Mô hình gieo sạ theo hàng được HTX An Mỹ chính thức triển khai từ năm 2009 và nhanh chóng đem lại những kết quả tích cực. Chi phí sản xuất giảm mạnh 70 - 80% so với phương pháp truyền thống, năng suất bình quân tăng 10 - 12%, các điều kiện về an toàn lao động, vệ sinh môi trường được bảo đảm.
Ông Nguyễn Văn Tài - Giám đốc HTX, chia sẻ: “HTX An Mỹ được thành lập từ năm 1984, tham gia tích cực vào công tác dồn điền đổi thửa tại địa phương, góp phần đưa xã An Mỹ trở thành một trong những đơn vị đầu tiên của huyện Mỹ Đức hoàn thành dồn điền đổi thửa”.
Hiện đại hóa sản xuất
Thành công trong dồn điền đổi thửa giúp xã An Mỹ xây dựng được những cánh đồng mẫu lớn, tạo tiền đề giúp HTX An Mỹ và người nông dân trên địa bàn đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật, triển khai máy móc vào quá trình sản xuất.
Với vai trò dẫn dắt sản xuất, HTX An Mỹ hướng dẫn người dân thực hiện mô hình khép kín từ các khâu dịch vụ vật tư đến công tác tưới tiêu, gieo thẳng, chăm sóc, bảo quản và tiêu thụ.
Đến nay, An Mỹ là một trong những HTX tiên phong trên toàn quốc về ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào nhiều khâu sản xuất như chọn giống, cấy lúa, gặt hái và chế biến.
“Để đẩy mạnh hiện đại hóa, HTX đã cử cán bộ đi học tập tại nhiều mô hình tiêu biểu trên địa bàn cả nước. Mô hình gieo thẳng được triển khai, với sự đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng, nâng cấp hệ thống kênh mương và đặc biệt là khâu làm đất”, Giám đốc Nguyễn Văn Tài cho hay.
Bên cạnh đầu tư cho cơ sở hạ tầng, các loại máy móc hiện đại và phương pháp sản xuất mới cũng được HTX An Mỹ liên tục cập nhật và đưa về phục vụ nhu cầu của thành viên và các hộ sản xuất tại địa phương.
![]() |
HTX An Mỹ đang tạo đột phá nhờ phương pháp gieo sạ theo hàng |
Giải phóng sức lao động
Theo thống kê, HTX An Mỹ hiện có 14 máy làm đất, 12 máy gặt, hệ thống máy bơm hiện đại, có thể tự chủ hoàn toàn mùa vụ. Phương pháp gieo sạ theo hàng giúp HTX giảm chi phí sản xuất từ 300.000 đồng/sào xuống 28.000 - 30.000 đồng/sào.
Sản xuất hiện đại giúp năng suất lao động của HTX liên tục tăng, doanh thu bình quân của HTX đạt trên 12 tỷ đồng trong các năm 2017 và 2018. Thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt 36 - 40 triệu đồng/ người/năm.
Bên cạnh giá trị về kinh tế, các điều kiện về an toàn lao động cũng được HTX bảo đảm. Trong quá trình cơ giới hóa, HTX thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo kỹ thuật sử dụng máy móc kết hợp với nâng cao kiến thức về an toàn lao động, xử lý sự cố cho người dân.
Anh Đào Viết Phương (xã An Mỹ) chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi sử dụng máy móc theo kiểu tự phát, thường xuyên gặp phải chấn thương, kể từ khi có HTX, các khóa tập huấn được thường xuyên tổ chức, việc sử dụng máy móc khoa học hơn, giúp quá trình sản xuất an toàn, hiệu quả hơn”.
Lực lượng lao động chính thức của HTX cũng đang được hưởng các chế độ lương, thưởng, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đầy đủ, đồng thời, được tổ chức khám sức khỏe định kỳ.
Gần 35 năm hình thành và phát triển, HTX An Mỹ đang tạo ra những giá trị toàn diện cho thành viên và các hộ dân liên kết. Hiện tại, HTX cũng đang có quỹ tín dụng độc lập phục vụ nhu cầu sản xuất của thành viên và đầu tư thiết bị sản suất.
“Để tiếp tục là điểm tựa cho thành viên, HTX đang đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp sản xuất giống, phân bón bảo đảm chất lượng, đồng thời, chú trọng công tác nghiên cứu thị trường, phát triển thương hiệu, mở rộng đầu ra cho nông dân”, Giám đốc Nguyễn Văn Tài nhấn mạnh.
Sáu Ngạn