![]() |
VinSpeed có thể là hình mẫu cho mô hình PPP (đối tác công – tư) thế hệ mới tại Việt Nam. |
Khi Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed chính thức nộp hồ sơ đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam với tổng vốn lên tới hơn 1,56 triệu tỉ đồng (khoảng 61,35 tỉ USD), không chỉ dư luận quan tâm đến quy mô hạ tầng khổng lồ, mà giới tài chính cũng đặc biệt chú ý đến cơ cấu sở hữu và chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp đứng sau. Tâm điểm không ai khác là ông Phạm Nhật Vượng, người nắm giữ 51% cổ phần VinSpeed với vai trò Tổng giám đốc kiêm đại diện pháp luật.
Điều đặc biệt trong cơ cấu góp vốn là sự xuất hiện của cả ba tầng: cá nhân ông Vượng, gia đình ông và các pháp nhân trong hệ sinh thái Vingroup. Cụ thể, ông Vượng góp tới 3.060 tỉ đồng, chiếm đa số cổ phần. Hai người con trai của ông, mỗi người góp 30 tỉ đồng, chiếm 0,5% cổ phần. Em gái của bà Phạm Thu Hương, phu nhân ông Vượng, là bà Phạm Thúy Hằng, góp 3%. Trong khi đó, Tập đoàn Vingroup góp 600 tỉ đồng (10%), còn Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, một pháp nhân có liên hệ mật thiết với Vingroup, nắm 35% cổ phần còn lại.
Cách sắp xếp này không đơn thuần là góp vốn, mà thể hiện rõ một cấu trúc quyền lực mang tính kiểm soát cao độ. Với 51% cổ phần, ông Vượng giữ vai trò tuyệt đối trong mọi quyết định chiến lược. Việc hai con trai cùng tham gia dù tỉ lệ sở hữu rất nhỏ cho thấy đây là bước đi chủ động trong việc thiết lập cấu trúc kế thừa và bảo toàn ảnh hưởng lâu dài trong doanh nghiệp.
Cũng không thể bỏ qua vai trò “chống lưng” tài chính từ các pháp nhân thân cận. Việc tách phần vốn góp của Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Đầu tư Việt Nam có thể xem là một nước đi khôn ngoan, giúp phân bổ rủi ro và tạo tính linh hoạt pháp lý cao cho VinSpeed, đặc biệt khi doanh nghiệp này đề xuất vay tới 80% tổng vốn đầu tư từ Nhà nước với lãi suất 0% trong 35 năm.
Ở góc độ thị trường vốn, đây là mô hình “vốn mỏng đầu - lực lớn sau”, với 6.000 tỉ đồng vốn điều lệ nhưng cần huy động hơn 300.000 tỉ đồng để đáp ứng phần vốn tự có 20% theo phương án đầu tư. Trong bối cảnh đó, VinSpeed gần như hoàn toàn dựa vào uy tín và tiềm lực của ông Vượng cùng hệ sinh thái Vingroup để làm bàn đạp đàm phán chính sách.
Quan trọng hơn, VinSpeed không đơn độc trong kế hoạch phát triển. Doanh nghiệp này công khai kế hoạch phối hợp với Vingroup và Vinhomes để phát triển các đô thị vệ tinh quanh nhà ga theo mô hình TOD (Transit Oriented Development). Đây chính là đòn bẩy thương mại hóa hạ tầng, nơi đường ray không chỉ để chạy tàu mà còn kéo theo bất động sản, dịch vụ và dòng tiền.
Chiến lược này đã được chứng minh ở Nhật Bản, Hàn Quốc và gần đây là Trung Quốc. Nếu thành công, nó sẽ đưa VinSpeed thành không chỉ nhà đầu tư hạ tầng giao thông, mà là nhà kiến tạo “siêu không gian đô thị”.
Tuy nhiên, quy mô và tính chất chưa từng có tiền lệ của dự án cũng đồng nghĩa với áp lực chính sách, giám sát và minh bạch lớn hơn bao giờ hết. Đề xuất được vay vốn ngân sách 80% với lãi suất 0% trong 35 năm sẽ là phép thử với hệ thống phê duyệt đầu tư công. Đây cũng là lý do khiến cơ cấu sở hữu của VinSpeed trở thành chủ đề được dư luận mổ xẻ: một bên là tiềm lực tư nhân, một bên là kỳ vọng sử dụng tài sản công hiệu quả và công bằng.
Nếu được chấp thuận, VinSpeed sẽ trở thành hình mẫu mới cho quan hệ đối tác công - tư thế hệ kế tiếp tại Việt Nam. Nhưng để đạt được điều đó, không chỉ cần tham vọng và tầm nhìn, mà phải có cơ chế kiểm soát tốt, ràng buộc trách nhiệm và khả năng phân phối lợi ích công - tư minh bạch.
Thùy Linh