Thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước vừa trải qua tháng 4 đầy biến động, chỉ số VN-Index “bốc hơi” tới hơn 80 điểm. Kết thúc phiên cuối cùng của tháng 4 (29/4), chỉ số chính dừng tại mức 1.226,3 điểm.
Nhiều câu chuyện chờ đợi trong tháng 5
Tâm lý thị trường bi quan theo dòng chảy thông tin thuế quan từ Mỹ với mức thuế đối ứng lên đến 46%, nhưng sau đó phục hồi nhanh chóng khi thuế đối ứng hoãn thi hành trong 90 ngày tiếp theo, giúp VN-Index có nhịp hồi phục nhanh chóng, tăng lên gần 170 điểm kể từ vùng đáy trong tháng 4.
![]() |
TTCK bước vào tháng 5 - tháng thường được nhắc tới với hiệu ứng “Sell In May, Go Away”. |
Sang tháng 5, tâm điểm thu hút sự chú ý đối với TTCK cũng như nền kinh tế là hai vấn đề chính. Đó là các cuộc đàm phán thuế quan với Mỹ của nhiều đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam. Đáng chú ý nhất có lẽ là những diễn biến đối thoại, đàm phán với Trung Quốc, khi trong những ngày gần đây xuất hiện những thông tin nhiễu loạn từ cả phía Mỹ và Trung Quốc. Điểm tích cực là cả hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều đã có những tín hiệu dịu giọng, ôn hòa hơn trước đó.
Vấn đề tiếp theo mà nhà đầu tư quan tâm là trong nước, với việc hệ thống giao dịch mới KRX chính thức được vận hành ngay sau kỳ nghỉ lễ, bắt đầu từ phiên ngày 5/5/2025.
Hệ thống KRX được kỳ vọng sẽ tăng tốc độ xử lý lệnh, đảm bảo giao dịch thông suốt với khối lượng lớn, cung cấp công cụ kiểm soát thị trường theo thời gian thực, tăng tính minh bạch và an toàn.
Theo bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng phòng Phân tích Dữ liệu tại FiinGroup, hệ thống KRX chính thức vận hành sẽ đánh dấu một bước ngoặt lớn, nhất là trong bối cảnh dòng tiền vẫn đang phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành. Đặc biệt, các thay đổi trong quy trình khớp lệnh sẽ tác động rõ rệt đến hành vi thị trường.
Cụ thể, lệnh ATO và ATC sẽ không còn được ưu tiên vượt trội so với lệnh giới hạn (LO). Đồng thời, hệ thống mới sẽ cập nhật "room" ngoại theo thời gian thực ngay khi lệnh được đặt, giúp nhà đầu tư nước ngoài phản ứng linh hoạt hơn với biến động thị trường.
Tuy nhiên, chuyên gia từ FiinGroup nhấn mạnh, nhà đầu tư sẽ cần phải thích nghi nhanh với thay đổi kỹ thuật này, khi một số chiến lược cũ có thể không còn phù hợp.
Bên cạnh đó, dù kết quả kinh doanh quý I nhìn chung khá tích cực, nhưng các số liệu này được ghi nhận trước thời điểm Mỹ công bố kế hoạch áp thuế đối ứng với hàng hóa từ Việt Nam.
Dù nhiều kỳ vọng vào một kết quả đàm phán tích cực, tuy nhiên, chuyên gia FiinGroup nhận định: “Với thời hạn áp thuế còn khoảng 60 ngày, doanh nghiệp sẽ phải gấp rút chuẩn bị các kịch bản ứng phó. Điều này có thể kéo theo rủi ro về lợi nhuận trong các quý tới, khiến yếu tố cơ bản khó còn là động lực dẫn dắt thị trường trong ngắn hạn”.
Khả năng VN-Index ổn định ở vùng 1.200-1.240 điểm
Theo ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh Số, Chứng khoán VPBankS, KRX có thể mang lại một số kỳ vọng tích cực trong tháng 5, tuy nhiên nhà đầu tư cũng không nên kỳ vọng KRX sẽ là “liều thuốc kích thích” thị trường trong ngắn hạn. Trong bối cảnh thị trường vẫn đang ở giai đoạn điều chỉnh, nhiều thông tin tích cực như kế hoạch mua cổ phiếu quỹ, kết quả kinh doanh khởi sắc hay vận hành hệ thống giao dịch mới đều chưa thể tạo hiệu ứng mạnh.
