Có một thực tế là làm báo đã khó, làm báo kinh tế còn khó hơn, bởi kinh tế vốn là lĩnh vực gắn với sự khô khan, phức tạp và tính chuyên sâu của mỗi vấn đề. Làm cách nào để truyền tải được thông tin phức tạp đó đến với người đọc là một nghệ thuật sau khi đã biết xử lý, tính toán số liệu và phân tích vấn đề.
“Chơi” để hiểu về thị trường
Mặc dù chỉ là một mảng của kinh tế, nhưng chứng khoán lại bao trùm thông tin của tất cả các ngành, lĩnh vực, bởi hầu như ngành nghề nào cũng có đại diện doanh nghiệp trên sàn chứng khoán và nhiều lĩnh vực có sự liên quan mật thiết.
Ví dụ như viết về cổ phiếu ngân hàng đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng về tình hình tài chính, hoạt động kinh doanh, và triển vọng của ngân hàng. Bên cạnh đó, cần đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ, và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu ngân hàng… Thậm chí, với bài viết liên quan đến tranh chấp, sai phạm, kiện tụng, phóng viên cần có thêm kiến thức về pháp luật.
Không chỉ nắm bắt thông tin trong nước, phóng viên cũng cần sát sao với các sự kiện quốc tế xảy ra hàng ngày.
![]() |
“Thực chiến” là một yếu tố giúp cho phóng viên có thể bám sát theo từng “nhịp đập” của thị trường, đưa ra những góc nhìn đa chiều trong bài viết của mình. |
Ngoài ra, “thực chiến” là một yếu tố giúp cho phóng viên có thể bám sát theo từng “nhịp đập” của thị trường. Từ đó có thể đưa ra những cảm nhận tâm lý như nhà đầu tư, những góc nhìn đa chiều của “chứng sĩ” khi tham gia thị trường.
Một phóng viên chứng khoán nếu như không hiểu và nắm bắt được “hơi thở” của thị trường, không nắm bắt được vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp chắc chắn sẽ không nắm bắt được thông tin, và khó có thể phát hiện được vấn đề. Lâu dần, phóng viên sẽ có cảm giác nhàm chán và thiếu nhiệt huyết với nghề của mình.
Không chỉ vậy, việc thiếu kiến thức cơ bản về chứng khoán sẽ khiến thông tin được chuyển tải đi một cách mơ hồ.
Chẳng hạn, nếu phóng viên không có kiến thức sâu rộng cùng khả năng sàng lọc thông tin thì rất dễ sa đà vào câu chuyện mà doanh nghiệp “tô vẽ”. Khi không có sự kiểm chứng thông tin rõ ràng, bài báo có thể bị lạm dụng vào mục đích quảng cáo của doanh nghiệp, không loại trừ khả năng trở thành công cụ tiếp tay cho hành vi thao túng thị trường chứng khoán của những đối tượng có mục đích trục lợi.
Và tất nhiên, đối với phóng viên có nghề, có “thực chiến”, có kiến thức nền tảng về tài chính chứng khoán sẽ có lợi thế hơn về tin tức, đề tài và chất lượng bài vở.
“Thực chiến” nhiều, đi sâu vào các nhóm đầu tư, trở thành một phần của thị trường chứng khoán ban đầu có thể khiến mỗi phóng viên cảm thấy mệt, thậm chí stress khi xem bảng điện cũng thấy tim mình “nhảy” theo từng con số. Tuy nhiên, khi đã trải qua nhiều bài học đắt giá từ thị trường, tài khoản "xa bờ", họ có thể từ F0 nâng cấp thành F1... và có những góc nhìn thú vị để đưa vào bài viết của chính mình.
Cố nhà báo lão thành Hữu Thọ từng nói: “Vấn đề nào bây giờ thì cũng là sự tổng hợp nhiều kiến thức của nhiều vấn đề. Biết nhiều thì nghiên cứu vấn đề mới sâu sắc và viết bài thêm hay”.
Cho nên, cũng giống như một nhà đầu tư, phóng viên chứng khoán phải luôn trau dồi kiến thức nền tảng, học chắc học vững, cùng với đó là những kỹ năng về đọc và lọc thông tin, hiểu ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết, mô hình hoạt động, các thế mạnh và hạn chế, tư duy quản trị và tầm nhìn của “người cầm trịch”, sức khỏe tài chính, và luôn phải nắm bắt xu thế thị trường. Đặc biệt trong bối cảnh “ma trận” thông tin như hiện nay, khiến nhiều nhà đầu tư “bội thực” về thông tin chứng khoán, các tờ báo kinh tế, tài chính, chứng khoán càng phải đem đến cho độc giả, nhà đầu tư những thông tin chất lượng cao.
