![]() |
Hiện nay, Vietnam Airlines vẫn chưa khai thác hết các đường bay quốc tế. (Ảnh: Int) |
Theo nội dung Nghị quyết kỳ họp thứ 10 vừa được Quốc hội thông qua đã cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, Quốc hội cũng cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định tại điểm a, điểm c và điểm d khoản 2 Điều 15 của Luật Chứng khoán và Chính phủ giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines thuộc quyền mua cổ phần của cổ đông nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua. Đồng thời, cho phép xác định việc đầu tư nêu trên thuộc dự án nhóm A.
Trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Vietnam Airlines dự tính năm 2020 giảm sản lượng 50% so với năm 2019, doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng và lỗ 15.000 - 16.000 tỷ đồng.
Trước tình trạng trên, Vietnam Airlines đề xuất Chính phủ thực hiện gói hỗ trợ khoản vay tối thiếu 4.000 tỷ đồng, tối đa 12.000 tỷ đồng để phát triển sau dịch Covid-19, phù hợp với tình huống hỗ trợ khẩn cấp, thời gian vay tối thiểu là 3 năm và có bảo lãnh của Chính phủ.
Đồng thời cho phép hãng phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn. Nhà nước sử dụng các nguồn vốn nhà nước hoặc giao các đơn vị của nhà nước mua cổ phần thuộc quyền mua của nhà nước.
Quy mô phát hành cân đối với phương án vay để đảm bảo 12.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn trung, dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021-2025.
Như vậy, thông tin này được ví như “phao cứu sinh” giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện tại.
Theo báo cáo tài chính quý III/2020 của Vietnam Airlines, đến cuối tháng 9, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp ở mức 11.684 tỷ đồng, tăng tới 79,6% so với đầu năm, trong khi vay và nợ thuê tài chính dài hạn giảm nhẹ 8%, xuống còn 23.371 tỷ đồng.
Trong số hơn 20 định chế tài chính đang là “chủ nợ” của hãng này thì Vietcombank, BIDV, Eximbank đang là 3 nhà băng đang cho vay lớn nhất với dư nợ lần lượt 8.049 tỷ đồng, 3.005 tỷ đồng và 835 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý II/2020.
Tiếp đến là các ngân hàng như Techcombank, SeABank, VietinBank, VIB, MB, Indovina, TPBank, VPBank, MSB, HSBC Việt Nam, Ngân hàng liên doanh Việt - Nga… cũng đang ghi nhận khoản nợ tại Vietnam Airlines.
Thanh Hoa