Đẩy mạnh kết nối, đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Nông thôn mới Hà Nội, việc kết nối giao thương các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP vào các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online... để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết.
![]() |
Lễ ký biên bản ghi nhớ kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP (Ảnh: Phạm Duy) |
“Hà Nội sẽ đẩy mạnh truyền thông để mọi người biết được nhóm sản phẩm này ở đâu, chủ thể ra sao, minh bạch sản phẩm thế nào, thị trường đang tiêu thụ ra sao để từ đó tạo cơ hội quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó là tổ chức các sự kiện kết nối, giao thương tiêu thụ các sản phẩm OCOP nhằm trao đổi chia sẻ giữa các chủ thể sản xuất với người tiêu dùng và với hệ thống phân phối và các nhà phân phối. Đồng thời coi OCOP là sản phẩm của cộng đồng. Vì vậy, việc đẩy mạnh phối kết hợp các địa phương để tạo ra các sản phẩm tốt nhất phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô và hướng tới xuất khẩu là việc đang được Hà Nội đẩy mạnh triển khai”, ông Chí nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp (DN), HTX, chủ thể OCOP đánh giá cao chương trình đã tổ chức kết nối, giới thiệu và tạo cơ hội giao thương sản phẩm OCOP giữa các nhà sản xuất với DN. Đồng thời cũng là dịp để Hà Nội triển khai tốt chương trình OCOP, vừa để các tỉnh, thành về kết nối, quảng bá các sản phẩm, tạo cơ hội giao thương, kết nối đưa sản phẩm quảng bá rộng rãi đến tay người tiêu dùng.
“Đây là cơ hội vàng cho các DN chủ thể để kết nối, quảng bá, vì không dễ gì có thể đến gặp các đơn vị thu mua để kết nối như các siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn... Việc tổ chức sự kiện tại địa điểm Tây Hồ có điều kiện đặc biệt với số lượng người tiêu dùng lớn, với nhiều người nước ngoài sinh sống và khách du lịch. Điều này không phải tỉnh, thành nào cũng có”, đại diện một HTX tại Hà Tĩnh tham cho biết.
![]() |
Nhiều doanh nghiệp, HTX đến từ nhiều tỉnh, thành phố tham gia nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm (Ảnh: Phạm Duy) |
An toàn, chất lượng và uy tín đặt lên hàng đầu
Ông Đỗ Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty CP Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam cho biết, đây là chương trình rất có ý nghĩa với các DN. Cũng theo đánh giá của các DN, HTX, với dân số trên 10 triệu người, Hà Nội là địa phương tiêu thụ nông sản hàng hóa khổng lồ của khu vực phía Bắc. Do đó, các chủ thể sản phẩm OCOP nếu đưa được sản phẩm đến với người tiêu dùng Thủ đô sẽ được hưởng lợi rất nhiều.
“Tuy nhiên, để có thể đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng Thủ đô, các sản phẩm được công nhận OCOP phải đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, hay đẩy mạnh chế biến sâu tại địa phương. Việc đưa được nhiều sản phẩm đến với người tiêu dùng Thủ đô là điều quan trọng nhất. Để làm được việc này, công tác xúc tiến thương mại phải thật tốt, chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định hàng đầu”, ông Thạch nói.
Được biết đến nay đã có 109 ký kết giao thương giữa Hà Nội với các địa phương trong việc tiêu thụ sản phẩm OCOP tại địa bàn Thủ đô. Các địa phương cũng đưa ra cam kết mạnh mẽ để có thể đưa nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng tham gia chương trình OCOP vào các hệ thống phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị, bán hàng online... để người tiêu dùng Thủ đô, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
![]() |
Hội thảo thu hút đông đảo doanh nghiệp, HTX và các chủ thể OCOP tham gia, đóng góp ý kiến (Ảnh: Phạm Duy) |
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ, đến tham dự Hội nghị kết nối giao thương còn có rất nhiều hệ thống siêu thị lớn như Co.op Mart, Aeon. Trước đó, danh sách các sản phẩm của các chủ thể OCOP cũng đã được đưa đến các hệ thống siêu thị này để họ có thể lựa chọn được đa dạng các hàng hóa đưa vào kênh phân phối của siêu thị.
“Để sản phẩm OCOP vào được các siêu thị, kênh phân phối hiện đại thì cần đảm bảo các giấy tờ đầy đủ. Tuy nhiên, có một thực tế, mặc dù các đơn vị đã được cấp chứng nhận về OCOP nhưng khi các siêu thị hỏi đến giấy chứng nhận sản phẩm OCOP, giấy kiểm nghiệm thì hầu như các DN, chủ thể OCOP đều thiếu hoặc có nhưng lại hết hạn”. bà Hậu nêu thực trạng.
Các hệ thống bán lẻ mong muốn đa dạng hóa sản phẩm trên kệ và họ không gây khó dễ cho các chủ thể OCOP. Do vậy, các bên cùng phải kết hợp để giữ uy tín của DN và uy tín của nhà bán lẻ và cả nhà sản xuất.
Thống nhất quan điểm với bà Hậu, ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương đánh giá: Hà Nội là trung tâm với nhiều làng nghề, có nhiều dư địa để phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời là thị trường tiêu thụ rất lớn, là nơi kết nối, kích cầu tiêu dùng sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.
“Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP không chỉ của các địa phương, mà cả Hà Nội cũng phải bảo đảm việc chuẩn hóa quy trình bảo đảm an toàn thực phẩm, sản xuất khép kín, bảo vệ môi trường...”, ông Tiến nhấn mạnh.
Phạm Duy