Theo quan sát, VN-Index vận động khá tích cực trong những phiên gần đây, vượt qua vùng kháng cự quan trọng 1.350 - 1.355 điểm. Dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu blue-chip và các mã vốn hóa lớn.
Thị trường giao dịch thận trọng
Dù vậy, sau khi vượt vùng kháng cự, thị trường vẫn chưa chứng kiến sự lan tỏa đáng kể sang các nhóm cổ phiếu còn lại. VN-Index duy trì trạng thái tích lũy hẹp.
Trên đồ thị ngày và tuần, VN-Index vẫn duy trì các tín hiệu kỹ thuật tích cực. Việc chỉ số này vượt và đóng cửa trên mức 1.360 điểm đã xác nhận đỉnh mới trong cấu trúc sóng tăng dài hạn, bắt đầu từ mức hỗ trợ 1.130 điểm hồi tháng 4.
![]() |
Thị trường đang hướng sự chú ý vào kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết với nhiều kỳ vọng. |
Các chuyên gia kỳ vọng, các nhịp điều chỉnh sắp tới nếu xuất hiện sẽ chỉ mang tính kỹ thuật và có thể kích hoạt lực mua mới trước khi thị trường tiếp tục xu hướng tăng. Đồng thời dự báo thị trường sẽ tiếp tục vươn lên khi tin tức về thuế quan được công bố, tạo ra tâm lý giải toả cho dòng tiền quay trở lại mạnh mẽ hơn.
Đáng chú ý, sự suy yếu của khối lượng giao dịch về cuối tuần qua cho thấy tâm lý thận trọng từ phía nhà đầu tư gia tăng. Do đó khả năng VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.330 - 1.340 điểm, nơi phe mua được kỳ vọng sẽ phản ứng tích cực.
Các đường trung bình động MA (20, 50, 100) vẫn đang hướng lên, thể hiện xu hướng tăng rõ ràng. Tuy nhiên, chỉ báo động lượng RSI (9) có dấu hiệu suy yếu khi thị trường gần kết thúc tháng 6, nhưng duy trì trên mức trung tính 50 điểm, hàm ý động lượng vẫn mang tính tích cực.
“Tháng 7 sẽ có nhiều thông tin quan trọng tác động trực tiếp đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán, do đó sự thận trọng hiện tại là hợp lý”, ông Tyler Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc cấp cao Nghiên cứu chiến lược thị trường, HSC nhận xét.
Dù vậy một sự kiện quan trọng đó là Quý II/2025 dần khép lại, thị trường đang hướng sự chú ý vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết - yếu tố quan trọng chi phối diễn biến giá cổ phiếu trong thời gian tới. Việc ước tính lợi nhuận sớm giúp nhà đầu tư đi trước thị trường, tránh bị động trước các đợt định giá lại.
Các chuyên gia của Chứng khoán SHS cho rằng thị trường hiện đặt nhiều kỳ vọng vào mức thuế đối ứng sau đàm phán thương mại cũng như kết quả kinh doanh quý II/2025. Đây có thể mở ra cơ hội ngắn hạn cho nhiều nhóm cổ phiếu hồi phục về các vùng giá trước khi bị bán mạnh do lo ngại áp thuế.
Kết quả kinh doanh quý II dự báo "sáng"
Quý II/2025, lợi nhuận của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán được Công ty cổ phần Đầu tư FIDT dự báo tăng khoảng 14 - 15% so với cùng kỳ năm trước, một con số tích cực nếu đặt trong bối cảnh áp lực từ đàm phán thuế quan và biến động địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới vẫn hiện hữu.
Ngành ngân hàng tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt tăng trưởng. Tính đến giữa tháng 6, tín dụng toàn hệ thống đã tăng gần 7% so với đầu năm - một mức tăng cao, vượt trội so với cùng kỳ 2024. Nhiều ngân hàng thương mại như Hàng hải Việt Nam (MSB), VietinBank (CTG), VPBank (VPB), Sacombank (STB), HDBank (HDB) được kỳ vọng ghi nhận lợi nhuận tăng hai chữ số nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, biên lãi ròng ổn định và chi phí dự phòng giảm. Việc một số ngân hàng như Techcombank (TCB) chuẩn bị IPO công ty con, hay MSB hoàn thiện hệ sinh thái đầu tư tài chính cũng tạo thêm động lực tăng trưởng lợi nhuận.
