![]() |
Lãi suất huy động tiếp tục được điều chỉnh giảm sẽ là cơ sở để có thể hạ thêm lãi suất cho vay. |
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 28/7 tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,45%, trong khi huy động đạt 5,31%. Như vậy, tăng trưởng huy động đang cao gấp đôi so với tăng trưởng cho vay, tạo nên sự dồi dào về thanh khoản tại hệ thống ngân hàng. Đây là một trong những điều kiện để các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động.
Các ngân hàng vào cuộc đua mới
Theo khảo sát của Thời báo Kinh doanh, so với thời điểm cuối tháng 7, sang đầu tháng 8 biểu lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã được điều chỉnh giảm từ 0,1-0,5%/năm. Hiện mức lãi suất huy động thấp nhất là 3,5%/năm kỳ 1- 2 tháng và cao nhất là 7,3%/năm cho kỳ 13 tháng. Đây là cơ sở cho lãi suất cho vay giảm sâu.
Đầu tháng 8/2020, biểu lãi suất Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank) được điều chỉnh giảm tại hầu hết các kỳ hạn so đầu tháng trước.
Đối với kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng, mức lãi suất huy động tại BaoViet Bank giảm 0,3%, xuống 3,7%/năm. Đây cũng là mức giảm của các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 3 đến 5 tháng. Hiện mức lãi suất huy động các kỳ hạn này được niêm yết ở mức 3,95%/năm.
Trong khi đó, các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 36 tháng đều được đồng loạt điều chỉnh giảm tới 0,5% cho mỗi kỳ hạn.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng điều chỉnh giảm 0,3% lãi suất huy động đối với các khoản tiền gửi tại nhà băng này. Hiện lãi suất huy động cao nhất tại hình thức gửi tiết kiệm thông thường tại SCB duy trì ở mức 7,7% khi gửi tiền tại kỳ hạn 13 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.
Đáng nói, tại các ngân hàng thương mại cổ phần vốn nhà nước, lãi suất được điều chỉnh giảm ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành văn bản về việc triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm 2020, yêu cầu các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi để tạo cơ sở cho việc hạ thêm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch.
Trong biểu lãi suất mới nhất dành cho khách hàng cá nhân tại quầy ngày 10/8, Vietcombank, BIDV và Vietinbank đã điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn 1- 2 tháng xuống chỉ còn 3,5%/năm từ mức 3,7%/năm (mức lãi suất huy động niêm yết vào thời điểm đầu tháng 8). Kỳ hạn 3 tháng chỉ còn 3,8%/năm, giảm thêm 0,2%.
Với các khoản tiết kiệm 9 tháng, Vietcombank giảm 0,1% xuống còn 4,5%/năm. Đối với kỳ hạn từ 9-11 tháng, lãi suất huy động giảm về 4,4%/năm, thay vì mức 4,5%/năm hồi đầu tháng 8.
Trước đó, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước trong tuần từ 27/7 - 31/7, lãi suất huy động và lãi suất cho vay tiếp tục được duy trì ổn định so với trước đó.
Đến cuối tháng 7, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1- 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng. Lãi suất kỳ hạn từ 1 tháng tới 12 tháng dao động 3,7 - 6,4%/năm. Kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,0 - 7,3%/năm.
Nhiều yếu tố giúp lãi vay giảm
Sau động thái giảm lãi suất cho vay ở các ngân hàng, các nhận định đưa ra khả năng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giảm tiếp trong tháng 8 nhằm chia khó cùng khách hàng bị ảnh hưởng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tái diễn ở Việt Nam.
Bộ phận phân tích của chứng khoán KB (KBSV) cho rằng, tăng trưởng tín dụng và chỉ số sản xuất công nghiệp và PMI đều tăng trưởng chậm lại là tín hiệu đáng chú ý cho thấy nền kinh tế, đặc biệt là ngành sản xuất vẫn đang gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19.
KBSV cũng dự báo mặt bằng lãi suất huy động và cho vay kì vọng tiếp tục giảm trong thời gian tới với 3 yếu tố chính: kì vọng điều chỉnh lãi suất điều hành; thanh khoản trong hệ thống dự báo tiếp tục dư thừa trong 6 tháng cuối năm và NHNN dự kiến sẽ cho phép giãn lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giúp giải tỏa áp lực cơ cấu nguồn vốn huy động của ngân hàng.
Trong báo cáo gần đây của các công ty chứng khoán cũng đánh giá bức tranh tín dụng tỏ ra thiếu tích cực khi huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng mạnh trong khi tín dụng tăng không nhiều. Lượng tiền trong hệ thống ngân hàng dồi dào đang khiến cho lãi suất tiền gửi và cho vay giảm có thể giảm trong thời gian tới.
Ngoài ra, NHNN sẽ giảm thêm lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Đương nhiên, việc cắt giảm lãi suất sẽ chỉ khả thi nếu mặt bằng lạm phát được duy trì ở mức thấp, lãi suất tiền gửi giảm.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định rằng trong bối cảnh thanh khoản dồi dào cùng lạm phát thuận lợi là cơ sở để lãi suất tiền gửi có thể duy trì xu hướng giảm.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã lần thứ ba yêu cầu phải tiếp tục nới lỏng có kiểm soát chính sách tiền tệ và tài khóa để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Thủ tướng đánh giá cao chính sách gia hạn, giãn, hoãn nợ, miễn giảm lãi suất vừa qua của ngành ngân hàng, song cũng yêu cầu phải làm mạnh hơn nữa, đồng thời nhắc lại, các ngân hàng không nên đặt vấn đề lợi nhuận trong năm nay, mà cái chính là phục vụ người dân, doanh nghiệp...
Thanh Hoa