Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã bổ sung các quy định giúp tăng cường ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng.
Đến nay, sở hữu chéo giữa tổ chức tín dụng và người có liên quan của tổ chức tín dụng góp vốn, mua cổ phần tại tổ chức tín dụng khác đã giảm đáng kể (khắc phục được tình trạng sở hữu cổ phần của ngân hàng thương mại (NHTM) tại một tổ chức tín dụng khác vượt tỷ lệ quy định trên 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng khác).
Tuy nhiên, NHNN nêu rõ việc sở hữu chéo có thể liên quan đến nhiều đối tượng thuộc sự quản lý của các bộ/ngành, trong đó hiện nay còn tồn tại tình trạng sở hữu cổ phần vượt giới hạn tại NHTM là doanh nghiệp nhà nước với tỷ lệ sở hữu khá lớn, các NHTM gặp khó khăn trong việc yêu cầu cổ đông này thực hiện thoái vốn.
![]() |
Ngân hàng Nhà nước cho biết việc kiểm soát sở hữu chéo rất khó khăn |
Bên cạnh đó, việc kiểm soát sở hữu chéo rất khó khăn trong trường hợp cổ đông và người có liên quan của cổ đông cố tình che dấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật về sở hữu chéo/sở hữu vượt mức quy định hoặc lách quy định về giới hạn cấp tín dụng nhóm khách hàng liên quan, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông và người có liên quan.
Điều này dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu công khai, minh bạch, đồng thời việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.
Việc phát hiện mối liên quan giữa các doanh nghiệp còn hạn chế do thông tin để xác định tính liên quan về sở hữu của các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng rất khó khăn, NHNN không chủ động được trong việc tra cứu thông tin cũng như xác định được độ chính xác, tin cậy của các nguồn thông tin; đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán, công nghệ phát triển nhanh như hiện nay.
Để phát hiện và ngăn chặn sở hữu chéo, NHNN nêu rõ sẽ tiếp tục thực hiện giám sát an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng và qua công tác thanh tra. Trường hợp phát hiện rủi ro, vi phạm, NHNN chỉ đạo tổ chức tín dụng xử lý các tồn tại nhằm ngăn ngừa rủi ro.
Đồng thời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị, các bộ, ban ngành, đơn vị cần chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện việc đầu tư, góp vốn mua cổ phần tại các tổ chức tín dụng tuân thủ quy định, sử dụng nguồn vốn đi vay, đặc biệt vốn vay từ các tổ chức tín dụng đúng mục đích, hiệu quả đảm bảo an toàn và trả nợ đúng hạn cho các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó sẽ rà soát nghiên cứu tham mưu sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật nếu cần thiết nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về sở hữu cổ phần theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.
Trước đó, đầu năm 2024, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với nhiều nội dung quan trọng để ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng. Cụ thể, Luật đã bổ sung quy định về cung cấp, công bố công khai thông tin, trong đó có cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tính dụng.
Theo quy định, một cá nhân chỉ sở hữu tối đa 3% vốn điều lệ ngân hàng (so với 5% trước đây). Một tổ chức sở hữu tối đa 10% vốn điều lệ ngân hàng (so với 15% trước đây). Nhóm cổ đông và các bên liên quan sở hữu tối đa 15% vốn điều lệ ngân hàng (so với 20% trước đây).
Trước khi được thông qua, khi thảo luận dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã nêu lên một thực tế: các chủ ngân hàng có thể "phân thân" cổ phần thành cả "phả hệ", vì vậy quy định dù chỉ nắm giữ 1% cổ phần nhưng họ vẫn có thể chi phối ngân hàng.
Thanh Hoa