Đồng hành cùng người nông dân hiện thực hóa khát vọng xanh
Agribank luôn dành hơn 65% tổng dư nợ tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó tỷ trọng cho vay phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao ngày càng tăng. Agribank đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch vì sức khỏe cộng đồng từ năm 2016 đến nay.
Đối tượng khách hàng vay vốn của chương trình là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại… tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, doanh số cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Agribank đạt trên 25.000 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này, dư nợ đạt trên 2.000 tỷ đồng với hơn 300 khách hàng (trong đó, hơn 98% khách hàng là cá nhân, chủ trang trại, tổ hợp tác...).
Từ nguồn vốn của Agribank, nhiều người dân đã hiện thực hóa được mơ ước phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao trên chính mảnh đất quê hương. Đến vùng đất Đức Hòa - Long An vào một ngày nắng gió như thường lệ, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy khu vườn rau xanh mướt trong nhà màng hiện đại - khung cảnh thường chỉ thấy ở những vùng khí hậu mát mẻ, gió mưa thuận hòa. Mô hình trồng rau thủy canh với doanh thu tiền tỷ của anh Lê Văn Dể là minh chứng cho sự kiên trì, sáng tạo và vai trò "tiếp sức" của dòng vốn ngân hàng.
![]() |
Cán bộ Agribank chi nhánh Bắc Long An thăm mô hình trồng rau thủy canh của anh Lê Văn Dể. |
Anh Lê Văn Dể, từng là công nhân kỹ thuật làm việc tại Nhật Bản. Năm 2010, anh sang Nhật theo diện thực tập sinh, làm bảo trì thiết bị nhà máy cho một công ty sản xuất thép. Trong thời gian đó, anh có cơ hội tham quan nhiều trang trại và ấn tượng với công nghệ trồng rau thủy canh hiện đại - nơi mọi thông số kỹ thuật được kiểm soát tự động, sạch sẽ và tiết kiệm tài nguyên. “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản: Nếu công nghệ này mang lại rau sạch cho người Nhật, sao mình không mang về Việt Nam áp dụng? Thế là tôi bắt đầu tìm hiểu, học hỏi từng chút một,” anh nhớ lại.
Sau hơn một thập kỷ tích lũy kinh nghiệm, anh quyết định khởi nghiệp với mô hình trồng rau thủy canh tại Việt Nam. Ban đầu, anh thử nghiệm mô hình tại Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh), sau đó chuyển về ấp Lộc Hòa, xã Lộc Giang, Đức Hòa. Hiện tại, mô hình của anh Dể có 5 nhà màng trồng rau, mỗi nhà rộng 6m, dài 20m. Trong đó có một nhà được bố trí để ươm cây giống, 4 nhà còn lại dành cho canh tác chính.
“Tôi áp dụng phương pháp thủy canh hồi lưu - nước được bơm lên, sau đó thu hồi về bể chứa để đo nồng độ dinh dưỡng và xử lý rồi tái sử dụng. Nhờ đó tiết kiệm nước, tránh lãng phí phân bón và ít phát thải ra môi trường,” anh phân tích. So với cách trồng rau truyền thống, thủy canh giúp tiết kiệm tài nguyên, hạn chế sâu bệnh và chủ động sản xuất quanh năm. Dễ dàng kiểm soát pH, nồng độ dinh dưỡng, môi trường nước… giúp rau đạt chất lượng đồng đều. Đặc biệt, quy trình tuần hoàn nước giúp giảm phát thải và ô nhiễm môi trường.
Mỗi ngày, anh thu hoạch từ 50 - 70 kg rau xà lách, chủ yếu theo đơn đặt hàng của các đầu mối tiêu thụ. Chu kỳ sản xuất được xoay vòng liên tục (cuốn chiếu), đảm bảo không đứt nguồn cung. Hiện vườn rau đã đạt chứng nhận VietGAP và đang hướng tới đăng ký các tiêu chuẩn OCOP, GlobalGAP trong thời gian tới. Để hiện thực hóa mô hình này, anh Lê Văn Dể đã đầu tư khoảng 600 triệu đồng, trong đó có 300 triệu vay từ ngân hàng. “Tôi được ngân hàng hỗ trợ rất nhanh. Thủ tục vay theo hình thức thế chấp, có sổ đất, phương án kinh doanh rõ ràng là được duyệt. Từ lúc hoàn tất hồ sơ đến lúc giải ngân chỉ mất 1-2 ngày,” anh chia sẻ.
Anh cho biết thêm, việc tiếp cận vốn vay dễ dàng là yếu tố quan trọng giúp anh mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà màng, thiết bị dinh dưỡng và bơm tự động. “Với nông dân, dòng vốn đến đúng lúc chẳng khác nào tiếp thêm oxy để bắt đầu một hành trình dài. Tôi làm kỹ thuật, nên tôi tin vào con số, tin vào máy móc và tôi tin nếu làm bài bản, rau Việt có thể cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường,” anh nói. Trong thời gian tới, anh dự kiến đầu tư thêm khoảng 300 triệu đồng để mở rộng hệ thống nhà sơ chế, kho bảo quản và đóng gói, nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe hơn từ thị trường, và Agribank tiếp tục đồng hành cùng anh trong những dự án đầu tư tiếp theo.
