Trở về từ mặt trận Vị Xuyên, anh Nguyễn Ánh Đăng trú tại tiểu khu 19, thị trấn Hát Lót mang trong mình thương tật của chiến tranh, sống đã khó huống hồ phải làm lụng xây dựng kinh tế.
Gia đình anh sống phụ thuộc hoàn toàn vào nương rẫy nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Biết bao đêm thức trắng nghĩ cách làm giàu nhưng anh vẫn chưa tìm được lối đi riêng. Năm 2001, nhận thấy việc phát triển kinh tế cá thể gặp nhiều hạn chế, anh đã gia nhập HTX Thương binh 27/7.
Những thương binh triệu phú
HTX Thương binh 27/7 được thành lập năm 1989, với 11 thành viên đều là thương binh nặng. Theo Giám đốc HTX - ông Đỗ Hồng Phương, các thành viên trong HTX sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ để cùng sản xuất, kinh doanh.
Khi Luật HTX 2012 ra đời, HTX đi đầu trong việc chuyển đổi kinh doanh đa ngành, nghề. Hiện, HTX có 39 thành viên kinh doanh trên nhiều lĩnh vực, như dịch vụ, thương mại tổng hợp; nuôi, trồng thủy sản; chế biến nông sản... Tổng doanh thu của HTX khoảng 10 tỷ đồng, thu nhập của thành viên HTX khoảng 250 triệu đồng/mỗi hộ/năm.
Từ khi là thành viên HTX, việc sản xuất, kinh doanh của anh Nguyễn Ánh Đăng rất thuận lợi. Mặt hàng bỏng ngô gia đình anh sản xuất cho thu nhập ổn định ở mức 200 triệu đồng/năm, đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động là con em các gia đình chính sách. Sản phẩm được quảng bá rộng rãi, bán chạy trên khắp các thị trường trong cả nước.
Với phương châm “là đồng đội phải biết giúp nhau làm kinh tế giỏi”, thương binh Đèo Văn Liên (xã Hát Lót) cũng là một trường hợp vươn lên làm triệu phú của HTX.
Khi mới bắt tay vào phát triển kinh tế, anh Liên đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gia cầm, dần dần mở rộng và nuôi bán công nghiệp. Để tạo thêm thu nhập, anh mở dịch vụ máy xay xát tại nhà, vừa phục vụ nhu cầu của bà con vừa tận dụng làm nguồn thức ăn cho gia súc.
![]() |
Thành viên của HTX lao động trên cánh đồng ngô |
Nghĩa tình đồng đội
Với mong muốn học hỏi thêm kinh nghiệm từ đồng đội, anh làm đơn xin tham gia sinh hoạt ở HTX thương binh 27/7. Cũng từ đó, anh thay đổi tư duy làm ăn, mô hình kinh tế của anh được nhiều người biết đến. Thu nhập từ việc bán lợn, bán gia cầm đã giúp anh trở thành người giàu nhất HTX từ cách đây hàng chục năm.
Nếu như cuộc sống trước đây của các thành viên trong hợp tác xã còn nhiều khó khăn thì nay 100% đã thoát nghèo. Năm 2016, UBND tỉnh Sơn La đã trao tặng Bằng khen Tập thể lao động xuất sắc cho HTX Thương binh 27/7 và năm 2017, HTX được đề xuất nhận Cờ thi đua của Liên minh HTX Việt Nam.
Những ngày đầu mới thành lập, tài sản của HTX chỉ là gian phòng nhỏ được thuê để làm địa điểm cho các thành viên thương binh tham gia sinh hoạt. Thấy hoàn cảnh của những người lính khi trở về quê hương vô cùng khó khăn, UBND tỉnh Sơn La đã tạo điều kiện bằng cách giao cho HTX vài chục héc ta đồi trọc làm mặt bằng sản xuất.
Nhờ kinh doanh đa ngành nghề, các thành viên của HTX nhanh chóng thoát nghèo và vươn lên trở thành triệu phú.
Ông Quàng Văn Muôn - thành viên Hội Cựu chiến binh tỉnh Sơn La, đánh giá HTX Thương binh 27/7 là điển hình trong việc tập hợp đoàn kết các cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế. Từ đó giúp đỡ các thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh và con em gia đình chính sách xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu hợp pháp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh làm kinh tế giỏi, HXT còn là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về công tác đền ơn đáp nghĩa. Chắc chắn, mô hình hoạt động kinh tế hiệu quả như HTX Thương binh 27/7 sẽ được tỉnh Sơn La nhân rộng ra các địa phương khác trong thời gian tới.
Hà Xuyên