Tính khách quan cần đặt lên hàng đầu
Đến đây, vấn đề đặt ra là nếu phóng viên quá am hiểu về thị trường liệu có thể gây ảnh hưởng gì tới sự minh bạch hay không khi mà chính họ là người dùng “ngòi bút” của mình để đánh giá vấn đề.
Thực tế đã cho thấy, một phóng viên đưa tin tích cực về một cổ phiếu có thể khiến nhiều nhà đầu tư mua vào, đẩy giá cổ phiếu lên cao. Tuy nhiên, nếu sau đó thông tin không chính xác, cổ phiếu có thể giảm mạnh, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.
Ngược lại, nếu phóng viên đưa tin tiêu cực về một cổ phiếu có thể khiến nhiều nhà đầu tư bán ra, làm giảm giá cổ phiếu, nhưng sau đó thông tin không chính xác, cổ phiếu có thể tăng giá trở lại, bỏ lỡ cơ hội của nhà đầu tư.
![]() |
Phóng viên không được sử dụng công cụ báo chí để trục lợi riêng, gây ảnh hưởng cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. |
Cần phải nhìn nhận rằng không phải lúc nào phóng viên báo chí nào cũng làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, trong làng báo vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh”, sử dụng công cụ báo chí để trục lợi riêng.
Chẳng hạn như bài viết phản ánh chưa đúng sự thật, thiếu công tâm, cố tình “bới lông tìm vết” dẫn đến đưa ra thông tin chưa chính xác, mang lại tác động tiêu cực cho doanh nghiệp.
Nhưng ngược lại, báo chí đã phát hiện, phanh phui không ít trường hợp doanh nghiệp hoạt động sai phạm, từ đó cơ quan chức năng vào cuộc xử lý, làm trong sạch thị trường chứng khoán, góp phần giúp nhà đầu tư loại dần những cổ phiếu kém chất lượng và bổ sung những mã tốt vào danh mục.
Còn nhớ một giám đốc công ty xây dựng đã từng bày tỏ bức xúc của mình khi kể về việc phóng viên của một tờ báo không biết do vô tình hay cố ý đã “bẻ cong” thông tin trong văn bản công bố thông tin của công ty, khiến các cổ đông hiểu sai, làm cho cổ phiếu của công ty “lao dốc” trong một thời gian dài.
“Cách viết của một số phóng viên kinh tế thực sự đáng sợ, nhất là việc đưa ra những thông tin gây nhiễu, cốt tạo thuận lợi cho cổ phiếu các công ty đối thủ…”, vị này cho biết.
Không riêng gì thị trường trong nước, mà thị trường chứng khoán nước ngoài cùng từng ghi nhận nhiều vụ việc liên quan tới phóng viên chứng khoán đưa tin sai lệch, gây ảnh hưởng thị trường.
Ngày 31/8/2015, truyền thông Trung Quốc đưa tin một phóng viên tài chính rất có uy tín nhận tội “gây bất ổn và hoang mang” trên thị trường chứng khoán nước này, gây “tổn thất nghiêm trọng”. Phóng viên này bị buộc tội gieo rắc thông tin giả mạo về chứng khoán và các diễn biến thị trường. Thời điểm đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc liên tiếp sụt giảm khiến thị trường thế giới chấn động.
Không chỉ vậy, trong hội nhóm chứng khoán, nhiều nhà đầu tư than phiền có nhiều bài báo làm cho họ bị mất phương hướng không biết nên đầu tư vào cổ phiếu nào. Rất ít thông tin phản ánh khách quan, nếu không là ca tụng có “mục đích” thì cũng là “đấm đá” doanh nghiệp, qua đó ít nhiều họ đã mất niềm tin về những thông tin báo chí nêu.
Đành rằng phóng viên cũng cần "làm kinh tế" như bao người khác, nhưng quan trọng nhất là làm sao để tách bạch được lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Phóng viên viết chứng khoán, ngoài kiến thức về tài chính và kỹ năng nghiệp vụ, cần phải có cái tâm trong sáng nữa.
Hải Châu