Là một huyện có thế mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công và làng nghề nhưng Thạch Thất vẫn chú trọng và dành sự quan tâm đặc biệt cho phát triển nông nghiệp qua triển khai xây dựng NTM. Với định hướng này, huyện đã từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất giá trị, mang lại thu nhập ổn định, bền vững cho người dân.
Thay đổi phương thức sản xuất
Xác định HTX là nhân tố tích cực trong xây dựng NTM, huyện đã chỉ đạo các xã tập trung củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX theo Luật HTX năm 2012.
![]() |
HTX Hương Ngải mạnh dạn đầu tư mô hình rau VietGAP mang lại hiệu quả cao. |
Trồng rau củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP không phải là điều xa lạ, thậm chí ngày càng trở nên quen thuộc ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, để những vườn rau quả an toàn phát triển bền vững, thì không phải nơi nào cũng biết cách duy trì ổn định.
Đó là cách làm của HTX nông nghiệp Hương Ngải (thôn 2, xã Hương Ngải) do ông Nguyễn Đỗ Ban làm giám đốc, với hơn 800 thành viên tham gia sản xuất luân canh gieo cấy lúa, trồng khoai tây vụ Xuân và rau màu vụ Đông.
Thời gian qua, HTX Hương Ngải đã thực hiện thành công mô hình rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 55ha: Cải bắp, bí đao, rau cải... mang lại thu nhập hơn 400 triệu đồng/ha/năm.
Tham gia sản xuất, các thành viên HTX cũng như bà Phí Thị Yên ở thôn 2, xã Hương Ngải phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu chuẩn bị đất, ươm giống đến chăm sóc và thu hoạch.
“So với cách trồng rau truyền thống thì trồng rau sạch theo hướng tập trung tuy có nhiều quy định ràng buộc, nhưng an toàn với cả người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện nay, trừ chi phí, 1 sào rau sạch của tôi sẽ cho thu nhập 5 - 7 triệu đồng/tháng”, bà Yên chia sẻ.
Từ đây, kinh tế khá giả, gia đình bà Yên có điều kiện giúp đỡ người dân trên địa bàn xã về cây, con giống, kỹ thuật để cùng phát triển kinh tế, giảm nghèo, góp phần đáng kể trong việc xây dựng NTM ở địa phương.
Đến nay, các loại rau, củ của HTX Hương Ngải đều đạt chứng nhận an toàn thực phẩm, chứng nhận VietGAP, đồng thời được dán tem mã QR, giúp cho người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.
Trung bình mỗi ngày HTX xuất bán ra thị trường từ 500 - 700kg rau củ quả, đồng thời là địa chỉ tin cậy cung cấp cho các bếp ăn trường học, cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị Vinmart trên địa bàn TP.Hà Nội.
Với nỗ lực không ngừng để tạo ra những sản phẩm năng suất và chất lượng cao, năm 2019, HTX đã có 3 sản phẩm khoai tây, rau ngót, bắp cải được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận OCOP 3 sao.
Ông Hoàng Chí Lượng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho biết: Hiện, trên địa bàn huyện đã hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gồm: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao quy mô 690ha tại các xã Canh Nậu, Dị Nậu, Hương Ngải; vùng sản xuất rau an toàn, quy mô 285ha tại các xã Tiến Xuân, Hương Ngải, Dị Nậu, Yên Bình… cho giá trị thu nhập đạt 333 - 445 triệu đồng/ha/năm.
Việc phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung không những tạo thuận lợi cho người dân trong việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà còn cao gấp 5-7 lần so với cấy lúa.
Gặt hái quả ngọt
Một trong những điểm nhấn thực hiện xây dựng NTM của huyện Thạch Thất được đoàn thẩm định NTM Trung ương đánh giá cao là việc tập trung phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập của người dân. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt chỉ 13,1 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2020 đã gấp 5,4 lần tương đương với 70 triệu đồng/người/năm.
![]() |
Nhờ chủ trương xây dựng NTM, nhiều vùng quê ở Thạch Thất đã “thay da đổi thịt”. |
Phong trào sản xuất trên không chỉ giúp thay đổi thói quen sinh hoạt, bảo vệ môi trường của bà con mà còn giúp nâng chất lượng nông thôn mới (NTM) của địa phương này lên tầm cao mới.
Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, sau 10 năm (2010-2020) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Thạch Thất đã có 21/22 xã đạt chuẩn NTM (riêng xã Thạch Hòa phát triển theo hướng đô thị), hoàn thành 9/9 tiêu chí về xây dựng huyện NTM theo quy định của Trung ương, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,58%.
Hiện nay, huyện tiếp tục xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, duy trì tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM 100%.
Nói về mục tiêu trong thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Hồng cho hay: Huyện Thạch Thất sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt; đồng thời, thực hiện thí điểm xây dựng vùng nông nghiệp sử dụng công nghệ cao tại các xã: Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân, Đại Đồng...
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện chuyển đổi 367ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất rau, hoa, cây dược liệu, cây ăn quả và thủy sản, nâng cao hiệu quả giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác.
“Sắp tới Thạch Thất sẽ đẩy mạnh phát triển mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” dựa trên lợi thế, thế mạnh của mỗi địa phương; thực hiện chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, góp phần tăng năng suất lao động tại địa phương, đặt mục tiêu đến năm 2025 thu nhập bình quân trên địa bàn đạt 120 triệu đồng/người”, ông Hồng nhấn mạnh.
Huyền Thương