Là xã tiếp giáp với nhiều địa phương khác của các huyện, tỉnh khác như: huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái; Phía Tây giáp huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La; Phía Nam giáp xã Kiệt Sơn, Lai Đồng huyện Tân Sơn; Phía Đông giáp xã Trung Sơn, huyện Yên Lập. Điều kiện kinh tế của xã Thu Cúc còn nhiều khó khăn nên đa phần thanh niên lớn lên đều có mong muốn, khát vọng và đi làm ở các khu đô thị, khu công nghiệp trong cả nước.
Làm giàu trên quê hương
Trong khi nhiều lao động chọn hướng thoát ly ra thành phố lập nghiệp, một số thanh niên ở xã Thu Cúc đã chọn hướng khởi nghiệp tại quê hương. Họ đã tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi của địa phương để sản xuất và phát triển kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp mang dấu ấn đặc trưng của vùng miền như: Mật ong Tân Sơn, chè Nàng Cúc, rượu Mường Cúc...
Điển hình như anh Hà Văn Sao sinh năm 1992 ở xã Thu Cúc, Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Mường Cúc, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ - một trong 10 thanh niên nông thôn trẻ của tỉnh có những thành công trong khởi nghiệp.
![]() |
Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Mường Cúc của anh Hà Văn Sao đã tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động là ĐVTN tại địa phương. |
Năm 2017, khi tròn 25 tuổi, anh Sao tình cờ được biết và tiếp cận với chương trình hỗ trợ học nghề sản xuất nông nghiệp an toàn cho đoàn viên thanh niên ưu tú của Huyện đoàn Tân Sơn (Phú Thọ). Kết thúc lớp học, anh Sao đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất thực phẩm sạch, mang đậm phong cách đồng quê.
Nhờ sự ủng hộ của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) và bà con nông dân, của chính quyền địa phương... tháng 1/2020, 13 thành viên HTX nông nghiệp và dịch vụ Mường Cúc chính thức được thành lập và đi vào hoạt động, trở thành đầu mối bao tiêu sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân địa phương.
HTX đi vào hoạt động đã góp phần hạn chế tình trạng sản xuất manh mún, thay đổi tư duy trong canh tác nông nghiệp theo tổ, nhóm, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường và mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động của địa phương.
HTX hoạt động đa dạng trên các lĩnh vực như: thu gom, xử lý rác thải; kinh doanh các sản phẩm mật ong Tân Sơn, chè Nàng Cúc, rượu Mường Cúc; mô hình vườn cây giống khuyến nông, cây ăn quả...
Các mô hình được phát triển và nhân rộng đã tạo nên một hệ sinh thái khép kín, tạo công ăn việc làm cho thanh niên, đồng thời cũng mang lại thu nhập cao hơn cho người dân bản địa, đóng góp một phần vào sự phát triển của kinh tế địa phương.
“Chỉ với 3 mô hình là thu gom, xử lý rác thải; kinh doanh buôn bán các sản phẩm chè, mật ong, dược liệu; cung cấp các loại cây giống, vật nuôi cho bà con nhân dân cũng đã tạo việc làm cho gần 40 lao động, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường, Dao với thu nhập bình quân 3-5 triệu đồng/người/tháng”, anh Sao nói.
Đa dạng hóa hình thức hỗ trợ
Mặc dù đã có những mô hình khởi nghiệp thành công, mang lại nhiều việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Tân Sơn vẫn còn nhiều lao động trẻ chưa có việc làm. Chính vì vậy, công tác hướng nghiệp, hỗ trợ đào tạo, khởi nghiệp... là một trong những nhiệm vụ hàng đầu mà Đoàn thanh niên huyện Tân Sơn hướng tới.
Hiện nay, cả huyện có hơn 16.000 ĐVTN, trước đây, thanh niên nông thôn trong huyện phát triển kinh tế đa phần nhỏ lẻ, manh mún, chưa thực sự hiệu quả.
Để giúp ĐVTN có việc làm, thụ hưởng các nguồn hỗ trợ, đặc biệt là tiếp cận các mô hình, dự án về kinh tế, Huyện đoàn đã chỉ đạo Đoàn thanh niên các xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện, các cơ quan khối Nông nghiệp tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, đồng thời tổ chức chương trình gặp mặt, đối thoại nhằm tư vấn, giới thiệu việc làm, tạo cơ hội nắm bắt, tiếp cận các chương trình, dự án phát triển kinh tế tại địa phương.
Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho ĐVTN ngày càng được chú trọng, đẩy mạnh và đa dạng về loại hình, ngành nghề. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Huyện đoàn đang đang tích cực triển khai, phối hợp với các đơn vị chức năng đổi mới, sáng tạo trong đào tạo nguồn nhân lực, lao động là thanh niên nông thôn với chất lượng cao, có khả năng sáng tạo và khởi nghiệp, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.
![]() |
Vườn cây giống của HTX Mường Cúc. |
Năm 2020, Ban Thường vụ Huyện đoàn tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho 1.800 lượt ĐVTN, giới thiệu việc làm cho 150 lượt thanh niên, tham gia hỗ trợ dự án khởi nghiệp sáng tạo cho thanh niên nông thôn. Triển khai sâu rộng phong trào thanh niên lập nghiệp.
Huyện Tân Sơn hiện có 7 dự án vay vốn 120 của Trung ương Đoàn (vốn giải quyết việc làm) với tổng dư nợ 626,2 triệu đồng. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các mô hình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, dịch vụ thương mại do ĐVTN làm chủ như: Dự án “Bảo tồn và phát triển giống gà chín cựa Tân Sơn” do anh Nguyễn Văn Đức - ĐVTN xã Tân Phú nhận vay vốn 120 của TW Đoàn với tổng số tiền 194 triệu đồng.
Từ hoạt động định hướng tư vấn nghề nghiệp, nhiều ĐVTN huyện Tân Sơn đã quyết tâm tham gia chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Chị Đinh Thị Tuyết Mai, Bí thư Huyện đoàn Tân Sơn cho biết: “Huyện đoàn đã tập trung định hướng cho ĐVTN một số ngành nghề phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng, địa phương như: Mô hình trang trại chăn nuôi, sản xuất nông sản chất lượng cao; hỗ trợ một số dự án phát triển mô hình kinh tế cho thanh niên đảm nhận và thực hiện, giúp ĐVTN tham quan, học tập mô hình kinh tế có hiệu quả của người dân”.
Bài cuối: Tạo cơ hội cho thanh niên lập nghiệp
Phạm Duy