Mới đây, Cục Hàng không Việt Nam lấy ý kiến 20 tỉnh thành về dự thảo kế hoạch tổ chức khai thác các đường bay nội địa trong nước giai đoạn 1 theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về việc tổ chức vận tải hành khách sau khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội.
Mới có 7 tỉnh, thành chấp thuận
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở lại các đường bay đi và đến các địa phương gồm: TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Nghệ An, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Kiên Giang, Cà Mau. Tổng số các đường bay nội địa dự kiến khôi phục lại là 385 chuyến bay khứ hồi/ngày.
![]() |
Các hãng hàng không thời gian qua chỉ tập trung vận chuyển lực lượng phòng chống dịch và một lượng hàng hóa nhất định. |
Đến trưa nay (5/10), đã có 10 địa phương phản hồi về đề xuất góp ý kế hoạch mở lại đường bay nội địa giai đoạn 1, trong đó 7/10 địa phương cơ bản đồng ý. Trong đó, các tỉnh Điện Biên, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Thanh Hóa hoàn toàn thống nhất với kế hoạch khai thác các đường bay nội địa của Cục Hàng không.
Nghệ An thống nhất đối với các chuyến bay từ Nghệ An đi/đến Hà Nội, TP.HCM với tần suất 2 chuyến/tuần. TP.HCM cơ bản thống nhất tần suất khai thác như kế hoạch. Riêng đối với đường bay TP.HCM - Hà Nội, thành phố này đề nghị tổ chức một số chuyến bay khứ hồi trong tuần để giải quyết một phần nhu cầu đi lại cấp thiết giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Hiện, Hải Phòng, Gia Lai đề nghị tạm thời chưa khai thác đường bay đi/đến địa phương mình. Còn UBND TP. Hà Nội cũng có văn bản phản hồi, trong đó, Hà Nội đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chỉ tổ chức khai thác đường bay nội địa đi/đến Nội Bài sau khi đã báo cáo Bộ GTVT, Bộ Y tế và được sự thống nhất bằng văn bản với UBND TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận…
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, hai thành phố lớn là Hải Phòng và Hà Nội cũng đã chủ động có văn bản báo cáo Thủ tướng về việc tạm dừng các chuyến bay nội địa tới thành phố này. Chính vì vậy, theo các ngành chức năng, việc mở sửa sân bay Cát Bi và sân bay Nội Bài là rất khó.
Trong khi, muốn mở cửa lại đường bay nội địa, các ngành chức năng và các hãng hàng không đều cần phải chuẩn bị nhiều phương án, từ kế hoạch phòng chống dịch, chuẩn bị máy bay, kiểm tra kỹ thuật an toàn, nhân viên phục vụ, mở bán vé… thì mới bay được.
Khôi phục vận tải là chuyện sống còn
Theo chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam, việc Hà Nội chưa cho mở đường bay Nội Bài, chưa cho người từ TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An ra, trong khi Hà Nội đã đạt tỉ lệ tiêm liều 1 vaccine tới 99,9%, ngang bằng với 4 địa phương phía Nam là chưa công bằng.
Theo các chuyên gia, nếu một số tỉnh, thành thực hiện từng bước nới lỏng giãn cách, thích ứng linh hoạt để khôi phục và phát triển kinh tế thì hiện tại chưa nên mở cửa các đường bay quốc tế vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Tuy nhiên, việc một số địa phương thực hiện dừng bay nội địa thì nên xem xét lại.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), cho biết: Khi thực hiện từng bước khôi phục kinh tế mà mỗi địa phương lại áp dụng một cách làm riêng, nơi mở cửa, nơi không mở cửa đường bay nội địa là không có sự gắn kết chung trong toàn quốc, từ đó sẽ rất khó có thể đạt được hiệu quả thương mại cũng như khôi phục kinh tế. “Mở cửa các sân bay là việc sớm muộn thôi. Nhưng nên đưa ra lộ trình phù hợp và nhanh chóng”, ông Hòa cho biết.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, khôi phục vận tải, trong đó có hàng không là vấn đề sống còn. Cục Hàng không Việt Nam đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ có quan điểm thống nhất trên cả nước. Nếu chỉ một vài tỉnh, thành đồng ý cũng rất khó để khôi phục bay nội địa.
Kinh nghiệm ở một số nước cho thấy, việc mở cửa các đường bay nội địa là cần thiết và nằm trong kế hoạch từng bước khôi phục nền kinh tế sau thời gian bị kìm nén bởi những hạn chế khắt khe và hệ thống y tế quá tải do Covid-19. Tiêu biểu như Thái Lan, các chuyến bay thương mại nội địa được nối lại từ ngày 1/9 vừa qua. Theo các giới chức nước này, không giao thương đồng nghĩa với kinh tế sẽ đóng băng. Việc mở cửa các đường bay nội địa nhằm 'cứu vãn' tình hình kinh tế sau một thời gian dài đóng cửa chống dịch. Hàng không cũng là ngành dễ kiểm soát dịch hơn so với các ngành hàng khác như: nhà hàng, khách sạn, du lịch...
Thực tế, Bộ GTVT và các hãng hàng không đều đang mong muốn các địa phương “mở cửa” các sân bay để máy bay được cất cánh, thích nghi với trạng thái mới vừa phòng chống dịch vừa sản xuất. Bộ Giao thông Vận tải cùng đã xây dựng phương án riêng biệt kết nối vận chuyển hành khách đến/đi tại sân bay, ga đường sắt thuộc các địa phương đang áp dụng chỉ thị 16 nhằm bảo đảm an toàn phòng chống dịch.
Theo đại diện của Vietnam Airlines, bên cạnh chuẩn bị kỹ thuật đảm bảo an toàn bay, hãng hàng không này vẫn sẽ áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch khi nối lại khai thác, như thường xuyên khử khuẩn tàu bay và trang thiết bị mặt đất, phục vụ khăn kháng khuẩn trên chuyến bay…100% người lao động tuyến đầu như phi công, tiếp viên và nhân viên mặt đất của Vietnam Airlines cũng đã tiêm vắc xin.
Để bảo đảm an toàn, Bộ Y tế cũng đã có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ GTVT làm cơ sở triển khai việc mở lại các chuyến bay nội địa. Bộ Y tế ủng hộ phương án hành khách chỉ cần đáp ứng điều kiện tiêm 1 mũi vaccine hoặc có giấy chứng nhận khỏi bệnh Covid-19. Trường hợp hành khách không thuộc 2 đối tượng này phải có xét nghiệm âm tính với Covid-19
Như Yến