Đặc trưng của nếp đắng Lộc Đại (nay là Lộc Thượng) là bông nếp to tròn, lông măng đầy vỏ, phía cuối hạt mọc ra một “cái đuôi” dài giống như đuôi chuột cùng chất lượng vượt trội như: đều hạt, tỷ lệ tấm thấp, khi nấu lên có mùi thơm nhẹ, hấp dẫn, cơm dẻo, ăn vừa thơm vừa đậm đà, nên được người tiêu dùng ở nhiều nơi tìm tới tận địa phương để mua. Có thể nói, đây là sản phẩm truyền thống, đặc thù đang được lưu giữ và phát huy hiệu quả cao của nông dân địa phương.
Lưu giữ và phát huy
Mỗi năm, nếp đắng chỉ trồng được 1 vụ, cho năng suất cao vào vụ hè thu. Thời gian trổ và chín, thu hoạch trong vòng 1 tháng. Đặc biệt là giống nếp này được nhiều người đem về gieo trồng ở thôn, xã khác thì độ dẻo thơm với hương vị đặc trưng giảm hẳn đi.
![]() |
Đặc trưng của nếp đắng Lộc Đại là bông nếp to tròn, lông măng đầy vỏ, phía cuối hạt mọc ra một “cái đuôi” dài giống như đuôi chuột (Ảnh: TL) |
Với giá trị gấp 3 - 4 lần cây lúa thường, mỗi sào nếp cho 2 tạ, giúp người trồng thu về 4 triệu đồng. Nhận thấy giá trị cao từ cây trồng này, Lộc Đại từng thành lập câu lạc bộ trồng nếp đắng để phát huy, gìn giữ đặc sản bản địa nhưng sản lượng làm ra còn ít, nguồn cung nhỏ giọt, hạt nếp đắng vẫn không đi ra được khỏi Quế Hiệp, Quế Sơn...
Trải qua thời gian, nếp đắng Lộc Đại bị lai tạp nhiều, giảm năng suất, dễ bị sâu bệnh. Cả thôn Lộc Đại chỉ có hộ ông Trần Phước Binh và gia đình một người em trong họ là còn giữ được giống tốt, ít bị lai tạp và sản xuất nhiều mẫu ruộng, trong khi nhiều gia đình khác chỉ sản xuất 5 - 10kg giống đủ để sử dụng.
Ông Trần Anh Toàn, Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp cho biết, trong quá trình canh tác của bà con, phấn của cây lúa và nếp đắng trên cùng cánh đồng xảy ra tình trạng thụ phấn chéo, gây nguy cơ thoái hóa cho nếp đắng trong tương lai gần. Chính vì thế, cần có một kế hoạch lâu dài để bảo tồn, phục tráng giống nếp đắng “siêu thuần chủng”, trở thành thương hiệu kinh tế của địa phương.
Từ năm 2017, UBND xã Quế Hiệp đã đề nghị UBND huyện Quế Sơn cho phục tráng giống nếp đắng đặc hữu của Lộc Đại. Đến nay, chương trình phục tráng giống đã mở rộng vùng sản xuất nếp đắng, kết hợp xây dựng nông thôn mới.
Hiện, vùng chuyên canh, phục tráng nếp đắng xã Quế Hiệp rộng 12ha với 74 hộ tham gia sản xuất. Bên cạnh đó, địa phương được UBND huyện Quế Sơn hỗ trợ máy sấy nếp, hướng tới cơ giới hóa nông nghiệp, tăng năng suất sản xuất... với hy vọng đưa hương nếp đắng Lộc Đại ngày càng vươn xa…
Liên kết mở rộng thị trường
Với sự quan tâm của các cấp chính quyền cùng sự chung tay của HTX và nhân dân làng Lộc Đại, đến nay, sản phẩm nếp đắng đã được khôi phục và phát triển mở rộng quy mô sản xuất trên diện rộng. Nếp đắng đã được HTX Nông nghiệp Quế Sơn liên kết với bà con làng Lộc Đại sản xuất, thu mua và xây dựng các chính sách phát triển mở rộng thị trường cung ứng ra các tỉnh trên cả nước.
![]() |
Sản phẩm Nếp Đắng Lộc Đại của HTX Nông nghiệp Quế Hiệp đạt OCOP 2019 Quảng Nam (Ảnh: TL) |
Theo ông Phạm Quang Bách - Giám đốc HTX Nông nghiệp Quế Hiệp: Năm 2018, HTX bắt đầu liên kết với 72 hộ dân Lộc Thượng tổ chức sản xuất 12ha nếp đắng thương phẩm “sạch” theo phương thức hàng hóa tập trung và bao tiêu đầu ra sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu Nếp Đắng là sản phẩm lúa nếp đặc trưng trên thị trường.
“Để tiếp sức cho nhà nông, bên cạnh việc thường xuyên tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác và phòng trừ dịch hại tổng hợp, HTX cũng hỗ trợ một phần chi phí mua hạt giống, phân bón... cho nông dân với mức 200 nghìn đồng/sào”, ông Bách nói.
Tháng 10/2019, thông qua một đơn vị tư vấn, HTX đã hoàn thành việc thiết lập bao bì, nhãn mác và đăng ký thương hiệu “Nếp đắng Lộc Đại” với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN).
Cuối năm 2019, sản phẩm Nếp Đắng Lộc Đại được UBND huyện Quế Sơn đánh giá đạt hạng OCOP 3 sao cấp huyện và đang chờ các cơ quan chức năng của tỉnh thẩm định, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Ông Bách cho hay: “Sản phẩm của HTX được đóng gói với trọng lượng 1kg/bao và giá bán là hơn 50 nghìn đồng. Trong năm 2019, đơn vị đã thu mua nếp vỏ của nông dân và tiến hành xay xát, sơ chế, đóng gói đưa ra thị trường tiêu thụ ít nhất 2 tấn nếp thương phẩm. Theo kế hoạch, năm 2020 này, HTX sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân địa phương mở rộng diện tích liên kết sản xuất lên 20ha và dự kiến tăng sản lượng tiêu thụ lên 6 - 7 tấn nếp đắng Lộc Đại thương phẩm".
Hiện, nếp đắng là cây cho thu nhập cao ở Quế Hiệp, ngoài cây keo và nén rẫy.
Nhật Nam