Tại Sơn La đang có 8 HTX sản xuất nông nghiệp, triển khai chương trình cùng nông dân bảo vệ môi trường, sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm.
Thực hiện nguyên tắc "4 đúng"
Anh Nguyễn Đắc Đông, thành viên HTX Ngọc Lan ở xã Hát Lót (huyện Mai Sơn) cho biết, hiện gia đình anh đang có diện tích trên 3ha trồng cây ăn quả, trong đó xoài 2ha, bưởi 1ha và nhãn 5.000m2... Năm 2019, sau khi được tập huấn, tham gia chương trình sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm nên lợi nhuận cao gấp rưỡi so với trước đây, đạt trên 600 triệu đồng, và dự kiến năm nay sẽ đạt 750 triệu đồng.
"Cũng nhờ được hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV đúng cách nên sản lượng đã tăng lên nhiều. Trước đây, mỗi khi phát hiệu sâu bệnh hại trên cây trồng, tôi thường mua thuốc tại các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp nhưng không được hướng dẫn cách phun thuốc sao cho an toàn, hiệu quả", anh Đông chia sẻ.
![]() |
Thực hiện thu gom tiêu hủy bao gói thuốc BVTV góp phần bảo vệ môi trường |
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Giám đốc HTX Ngọc Lan cho hay, HTX có 52 thành viên, với diện tích trồng xoài 60ha, nhãn 20ha, bưởi 20ha và 10ha là trồng các loại cây khác như cam, vải… Trong 3 năm qua, Chi cục BVTV tỉnh phối hợp với CropLife Việt Nam (thành viên Hiệp hội Khoa học Cây trồng Đông Nam Á) tổ chức nhiều buổi tập huấn cho các hộ thành viên trong HTX về sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm. Tham gia lớp tập huấn, các học viên được phổ biến những kiến thức cơ bản về thuốc BVTV, nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, liều lượng, đúng cách) trong sử dụng thuốc BVTV khi áp dụng trên các loại cây trồng tại địa phương; chẩn đoán và phòng trị một số sâu bệnh hại chính trên cây ăn quả; quy định cấp mã số vùng trồng; giới thiệu ứng dụng tra cứu thuốc BVTV online trên điện thoại; một số quy định về sử dụng thuốc BVTV, xử phạt hành chính và thu gom tiêu hủy bao gói thuốc BVTV...
Ngoài ra, học viên còn được hướng dẫn một số kỹ thuật sử dụng bình phun tay, điện, động cơ, thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng...
Nhờ đó, sản xuất thay đổi, nhiều diện tích trồng cây ăn quả trong HTX được cấp mã số đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, sản phẩm đã ra được thị trường thế giới.
“Để đáp ứng những những điều kiện khắt khe mà phía đối tác đưa ra, HTX Ngọc Lan yêu cầu tất cả các thành viên phải nhận thức rõ việc chăm sóc cây trồng, cũng như sử dụng đúng cách thuốc BVTV. HTX xác định đây là yếu tố hàng đầu giúp cho trái cây xuất khẩu luôn đảm bảo chất lượng", ông Dũng khẳng định.
Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La chia sẻ, trong xu thế sản xuất nông nghiệp an toàn để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, sản xuất nông nghiệp của tỉnh Sơn La cũng đang đặt ra nhiều thách thức. Vấn đề sử dụng phân bón, BVTV hiện đang là một trong những trở ngại lớn với uy tín hàng hóa, chất lượng sản phẩm nông sản của tỉnh.
Từ năm 2018 đến nay, tại tỉnh Sơn La đã tổ chức 230 lớp tập huấn, hội thảo tuyên truyền nâng cao nhận thức và kiến thức cho người nông dân về việc quản lý, thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV sau sử dụng cho 8.000 lượt người tham dự. Toàn tỉnh cũng đã thực hiện xây dựng mới 1.975 bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.