Câu chuyện của anh Lê Văn Dể là hành trình khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và là hành trình chuyển mình của lao động kỹ thuật - từ người làm thuê ở nước ngoài đến người chủ mô hình nông nghiệp xanh tại quê nhà. Dù hành trình ấy còn nhiều thử thách, gian nan, nhưng với sự đồng hành của ngân hàng, cùng tinh thần cầu tiến, sáng tạo - “ông chủ rau thủy canh” ở Lộc Hòa đang từng bước biến mảnh đất quê hương thành khu vườn của màu xanh hy vọng và phát triển bền vững.
Từ nguồn vốn của Agribank nhiều dự án kinh tế xanh quy mô lớn đã được hình thành và phát triển
Agribank luôn xác định cho vay nông nghiệp, nông thôn là trọng tâm trong đó nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là lĩnh vực được ưu tiên dành nhiều ưu đãi cho khách hàng vay vốn. Agribank không ngừng nỗ lực cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí để mở rộng đầu tư tín dụng giúp khách hàng tiếp cận vốn vay một cách nhanh chóng; đồng thời triển khai các giải pháp để rút gọn thời gian thẩm định dự án, phương án vay vốn và nâng định mức cho vay cho khách hàng.
Agribank đã tăng cường phối hợp chặt chẽ với các chính quyền địa phương, các bộ ban ngành nhằm triển khai các dự án phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khách hàng như tiếp cận vốn ngân hàng ngay từ khi hình thành dự án, tài sản thế chấp.
Đặc biệt Agribank đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh hoạt động dịch vụ ngân hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn thông qua các chương trình, đề án, dự án do Bộ nông nghiệp quản lý, chủ trì, triển khai thực hiện, trong đó có Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và giảm phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".
Đề án gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
![]() |
Ông Nguyễn Cao Khải - Giám đốc HTX Tiến Thuận (bên phải) phấn khởi cho biết: canh tác theo Đề án 1 triệu ha lúa phát thải thấp, chi phí giống, nước, phân bón, thuốc đều giảm, mà năng suất lại tăng, bông lúa dài hơn, hạt nhiều, đều và chất lượng hơn. |
Đến với Cần Thơ đúng thời điểm cánh đồng lúa vàng đương độ thu hoạch của Hợp tác xã Tiến Thuận, chúng tôi đã được hiểu rõ hơn về những lợi ích khi tham gia Đề án 1 triệu ha lúa giảm phát thải. Đứng bên cánh đồng lúa chín vàng thơm mùi lúa mới, cầm bông lúa trĩu hạt vàng ươm trên tay, ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc Hợp tác xã Tiến Thuận, Cần Thơ - nơi đang trồng 132 ha lúa theo đề án 1 triệu ha phát thải thấp - say mê chia sẻ với chúng tôi: "Mô hình lúa giảm phát thải này rất thiết thực và có lợi rất nhiều cho người nông dân, giúp chúng tôi thay đổi rất lớn về tư duy, cách trồng so với cấy lúa truyền thống. Canh tác theo phương pháp mới, lúa giống giảm tới 2/3 mà năng suất lại tăng so với thông thường. Thêm vào đó, công nghệ vừa gieo sạ vừa kết hợp bón phân nên không thất thoát lượng phân. Thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm mạnh. Đầu vào chi phí giảm, năng suất lại tăng, lợi đơn lợi kép".
Bên cạnh đó, việc canh tác theo phương thức mới là chuỗi tuần hoàn khép kín. Thu hoạch lúa bình thường rơm sẽ đốt bỏ, gây ô nhiễm môi trường, còn canh tác theo Đề án 1 triệu ha, rơm được thu gom lại dùng để trồng nấm bán ra thị trường, còn phụ phẩm sẽ làm phân hữu cơ bón trở lại cho lúa, việc làm này đa lợi ích, vừa tối ưu hóa lợi nhuận, vừa giảm ô nhiễm môi trường, vừa giúp phục hồi đất.
Vướng mắc khó khăn lớn nhất hiện nay là vốn để đầu tư mua máy cuốn rơm, máy gieo sạ kết hợp bón phân thì đã có ngân hàng Agribank hỗ trợ. Toàn HTX có hơn 10 thành viên vay của ngân hàng hơn 6 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn thị trường. “Chính sách của Chính phủ, của ngân hàng Agribank cho chúng tôi rất nhiều ưu đãi về vốn, giúp chúng tôi an tâm đẩy mạnh đầu tư và thực hiện dự án” - ông Khải khẳng định.
Trên thực tế, nhiều dự án quy mô lớn do Agribank cấp vốn đã tạo nên dấu ấn, có thể kể đến một số dự án lớn Agribank đã đầu tư như: Dự án nhà máy chế biến rau quả thực phẩm, nông sản xuất khẩu tại An Giang, Vĩnh Long; các Dự án nuôi tôm giống, tôm thịt, nuôi bò sữa tại Ninh Thuận; Dự án chế biến và kinh doanh lúa gạo tại Tỉnh Đồng Tháp; Các Dự án sản xuất thức ăn chăn nuôi sạch tại Tỉnh Hà Nam; Các Dự án chế biến thủy, hải sản tại Hải Phòng, Kiên Giang. Những dự án này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu và mở rộng thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao không còn là lựa chọn, mà là con đường tất yếu để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đưa nông nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới. Agribank tiếp tục kiên định sứ mệnh phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng hành cùng Chính phủ, người dân và doanh nghiệp xây dựng một nền nông nghiệp xanh, an toàn, hiệu quả và bền vững.
N.B