Vùng miền Tây Nghệ An nói chung, vùng đất Phủ Quỳ (Quỳ Hợp, Thái Hòa, Nghĩa Đàn) nói riêng rất có tiềm năng với những loại cây công nghiệp dài ngày như cao su..., cây nguyên liệu như nghệ, mía, keo...
Xác định thế mạnh đó, những công nhân trước đây từng làm việc tại nông trường Đông Hiếu đã vận động thành lập HTX chuyên về trồng, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ nghệ.
Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 9/2017, HTX Nông nghiệp tinh bột nghệ miền Tây Nghệ An thành lập tại phường Hoà Hiếu, thị xã Thái Hòa.
Nòng cốt để HTX hoạt động là 17 hộ thành viên với 51 lao động; đa phần là con em công nhân và những công nhân nông trường Đông Hiếu đã nghỉ hưu.
Sản xuất theo chuỗi để tăng giá trị
Ngay sau khi thành lập, HĐQT HTX đã tiến hành tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tất cả nguồn nguyên liệu đầu vào là nghệ củ thô được HTX mua chung trên nguyên tắc giám sát từng diện tích nguyên liệu, kiểm nghiệm chặt chẽ hàm lượng Cucumin, kiểm nghiệm lượng tồn dư thuốc BVTV, kim loại nặng...
Sau khi bảo đảm chắc chắn các chỉ số về chất lượng nguyên liệu đầu vào, HTX mới cung ứng cho 17 hộ thành viên tiến hành sản xuất, chế biến tinh bột nghệ.
Với phương châm “làm chắc ăn chắc”, HTX đã thành lập tổ kiểm tra chất lượng sản phẩm trong quy trình sản xuất, từ khâu sơ chế đến sấy thành phẩm và đóng gói dán nhãn hiệu.
Bà Phạm Thị Kim Hiên - Chủ tịch HĐQT HTX, cho biết: Quy trình này được kiểm soát gắt gao nhằm bảo đảm chắc chắn không có sự trà trộn của nguồn nguyên liệu khác (nguồn nguyên liệu thô mà HTX chưa kiểm nghiệm) để có sản phẩm bảo đảm chất lượng. Làm chặt chẽ, cẩn thận... khiến HĐQT rất vất vả, mất thời gian nhưng bù lại sẽ cảm thấy yên tâm về sản phẩm đầu ra; quan trọng hơn là tạo cho các hộ thành viên thói quen sản xuất “làm thật ăn thật”.
Sản phẩm nghệ sau chế biến nghệ củ bao gồm tinh bột nghệ dạng rời, tinh bột nghệ dạng viên nén... Đã có sản phẩm nhưng để tiêu thụ được sản phẩm lại là vấn đề khó. Vậy là HĐQT HTX đã lên một kế hoạch tỷ mỷ về khâu quảng báo giới thiệu và bán sản phẩm để làm ăn lâu dài.
Hiện tại, sản phẩm tinh bột nghệ dạng rời và dạng viên nén đã được giới thiệu tại hội chợ ONTOP Quảng Ninh; hội chợ nông sản xanh và các HTX, làng nghề do Sở Công Thương và Liên minh HTX tỉnh Nghệ An tổ chức; ký kết tiêu thụ sản phẩm với Liên hiệp HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn Nghệ An; quảng bá sản phẩm trên nhiều kênh thông tin...
Nhờ sản xuất theo chuỗi, khép kín từ vùng nguyên liệu đến thị trường tiêu thụ, sản phẩm tinh bột nghệ dạng viên nén đã chiếm được niềm tin của khách hàng gần xa.
Một tín hiệu rất tích cực là sản phẩm tinh bột nghệ của HTX đã được hai khách hàng ở Hà Nội và Tp.HCM khảo sát để đưa sang tiêu thụ ở thị trường Ấn Độ và Singapore.
Trong 3 tháng sau khi thành lập, HTX đã mua cung ứng 450 tấn nghệ củ cho thành viên. Số lượng tinh bột nghệ thành phẩm sản xuất ra đạt 26 tấn, tinh bột nghệ dạng viên là 1,5 tấn với tổng doanh thu hơn 832 triệu đồng.
“Khi bắt tay thành lập HTX là chúng tôi đã nghĩ đến mô hình hoạt động như thế nào rồi. Chỉ có liên kết sản xuất theo chuỗi mới mang lại giá trị cao. Và, thực tế đã chứng minh như vậy, bởi thu nhập bình quân của một lao động hiện đạt 7 triệu đồng”, Chủ tịch HĐQT HTX Phạm Thị Kim Hiên cho biết thêm.
Đây là phương châm đang được HĐQT HTX lên “dây cót” với tất cả các thành viên. Lãnh đạo HTX cho biết: Chỉ có mở rộng vùng nguyên liệu, quy mô hoạt động bằng hình thức đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị vận hành... thì mới phát triển bền vững theo chuỗi.
![]() |
Công nghệ sấy tinh bột nghệ của HTX
Mở rộng quy mô hoạt động
Một loạt các giải pháp, biện pháp kỹ thuật đang được HTX vạch ra. Trước hết, HTX xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý bằng hình thức đào tạo, bồi dưỡng, trang bị đầy đủ kiến thức quản trị kinh doanh HTX, kiến thức về marketing, quản trị tài chính...
Đây là khâu then chốt, quan trọng được HTX ưu tiên xây dựng và thực hiện hàng đầu, bởi năng lực quản lý điều hành của đội ngũ lãnh đạo đóng vai trò quyết định thành công hay thất bại của HTX.
Ưu tiên thứ hai được HTX đặc biệt chú ý là mở rộng vùng nguyên liệu và tăng công suất chế biến. Để làm được điều này, HĐQT HTX đã tăng cường tuyên truyền vận động thành viên, các thành viên liên kết về việc áp dụng đúng kỹ thuật, quản lý chặt chẽ và hạn chế sử dụng thuốc BVTV, hóa chất, sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất, thu hoạch, bảo quản để áp dụng chung cho toàn HTX trên cơ sở quy trình kỹ thuật của Nhà nước.
Từ đó sản xuất ra sản phẩm có chất lượng đồng đều trong toàn HTX, đồng thời tạo ra sản phẩm riêng của HTX để cạnh tranh với HTX khác. Xây dựng vùng nguyên liệu ổn định để có sản phẩm sản xuất quanh năm gắn với đầu tư trang thiết bị, máy móc chế biến, kho bảo quản sản phẩm.
Ưu tiên thứ ba của HTX là mở rộng và phát triển thêm thị trường để có đầu ra ổn định cho sản phẩm giúp các hộ thành viên yên tâm sản xuất.
Chủ tịch HĐQT Phạm Thị Kim Hiên cho rằng: “Chúng tôi tin tưởng với cách làm như hiện tại, HTX sẽ đứng vững, chiếm trọn niềm tin khách hàng. Sau khi thành công ở mô hình tinh bột nghệ, các ngành nghề kinh doanh khác của HTX như trồng rau đậu các loại, dịch vụ trồng trọt, dịch vụ chăn nuôi, bán lẻ lương thực, bán lẻ thực phẩm, trồng trọt chăn nuôi hỗn hợp... cũng sẽ dần “tiệm cận” với quy trình chuỗi”.
Thanh Hải