Một điểm sáng khác là nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng. Lợi nhuận quý II/2025 của ngành xây dựng được dự báo tăng trưởng 42% nhờ giải ngân đầu tư công tăng tốc và loạt dự án hạ tầng lớn được khởi công từ quý I. Trong khi đó, tiêu thụ thép trong nước tăng trên 20% so với cùng kỳ, dẫn đầu bởi sản phẩm thép xây dựng - phản ánh sự hồi phục của nhu cầu nội địa. Những doanh nghiệp đầu ngành như Hòa Phát (HPG) được kỳ vọng ghi nhận tăng trưởng cả về sản lượng và biên lợi nhuận trong quý II.
Trong lĩnh vực vận tải và dịch vụ logistics, quý II năm nay ghi nhận tăng trưởng nhờ hoạt động “front-loading” - nhà nhập khẩu đẩy mạnh mua hàng trước thời điểm chính sách thuế quan của Mỹ có hiệu lực từ tháng 7. Điều này giúp cảng biển và ngành hàng không phục hồi mạnh, với mức tăng lợi nhuận được dự báo đạt trên 35%. Tuy nhiên, đà tăng này có thể mang tính nhất thời nếu kết quả đàm phán thuế không như kỳ vọng.
Ngược lại, theo FIDT, một số ngành vẫn đối mặt với thách thức. Bất động sản dân cư ghi nhận lợi nhuận sụt giảm trong quý II/2025 do lượng bàn giao chưa khởi sắc, dù khung pháp lý được cải thiện và thị trường bắt đầu xuất hiện kỳ vọng vào cuối năm. Ngoài ra, bất động sản khu công nghiệp có xu hướng đi ngang khi nhiều nhà đầu tư ngoại vẫn đang thận trọng chờ kết quả đàm phán thương mại Việt - Mỹ.
Còn theo báo cáo ước tính kết quả kinh doanh quý II/2025 của 40 doanh nghiệp niêm yết trên HoSE mới đây của SSI Research vừa công bố, có 31/40 doanh nghiệp được dự báo tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ. Nhóm ngân hàng, thép và bán lẻ là động lực tăng trưởng chính, trong khi một số doanh nghiệp bất động sản nhà ở có lợi nhuận thấp hơn cùng kỳ do mức nền cao của quý II/2024.
Dẫn đầu tăng trưởng, ngành bán lẻ ghi nhận những con số ấn tượng. FPT Retail được SSI Research xếp đầu danh sách với lợi nhuận sau thuế dự báo đạt 184 tỷ đồng, tăng 283% so với cùng kỳ. Sự bứt phá này đến từ việc chuỗi nhà thuốc Long Châu tiếp tục cải thiện biên lợi nhuận, trong khi FPT Shop đã thu hẹp lỗ rõ rệt.
Theo SSI Research, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng và công nghiệp cũng sẽ ghi nhận đà phục hồi ấn tượng. Tập đoàn Hòa Phát (HPG) dự kiến đạt 4.300 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 30% nhờ giá thép cuộn cán nóng (HRC) phục hồi và chi phí đầu vào giảm. Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng sẽ có một quý tăng trưởng, với lợi nhuận ước đạt 300 tỷ đồng, tăng 10% nhờ tối ưu hóa chi phí và giá bán ổn định.
Trong báo cáo mới nhất, Chứng khoán MB (MBS) dự báo, lợi nhuận toàn thị trường trong quý II/2025 có thể ghi nhận mức tăng trưởng 14% so với cùng kỳ. Một số ngành dự kiến đạt mức tăng trưởng lợi nhuận quý II nổi bật gồm cảng biển và vận tải biển (66%), hàng không (54%), bán lẻ (22%), xuất khẩu (17%), công nghệ (17%).
MBS dự báo, quán quân tăng trưởng lợi nhuận quý II/2025 là nhóm xây dựng, với mức 69%, nhờ lực đẩy từ đầu tư công. Trong số đó, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ Vinaconex (VCG) được dự báo tăng trưởng 135%, đạt 230 tỷ đồng trong quý II, nhờ bàn giao các dự án thành phần thuộc dự án Cao tốc Bắc - Nam và một phần dự án Trung tâm thương mại Chợ Mơ.
Chiều ngược lại, MBS ước tính một số ngành sẽ ghi nhận lợi nhuận quý II giảm so với cùng kỳ như bất động sản dân cư (-27%) do hoạt động bàn giao chưa sôi động, hay dầu khí (-11%) do giá dầu trung bình thấp hơn cùng kỳ.
Hải Giang