ra, HTX đầu tư lò sấy công nghệ cao không đảo, qua hệ thống xay xát tự động, lúa có thể tự khô. Đây có thể nói là bước đi tương đối hoàn chỉnh trong sản xuất khép kín của HTX 714 thời gian qua.
Được biết, gạo của HTX 714 đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. “Mục tiêu thời gian tới không chỉ cung cấp thị trường trong nước, mà sẽ tiến tới xuất khẩu. Đây là mục tiêu mà chúng tôi cho rằng cần phải làm và quyết tâm làm” – ông Thu thông tin.
DN, HTX cần “hành động ngay từ bây giờ”
Chia sẻ tại Hội nghị Quốc gia “Hành trình đến Net Zero” mới đây, TS Nguyễn Sỹ Linh, Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường, khẳng định, Net Zero không còn là một sự lựa chọn, mà là một sứ mệnh: Không của riêng ai và cũng không dành chỗ cho sự trì hoãn.
Ông đưa ra bức tranh tổng thể về phát thải khí nhà kính của Việt Nam. Sau 14 năm, lượng phát thải đã tăng gấp 2,5 lần, trong đó năng lượng là nguồn phát thải lớn nhất. Nông nghiệp, tuy giảm tỷ trọng, vẫn đứng thứ hai, tiếp đến là công nghiệp chế biến và chất thải.
“Nếu không có biện pháp mạnh mẽ, phát thải sẽ tiếp tục leo thang đến 2030. Nhưng ứng phó không thể chỉ dừng ở thích nghi. Cần hành động cắt giảm ngay từ bây giờ”, ông Linh cảnh báo.
Chính phủ đã sớm nhận diện xu hướng và đưa ra nhiều chính sách chiến lược: Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đến 2050, bản NDC cập nhật 2022, hệ thống pháp lý về thị trường carbon qua Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 06/2022.
Gần nhất, Nghị định 119/2025/NĐ-CP đã đặt nền móng cho vận hành thị trường carbon trong nước, với lộ trình phân bổ hạn ngạch phát thải cho các lĩnh vực then chốt như nhiệt điện, xi măng, thép, đồng thời mở rộng danh mục kiểm kê lên hơn 2.100 cơ sở, chiếm khoảng 30% tổng phát thải quốc gia.
Theo TS Linh, đây không đơn thuần là cải cách kỹ thuật, mà là “chuyển biến toàn diện trong tư duy phát triển, từ tăng trưởng bằng mọi giá sang tăng trưởng có trách nhiệm, bền vững”.
Trong cuộc chuyển dịch này, doanh nghiệp là mắt xích trung tâm. Họ không chỉ là nguồn phát thải chính, mà còn nắm trong tay nguồn lực tài chính, công nghệ và quyết định chuỗi sản xuất. “Doanh nghiệp không thể đứng ngoài. Họ là người kiểm kê, là người nộp hạn ngạch, và nếu làm tốt, hoàn toàn có thể bán tín chỉ carbon như một giá trị mới”, ông Linh khẳng định.
TS Hoàng Hiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tăng trưởng xanh (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nhận định, các doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò then chốt trong việc hiện thực hóa Net Zero. Việc tích hợp tiêu chí ESG vào hoạt động sản xuất kinh doanh không chỉ giúp gia tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh một số doanh nghiệp tiên phong trong việc giảm phát thải khí nhà kính, vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp họ biết quy định nhưng chưa chịu áp lực phải chuyển đổi nên họ chưa triển khai thực hiện.
Trước ý kiến cho rằng, hiện tại các doanh nghiệp gặp khó khăn về chi phí kiểm kê và đầu tư giảm phát thải. Về việc này, Viện trưởng viện Nghiên cứu tăng trưởng xanh chia sẻ, không phải thiếu tiền để thực hiện chuyển đổi xanh mà là thiếu hồ sơ chuẩn để được tài trợ, hỗ trợ cho vay ưu đãi lãi suất thấp. Nếu doanh nghiệp có lộ trình kiểm kê khí nhà kính rõ ràng, minh bạch, có mục tiêu giảm phát thải, thì sẽ có nhiều quỹ, nhiều đối tác sẵn sàng đồng hành.
Khi các cơ chế như Cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon (CBAM), tiêu chuẩn ESG và yêu cầu kiểm kê phát thải trong chuỗi cung ứng toàn cầu được siết chặt, các DN không theo kịp sẽ mất năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, các tập đoàn đa quốc gia sẽ yêu cầu nhà cung cấp minh bạch dữ liệu phát thải – buộc DN phải kiểm kê nếu muốn duy trì hợp đồng.
TS. Đinh Thị Hải Vân, Viện Nghiên cứu tăng trưởng xanh, nhận định áp lực không chỉ đến từ quy định pháp luật mà ngày càng rõ nét hơn từ thị trường quốc tế. Các nhà nhập khẩu lớn tại EU, Mỹ, Nhật Bản yêu cầu DN minh bạch dấu chân carbon, công bố báo cáo khí nhà kính và thực hành ESG.
Cơ chế CBAM của EU sẽ áp thuế cao với hàng hóa có phát thải lớn, trong khi các quỹ đầu tư và ngân hàng ESG ngày càng siết chặt tiêu chuẩn cấp vốn. Việc sớm triển khai giảm phát thải và áp dụng ESG giúp DN duy trì xuất khẩu, nâng cao năng lực quản trị, tăng uy tín thương hiệu, thu hút đầu tư và bắt kịp xu hướng phát triển bền vững. “Hành trình đến Net Zero là một hành trình dài – DN nào bắt đầu sớm sẽ đến đích nhanh và vững chắc hơn”, bà Vân nhấn mạnh.
Hồng Hương