Kết thúc năm 2018, ngành ngân hàng mới chỉ có ba cái tên niêm yết cổ phiếu thành công bao gồm: TPBank (mã: TPB), HDBank (mã: HDB), Techcombank (mã: TCB) dù trước đó có khá nhiều dự báo về “cuộc đổ bộ” của nhiều ngân hàng trong năm qua.
Có thể lý giải nguyên nhân của việc “lỡ hẹn” trong năm qua là do điều kiện thị trường không còn được thuận lợi trong nửa cuối năm 2018 đã tác động lên nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể khiến các lãnh đạo nhà băng “chùng bước”.
Lại rục rịch lên sàn
Bước sang năm 2019, nhiều ngân hàng lại tiếp tục “chưng” những bản kế hoạch “có thể niêm yết” hoặc “sẽ niêm yết” trong năm nay với quyết tâm rất lớn.
Theo một chia sẻ mới đây của ông Trần Ngọc Tâm, Tổng Giám đốc Nam A Bank, đã khẳng định chắc chắn năm 2019, ngân hàng này sẽ niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK Tp.HCM (HoSE).
Cũng theo ông Tâm, sau ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, Nam A Bank sẽ mời đối tác tham gia để tăng vốn trong đó chủ yếu là đối tác nước ngoài.
Tới đây, Nam A Bank sẽ gửi đề án xin NHNN chấp thuận cho áp dụng Basel sớm, kết quả thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý cũng cho thấy ngân hàng đã xử lý hoàn toàn “sạch sẽ” những tồn tại trước đó.
Một trong những ngân hàng được thị trường mong chờ niêm yết nhất trong năm 2019 phải kể đến Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) bởi trước đó, ngân hàng này đã rất rốt ráo trong việc đưa cổ phiếu lên sàn vào cuối năm 2018.
Bất chấp sự chuẩn bị kỹ lưỡng, OCB vẫn “án binh bất động” từ năm 2018 đến nay. Tuy nhiên, chia sẻ về vấn đề này, lãnh đạo ngân hàng cho biết chắc chắn năm 2019 OCB sẽ không “lỡ hẹn”.
Dự kiến, năm 2019 sẽ là dấu mốc quan trọng trong hành trình và phát triển, ngân hàng MSB cho biết sẽ chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán vào quý III/2019.
Giới chuyên gia cho rằng với nền tảng trong nhiều năm qua, điển hình là lợi nhuận năm 2018 đã vượt 1.000 tỷ đồng, gấp 5 lần kế hoạch, nợ xấu đã được xử lý, đặc biệt là sự thay đổi về bộ nhận diện thương hiệu từ Maritimebank thành MSB, cho thấy ngân hàng sẽ sớm hiện thực hóa kế hoạch chào sàn.
Trong năm 2019, BaoVietBank dự kiến tăng vốn điều lệ thông qua chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ 2.050 tỷ đồng trái phiếu kèm chứng quyền thành cổ phiếu, nâng vốn điều lệ từ 3.150 tỷ đồng lên 5.200 tỷ đồng.
Ngoài những kế hoạch niêm yết mới, một số ngân hàng cũng đang lên kế hoạch cho việc chuyển sàn từ UPCoM sang sàn niêm yết chính thức, cụ thể là sàn HoSE như : Ngân hàng TMCP Quốc tế (mã: VIB); LienVietPostBank (mã: LPB).
Dù chưa lên tiếng nhưng SeABank, Viet A Bank, ABBank… cũng là những cái tên “lỡ hẹn” trong năm 2018 và được kỳ vọng sẽ “đúng hẹn” năm 2019.
![]() |
Khả năng các ngân hàng đúng hẹn lên sàn năm 2019 vẫn khá mong manh |
Sẽ lại thất vọng?
Không thể phủ nhận “sức nóng” của cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán dù cũng mang lại khá nhiều “đau thương” cho giới đầu tư nên mỗi kế hoạch lên sàn đều thu hút được sự chú ý và kỳ vọng.
Lên sàn không những mang lại cơ hội thành công trong công tác gọi vốn của ngân hàng mà việc niêm yết thành công còn đưa TPBank, HDBank, Techcombank vào nhóm doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ấn tượng nhất năm 2018.
Việc niêm yết hay chuyển sang sàn giao dịch HoSE tới đây được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cao hơn cho các cổ đông cũng như những nhà đầu tư mới của những ngân hàng đang có “dự định” trong năm nay.
Lợi ích của việc lên sàn đã được thấy rõ, nhưng hầu hết những ngân hàng nói trên đều chưa đưa ra được mốc thời gian cụ thể mà chỉ thông báo là thời điểm thuận lợi.
Trên thực tế, giá cổ phiếu phụ thuộc vào diễn biến thị trường mà hiện nay, thị trường chứng khoán Việt đang trong giai đoạn khó lường nên khó đạt kỳ vọng của ngân hàng, trong khi những vấn đề về nợ xấu, về các bên liên quan… sẽ tác động tới báo cáo tài chính, khiến cho ngân hàng ngần ngại phải lên sàn.
Theo Ts. Nguyễn Chí Hiếu – chuyên gia kinh tế, những báo cáo tài chính với thông tin minh bạch, rõ ràng, chi tiết, đặc biệt trong phần giải trình, thuyết minh, là những điểm khiến nhà đầu tư tin tưởng vào ngân hàng và doanh nghiệp đó.
Trong khi đó, tình hình tài chính và lợi nhuận của nhiều ngân hàng hiện nay chưa thực sự ổn định, hơn nữa, năm 2019 được dự báo sẽ khó khăn hơn với ngành ngân hàng trước áp lực tăng vốn, không loại trừ khả năng sẽ vẫn có ngân hàng tiếp tục lỡ hẹn.
Ngay cả khi mọi thứ dường như chắc chắn thì việc lỡ hẹn vẫn có thể xảy ra như trường hợp của OCB. Nếu theo đúng dự kiến, đây sẽ là ngân hàng thứ 4 lên sàn trong năm 2018 nhưng đến thời điểm hiện tại, đã bước sang năm 2019 được gần 2 tháng, ngân hàng này vẫn chưa hề có động tĩnh.
Cần nhắc lại, OCB đã có kế hoạch lên sàn từ năm 2017 nhưng chưa triển khai được, vì vậy HĐQT tiếp tục trình cổ đông xem xét và thông qua tại ĐHĐCĐ 2018. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, lãnh đạo ngân hàng đã khẳng định chậm nhất là cuối quý III đầu quý IV sẽ chính thức niêm yết cùng với tham vọng thu hút vốn khoảng 1 tỷ USD.
Mọi sự chuẩn bị gần như chắc chắn nhưng ai cũng đã biết sẽ có nhiều nguyên nhân để lý giải cho sự chậm trễ. Tuy nhiên, thách thức về sức hấp dẫn của cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán, rủi ro về thị trường là một trong những khó khăn của những ngân hàng chuẩn bị chào sàn.
Hơn nữa, các chuyên gia phân tích cũng cho rằng những cổ phiếu dự kiến lên sàn trong thời gian tới không phải mã nào cũng có tiềm năng tăng trưởng, mà sẽ phân hóa mạnh mẽ.
Linh Đan