Sử dụng thuốc BVTV an toàn, trách nhiệm, hiệu quả
Nhằm hỗ trợ tạo ra các vùng sản xuất cây ăn quả có giá trị xuất khẩu, nâng cao năng lực trong quản lý, sử dụng thuốc BVTV hướng đến xây dựng vùng sản xuất an toàn, Chi cục BVTV đã phối hợp với tổ chức CropLife Việt Nam triển khai chương trình sử dụng thuốc BVTV an toàn, trách nhiệm, hiệu quả tại nhiều HTX nông nghiệp ở các huyện Mai Sơn, Yên Châu, Thuận Châu, Vân Hồ…
TS. Tan Siang Hee - Giám đốc Điều hành CropLife châu Á cho biết: “Chúng tôi đã đào tạo tập huấn trực tiếp và gián tiếp cho hơn 15 triệu nam giới và nữ giới chỉ riêng tại khu vực châu Á. Riêng tại Việt Nam, chúng tôi tự hào hợp tác với rất nhiều cơ quan chính phủ, các tổ chức nghiên cứu và phát triển và các học viện trong việc xây dựng và củng cố việc thực hành nông nghiệp cho nông dân, thúc đẩy phương pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và giúp đảm bảo việc sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE). CropLife Việt Nam và một số thành viên đang tham gia tích cực vào Tổ chức Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam (PSAV)”.
PSAV được thành lập vào năm 2010 và do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đồng chủ trì cùng với khu vực tư nhân. Sự hợp tác này bao gồm hơn 60 đối tác từ các công ty địa phương và toàn cầu, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế, và chính quyền cấp tỉnh. CropLife là đồng chủ tịch của nhóm công tác PPP ngành hóa chất nông nghiệp.
Theo ông Tan Siang Hee, Chương trình Cùng nông dân bảo vệ môi trường, sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm triển khai tại tỉnh Sơn La từ năm 2017 đến nay, đã hỗ trợ 256ha vùng sản xuất xoài, nhãn được cấp mã số xuất khẩu.
Chương trình đã hỗ trợ xây dựng và lắp đặt 120 bể chứa bao gói thuốc BVTV sau sử dụng tại 8 HTX sản xuất nông nghiệp xuất khẩu: HTX nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, HTX Hương Xoài, HTX Phương Nam, HTX Thanh Sơn (huyện Yên Châu), HTX Ngọc Lan, HTX nông nghiệp sinh thái Nà Sản, HTX Thiên Tân, HTX Tiền Phong (huyện Mai Sơn). Hiện nay, các bể chứa đã được nông dân thu gom vỏ bao gói thuốc BVTV, lượng bao gói thu gom tới năm 2020 đạt 550kg. Đồng thời, lắp đặt các tấm Pano tuyên truyền về hướng dẫn sử dụng thuốc. quy trình thu gom xử lý vỏ bao thuốc.
Chương trình đã tham gia tập huấn cho nông dân tại 8 HTX, nông dân sản xuất nông nghiệp tại nhiều bản làng và cán bộ địa phương về sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả, có trách nhiệm thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Chương trình cũng hỗ trợ vật tư, vật liệu cho các tổ dịch vụ BVTV, trong đó có 400 hộ nông dân được phát mỗi hộ 1 bộ đồ bảo hộ cá nhân phun thuốc BVTV kèm theo sổ tay hướng dẫn quản lý phòng trừ sâu bệnh chính gây hại cây ăn quả (xoài, nhãn/vải) và sổ tay hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV.
"Tình trạng sử dụng thuốc BVTV thiếu an toàn không chỉ xảy ra tại Việt Nam, mà còn diễn ra ở nhiều quốc gia châu Á khác. Thách thức lớn nhất nằm ở việc thay đổi tập quán của phần lớn nông dân canh tác nhỏ. Với sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, người nông dân còn thiếu kiến thức về các sản phẩm và công nghệ trong canh tác và sản xuất nông nghiệp dẫn đến việc sử dụng thiếu trách nhiệm, lạm dụng và sử dụng sai mục đích các sản phẩm BVTV. Vì vậy, vai trò đào tạo về sử dụng các sản phẩm BVTV có trách nhiệm cho nông dân cần được phát huy và tăng cường hơn nữa”, TS. Tan Siang Hee nói.
Chu Khôi