Ông Đức cho rằng, yếu tố vĩ mô vẫn giữ vai trò chi phối lớn nhất đến thanh khoản và tâm lý nhà đầu tư. Trong trường hợp các chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục theo hướng cứng rắn, lợi nhuận doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng, từ đó khiến dòng tiền vào thị trường chứng khoán khó khởi sắc bất chấp các cải tiến kỹ thuật. Tâm lý nhà đầu tư vẫn đang bị chi phối bởi bất ổn kinh tế toàn cầu.
Theo chuyên gia này, nhà đầu tư cần có cái nhìn dài hạn hơn với hệ thống KRX, xem đây là nền tảng cần thiết để cải thiện cấu trúc thị trường và hỗ trợ các sản phẩm mới trong tương lai, thay vì kỳ vọng vào tác động tức thì lên thanh khoản hoặc chỉ số trong năm 2025.
Vì vậy, thời gian tới, những thông tin về thương mại, những cuộc đàm phán giữa các quốc gia với Mỹ sẽ là những thông tin chính ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư.
Vậy tháng 5 này, TTCK sẽ biến động ra sao?
Tháng 5 thường được nhắc tới với hiệu ứng “Sell In May, Go Away”, do thường rơi vào thời điểm thị trường thiếu vắng thông tin, khiến cho tâm lý giao dịch cầm chừng, nhà đầu tư cũng hạn chế giải ngân hơn. Thậm chí, một số còn quyết tâm bán, “hold” lại tiền mặt và danh mục để tìm kiếm cơ hội trong tháng mới.
Dù vậy, theo thống kê, trong tháng 5 của 10 năm giao dịch gần nhất, hiệu ứng “Sell In May” đã bị lấn át bởi “Buy In May”, khi có tới 7 lần tăng và chỉ 3 lần giảm.
Nhìn chung khoảng 5, 6 năm trở lại đây, tháng 5/2020 là đáng chú ý nhất, khi đó là thời điểm đời sống xã hội bị đảo lộn bởi dịch Covid-19, nhưng thị trường lại bật tăng mạnh mẽ, với hiệu ứng dòng tiền của thế hệ nhà đầu tư mới (F0), thanh khoản đạt hơn 111.682 tỷ đồng, tăng gần 33% so với tháng trước đó và giúp VN-Index tăng 12,4%.
Trong tháng 5 gần nhất, năm 2024, chỉ số VN-Index tăng hơn 4,3% so với tháng trước đó. Khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 826 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 21.594 tỷ đồng/phiên, tương ứng giảm nhẹ 1,96% về khối lượng và tăng 1,03% về giá trị so với tháng 4/2024.
Do đó, nhà đầu tư cũng không nên quá bi quan về diễn biến TTCK trong tháng 5 này. Nhiều ý kiến cho rằng, khả năng cao nhà đầu tư vẫn duy trì tâm lý thận trọng, chờ đợi thông tin về đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Mỹ cũng như diễn biến mới về khả năng có thể có đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hay không.
Các nhà phân tích kỳ vọng thị trường sẽ ổn định ở vùng 1.200-1.240 điểm, trước khi đón nhận thông tin tích cực hoặc tiêu cực về diễn biến đàm phán thương mại. Tín hiệu khác là thanh khoản trong 2 tuần qua đã có sự suy giảm, phù hợp với kịch bản thị trường đi ngang và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.
Trường hợp thông tin tích cực, chỉ số VN-Index có thể vượt lên trên vùng dao động này. Tuy nhiên, nếu thông tin không khả quan và nhà đầu tư tiếp tục bi quan, thị trường có thể điều chỉnh giảm xuống dưới dải dao động 1.220-1.250 điểm để kiểm nghiệm lại tương quan cung - cầu. Với tình hình hiện tại, có vẻ như sẽ mất thêm thời gian hơn để các bên thực sự đạt được thỏa thuận trong vấn đề thương mại.
“VN-Index có thể sẽ tích lũy kéo dài trong biên độ hẹp cho đến khi bắt đầu có thông tin về kết quả đàm phán thương mại”, chuyên gia của Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội nhận định.
Tương tự, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết vẫn giữ quan điểm thị trường nhiều khả năng sẽ định hình vùng dao động đi ngang tạo nền giá mới hơn trong giai đoạn ngắn trước mắt để chờ đợi và hấp thụ các thông tin về thuế quan.
Hải Giang