Báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động chỉ nhích nhẹ 0,08%. Lãi suất huy động ghi nhận tăng so với đầu năm chủ yếu từ nhóm ngân hàng thương mại quy mô nhỏ, nhưng đa số các ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất kể từ sau chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.
Biến động trái chiều
Kể từ sau ngày 25/2 đến nay đã có 28 ngân hàng thương mại trong nước giảm lãi suất huy động, với mức giảm từ 0,1-1,05%/năm. Trong tháng 4, đã có 9 ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm, bao gồm: VPBank, MB, Eximbank, Nam A Bank, OCB, VCBNeo, GPBank, Techcombank và Viet A Bank. Mặc dù xuất hiện trở lại một số ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm tại một số kỳ hạn, đặc biệt là các kỳ hạn ngắn, nhưng số lượng ngân hàng giảm lãi suất vẫn chiếm ưu thế.
Hiện nay, trên thị trường, lãi suất thông thường cao nhất ở kỳ hạn 12 tháng là 5,8%/nămm kỳ hạn 6 tháng là 5,4%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 4,4%/năm; trong khi đó, lãi suất cao nhất ở các kỳ hạn dài của nhóm Big 4 dao động từ 4,7%-4,9%/năm.
So với mức lãi suất huy động cách đây 2 năm, từ mức đỉnh 12%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng đầu 2023, lãi suất hiện nay thấp hơn từ 6-7%, tương ứng tỷ lệ giảm từ 50-60% tùy theo nhà băng.
![]() |
Lãi suất huy động ở mức thấp làm giảm sức hấp dẫn của kênh gửi tiết kiệm. |
Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm và nhiều kỳ hạn xuống dưới mức lạm phát, sức hấp dẫn của kênh gửi tiết kiệm đang suy giảm.
Khảo sát báo cáo tài chính quý I/2025 của các ngân hàng cho thấy một số nhà băng ghi nhận sụt giảm tiền gửi khách hàng. Trong đó, "ông lớn" Vietcombank giảm nhẹ 0,4%, tương đương hơn 5.500 tỷ đồng. Điều này có thể do ngân hàng cơ cấu nguồn vốn huy động, trong bối cảnh dư nợ cho vay khách hàng cũng chỉ tăng nhẹ 1,2% trong 3 tháng đầu năm. Bù lại sự sụt giảm tiền gửi khách hàng, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại Vietcombank tăng mạnh 56% lên 121 nghìn tỷ đồng.
Một số ngân hàng khác cũng sụt giảm tiền gửi khách hàng như Techcombank giảm gần 1.800 tỷ đồng, từ 533.392 tỷ đồng còn 531.583 tỷ đồng, tương đương với mức giảm 0,3%, TPBank giảm 4% còn 233.115 tỷ đồng. SeABank có 160.043 tỷ đồng tiền gửi từ khách hàng đến cuối tháng 3, tương đương với mức giảm 4,9%; ABBank có 89.749 tỷ đồng, giảm 1,1%.
Ngược lại, bất chấp lãi suất huy động giảm, một số ngân hàng vẫn ghi nhận sự tăng trưởng tiền gửi trong quý I/2025. Điển hình là BIDV tiếp tục giữ vị trí số 1 về quy mô tiền gửi với gần 2 triệu tỷ đồng, tăng thêm 23.776 tỷ chỉ trong 3 tháng đầu năm, tương ứng tăng 1,2%. MB ghi nhận tiền gửi khách hàng đạt hơn 722.000 tỷ đồng, tăng 1,2%. Sacombank có 585.569 tỷ đồng, tăng 3,3%, tương ứng tăng gần 18.700 tỷ đồng. VPBank là ngân hàng hút tiền gửi nhất khi tăng thêm 66.707 tỷ đồng, từ 455.817 tỷ lên 552.374 tỷ, tương đương với mức tăng thêm 13,7%. SHB cũng ghi nhận lượng tiền gửi tăng thêm 30.219 tỷ đồng, tương ứng 6%; HDBank tăng thêm 27.816 tỷ đồng, tương ứng khoảng 6,4%...
Lãi suất huy động ổn định ở mức thấp
Ghi nhận ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5, Techcombank đồng loạt tăng lãi suất huy động tại tất cả kỳ hạn từ 1-36 tháng, với mức tăng thêm 0,1%/năm, sau khi đã giảm 0,1%/năm lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 1-36 tháng vào cuối tháng 4. Như vậy, lãi suất tiền gửi tại nhà băng này đã trở lại mức lãi suất cũ trước khi điều chỉnh.
Trong khi đó, các nhà băng còn lại vẫn giữ nguyên mức lãi suất huy động như ở thời điểm cuối tháng 4.
Theo định hướng của Chính phủ và NHNN, mục tiêu xuyên suốt năm 2025 là giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Việc điều hành chính sách sẽ linh hoạt, tùy thuộc vào diễn biến lạm phát và tình hình thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh lạm phát trong nước vẫn được kiểm soát tốt và thanh khoản hệ thống dồi dào, khả năng lãi suất tăng trở lại là rất thấp. Trái lại, nếu các yếu tố thuận lợi như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất sớm hơn dự kiến, lãi suất tại Việt Nam có thể tiếp tục giảm thêm.
Thời gian qua, NHNN cũng đã linh hoạt bơm ròng tiền qua thị trường mở khi cần thiết nhằm hỗ trợ chi phí vốn của hệ thống ngân hàng. Hiện, thanh khoản toàn hệ thống ngân hàng khá dồi dào.
Hầu hết các chuyên gia cho rằng NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất ổn định để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cũng như phù hợp với các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác.
Lãi suất huy động tại các ngân hàng được dự báo có thể tiếp tục giảm nhưng mức giảm sẽ không quá nhiều; việc tăng lãi suất là rất khó. Đồng thời, lãi suất cho vay của các ngân hàng được đánh giá sẽ giữ ổn định, thậm chí giảm nhẹ ở một số lĩnh vực ưu tiên.
Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển nhận định, mức lãi suất tiền gửi VND khoảng 5%/năm hiện nay là hợp lý, góp phần duy trì sự ổn định của thị trường vốn. Ông nhấn mạnh, cần có cái nhìn thực tế rằng gửi tiết kiệm không phải là kênh đầu tư nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao với rủi ro thấp, mà chủ yếu để bảo toàn giá trị đồng tiền. Thực tế, ở nhiều quốc gia phát triển, lãi suất tiền gửi thường chỉ cao hơn mức lạm phát một chút, phản ánh đúng bản chất của hình thức đầu tư thụ động này.
Thanh Hoa