Mới đây, Cục Hải quan An Giang đã có văn bản gửi tới UBND tỉnh An Giang báo cáo về tình hình xuất khẩu nông sản sang Campuchia.
Hậu quả từ "tai tiếng"
Cục Hải quan An Giang cho biết, vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh Kandal (Campuchia) đã tiến hành kiểm tra chất lượng đối với hơn 20 loại rau, củ quả nhập khẩu từ Việt Nam.
![]() |
Thị trường lớn rất khắt khe với các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm (Ảnh: TL) |
Kết quả phát hiện dấu hiệu thuốc trừ sâu trong 6 loại rau củ: bắp cải, bông cải xanh, đậu bắp, chanh, bí ngô và hẹ, có thể gây hại về vấn đề sức khỏe cho người tiêu dùng.
Sau khi phát hiện chất gây hại trong các loại rau củ nêu trên, cơ quan chức năng tỉnh Kandal (Campuchia) đã tịch thu và tiêu huỷ toàn bộ số lượng rau. Đồng thời, Campuchia quyết định cấm nhập khẩu 6 loại rau, củ này từ Việt Nam từ ngày 16/6/2020.
Trong khi đó, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, ngay sau khi có thông tin trên từ phía Hải quan An Giang, Cục Bảo vệ thực vật đã cho tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ các lô hàng làm kiểm dịch thực vật xuất khẩu sang Campuchia trong thời gian vừa qua.
Kết quả báo cáo từ Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 9 (phụ trách tỉnh An Giang), thông qua công tác kiểm dịch thực vật cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất khẩu qua cửa khẩu Tịnh Biên 155 lô bột mỳ, trọng lượng trên 10.000 tấn. Các cửa khẩu Vĩnh Xương, Vĩnh Hội Đông, Bắc Đai, Khánh Bình không có hàng. Hai cửa khẩu thuộc tỉnh Kiên Giang là Hà Tiên và Giang Thành cũng không có hàng.
Như vậy, có thể thấy những lô hàng rau củ quả của Việt Nam bị phía cơ quan chức năng Campuchia cảnh báo dư lượng thuốc trừ sâu và cấm nhập khẩu không làm thủ tục khai báo kiểm dịch thực vật với cơ quan kiểm dịch thực vật của phía Việt Nam là Cục Bảo vệ thực vật.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), cho biết Hiệp hội chưa nhận được thông tin chính thức về vấn đề này. Tuy nhiên, việc Campuchia cấm nhập khẩu 6 mặt hàng trên với ông thì không quá bất ngờ.
Đại diện Vinafruit cho hay, lâu nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu rau quả qua Campuchia bằng đường tiểu ngạch, hợp đồng giữa các tiểu thương hai nước với nhau. Do vậy, việc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật khá lỏng lẻo.
Tuy nhiên, sau động thái từ phía Campuchia, ông Nguyên khẳng định, xuất khẩu rau quả Việt Nam sang thị trường này sẽ chịu tác động tiêu cực. Nghiêm trọng hơn, thông tin này có thể ảnh hưởng tới uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Sản xuất nông sản phải theo tiêu chuẩn
Tổng thư ký Vinafruit cho biết: Trong quá khứ, việc một số mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam bị tuýt còi về hàm lượng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đã khiến cả một ngành hàng bị "mang tiếng" là sản xuất không sạch, ảnh hưởng tới việc xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Về về đề này, chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vina T&T Group cho hay, thông tin rất nhanh chóng. Với những thông tin bất lợi như vậy vô hình trung sẽ ảnh hưởng tới các thị trường đang nhập khẩu rau quả của Việt Nam. Họ có thể để ý, siết chặt hoạt động kiểm tra nông sản Việt Nam.
Ông Tùng nhắc lại bài học tồn dư thuốc bảo vệ thực vật từ thị trường EU những năm trước đây. Ban đầu, EU chỉ kiểm tra một số mẫu, song sau khi phát hiện các vụ bê bối tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đã kiểm tra 100% lô hàng. Điều này dẫn tới rủi ro cao cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
"Chúng ta đều biết rằng trình độ bảo quản nông sản, cụ thể là rau quả của Việt Nam còn hạn chế. Việc kiểm nghiệm chặt chẽ có thể khiến doanh nghiệp mất thêm thời gian, chi phí. Thậm chí là chịu rủi ro bởi nếu phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, những lô hàng này sẽ phải quay đầu", ông Tùng chia sẻ.
Vì vậy, để hạn chế bất cập này, đại diện Vina T&T cho rằng, Việt Nam cần phải siết chặt quản lý kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Những loại thuốc bảo vệ thực vật nào mà thị trường cấm thì tuyệt đối khuyến cáo bà con không sử dụng.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp cần tiến tới khuyến khích để bà con nông dân trồng sản phẩm theo tiêu chuẩn, xuất khẩu tới nhiều thị trường. Hiện nay, bà con sản xuất theo kiểu thị trường dễ dãi sẽ thoải mái sử dụng thuốc trừ sâu.
Đồng thời, Tổng thư ký Vinafruit Đặng Phúc Nguyên cho rằng, doanh nghiệp, Nhà nước đóng vai trò chủ chốt trong việc xây dựng chuỗi giá trị, từ đó giúp nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn. Mỗi một thị trường có một tiêu chuẩn khác nhau, nông sản phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn của thị trường đó.
Rau quả Việt Nam chỉ chiếm thị phần 0,08% ở EU Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang EU năm 2019 đạt 148 triệu USD, tăng 28,5% so với năm 2018. Tuy vậy, do EU là thị trường nhập khẩu rau quả hàng đầu thế giới nên rau quả nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, khoảng 0,08% lượng nhập khẩu của EU. Do vậy, còn nhiều dư địa để tăng trưởng xuất khẩu. EU cam kết mở cửa rất mạnh cho rau quả Việt Nam trong EVFTA, cụ thể: Xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các chế phẩm từ rau quả (trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa...). Phần lớn các dòng thuế EU cam kết xóa bỏ ngay hiện đều đang có mức thuế MFN trung bình là trên 10%, cá biệt có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế trên 20%. Do đó, mức cam kết này của EU được đánh giá là sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam (đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước có thế mạnh về rau quả chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc...). Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đánh giá, công nghệ bảo quản sau thu hoạch đối với các loại rau quả tươi của Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu vận chuyển rau quả đi xa và xuất khẩu. Sản xuất phân tán, tỷ lệ hao hụt lớn, giá thành sản phẩm cao; công nghệ sản xuất, thu hoạch, chế biến bảo quản còn hạn chế nên chất lượng không đồng đều, khó kiểm soát, dễ bị cảnh báo. Thời gian tới, ông Hải khuyến cáo, cần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đã được Chính phủ đề cập nhiều. Đối với thị trường EU với nhiều tiêu chuẩn, chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất, tổ chức hoạt động sản xuất, xuất khẩu cần được đặc biệt chú trọng. Công nghệ bảo quản sau thu hoạch đối với các loại rau quả tươi cũng là vấn đề cần được nghiên cứu, triển khai ứng dụng. |
Lê Thúy