HTX GÓP PHẦN XÓA NGHÈO TRONG VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ
Cuối tháng 3, đầu tháng 4, mưa rả rích. Những con đường vào vùng đồi núi, nơi những cánh rừng quế xanh mướt bạt ngàn, trơn trượt. Thời tiết là vậy, nhưng lòng người nơi đây vẫn vui phơi phới, bởi thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ cây quế như cành, lá, thân quế đều có thị trường tiêu thụ ổn định.
HTX của những cựu chiến binh
Năm 2005, HTX 6/12 của những cựu chiến binh xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên được thành lập với sự tham gia của 12 thành viên. Với tinh thần vượt khó vươn lên của những “người lính cụ Hồ” đã giúp HTX từng bước phát triển kinh tế, gây dựng sự nghiệp, làm giàu cho gia đình và xã hội.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc HTX 6/12 cho biết, sau 16 năm thành lập và đi vào hoạt động, đến nay HTX đã triển khai đầu tư nâng cấp nhà máy chưng cất tinh dầu từ 25 tấn lên 40 tấn nguyên liệu/ngày.
Để đủ nguyên liệu cung cấp cho nhà máy hoạt động, ngoài 80ha trồng quế của 12 thành viên, HTX còn ký kết bao tiêu các sản phẩm từ cành, lá, thân quế cho người dân của 8 xã trên địa bàn huyện như: xã Tân Đồng, Đào Thịnh, Báo Đáp, Việt Thành, Hòa Cuông, Minh Quán, Nga Quán, Cường Thịnh… với hơn 4.000 ha.
![]() |
HTX 6/12 đang lắp đặt nâng công suất chiết xuất tinh dầu quế từ 25 tấn lên 40 tấn nguyên liệu/ngày. |
Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc HTX 6/12.
Để đảm bảo vòng tròn khép kín giữa người sản xuất - HTX - doanh nghiệp - thị trường, HTX đã liên kết, hợp tác với HTX Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca, Công ty An Thịnh Cường Phát, Công ty tinh chế, xuất khẩu dầu và chất thơm, Công ty áp lực Hòa Phát để phát triển, tiêu thụ chuỗi sản phẩm từ tinh dầu, thân cây quế đến bã quế sau chiết xuất.
Nhờ liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, năm 2020, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung, việc chế biến, xuất khẩu tinh dầu của HTX vẫn đảm bảo.
Trong năm 2020, ngoài 30 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân từ 6-7 triệu đồng/người/tháng, HTX còn thu hút hàng trăm lao động thời vụ và hàng nghìn lao động của các hộ liên kết, đồng thời đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 1,5 tỷ đồng.
Điều đáng nói là, trong số các hộ liên kết với diện tích hơn 4.000 ha quế thì có đến hơn 30% lao động là người dân tộc thiểu số như Tày, Dao, Sán Dìu… trên địa bàn huyện.
Sản xuất gắn với bảo vệ môi trường
Không chỉ bao tiêu các sản phẩm từ cây quế cho hàng nghìn hộ dân, quá trình sản xuất, tinh chế dầu quế của HTX còn gắn với công tác bảo vệ môi trường trong khu dân cư vùng núi.
Theo đó, trước đây sau khi tinh chế dầu, bã quế được HTX đem đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư.
![]() |
Vườn quế của HTX 6/12 luôn được cắt tỉa, chăm sóc để đảm bảo hiệu quả cao nhất. |
Từ năm 2016 đến nay, ngoài việc xuất khẩu tinh dầu quế sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), bã quế được một số doanh nghiệp thu mua với giá 1 triệu đồng/tấn để làm nguyên liệu đầu vào cho lò hơi phục vụ cho ngành giấy, ngành dệt…
Ông Phan Khánh Hòa, Giám đốc Công ty áp lực Hòa Phát, một đơn vị ký kết bao tiêu bã quế cho biết, trước đây khi chưa tìm ra nguồn nguyên liệu đốt để phục vụ các lò hơi cho ngành dệt thì đơn vị phải sử dụng than bùn để đốt. Việc sử dụng than bùn vừa đắt, vừa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Gần 4 năm qua, doanh nghiệp đã tìm ra nguồn chất đốt rất rẻ và rất tốt đó là bã quế sau khi được chiết xuất tinh dầu và mùn cưa.
Ông Phan Khánh Hòa, Giám đốc Công ty áp lực Hòa Phát cho biết, kể từ khi thu mua bã quế đã giúp môi trường được đảm bảo và hạn chế nguy cơ cháy nổ.
“Việc sử dụng bã quế thay than bùn vừa giảm giá thành, vừa giảm ô nhiễm môi trường tại nhà máy, đồng thời cũng giảm ô nhiễm môi trường tại nhà máy chiết xuất tinh dầu quế của HTX 6/12”, ông Hòa cho biết.
Như vậy, việc trồng rừng bằng cây quế hiện nay của người dân, HTX trên địa bàn huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái vừa đảm bảo giữ vững về môi trường xanh, sạch, đẹp, vừa đảm bảo tính hiệu quả trong quá trình khai thác, từ đó nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người dân.
Ông Chu Đức Hiền, Chủ tịch UBND xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên cho biết, trên địa bàn xã hiện có 4 HTX gồm: HTX 6/12, HTX 3/2, HTX quế hồi Việt Nam và HTX môi trường và dịch vụ nông nghiệp.
Các HTX đã phát huy hiệu quả từ việc mở rộng sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ, trong đó có không ít lao động là người dân tộc.
Đồng thời, các HTX còn góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất, thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân địa phương, qua đó tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng và trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
![]() |
Không chỉ thu hoạch quế, HTX 6/12 còn ươm, chăm sóc quế non để trồng vào diện tích đã khai thác. |
Ông Chu Đức Hiền, Chủ tịch UBND xã Đào Thịnh cho biết, các HTX đã góp phần cùng với chính quyền địa phương từng bước đưa người dân thoát nghèo.
Ngoài ra, các HTX còn là đầu mối thu mua sản phẩm của người dân sản xuất ra, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương. Nhờ vậy, xã có 780 hộ với 7% là đồng bào dân tộc, nhưng đến nay chỉ còn 14 hộ nghèo tiêu chí chuẩn nghèo đa chiều.
“Để nâng cao hơn nữa việc sản xuất hàng hóa có giá trị cao, trong tháng 4 này, UBND xã tiếp tục hỗ trợ thành lập 1 HTX nữa chuyên về cây giống, cây cảnh, kết hợp với chăn nuôi thủy sản và dịch vụ với tên gọi “HTX khởi nghiệp cho thanh niên dân tộc”, giúp cho thanh niên dân tộc vươn lên làm giàu chính đáng”, ông Hiền chia sẻ.
Bài 4: Xây dựng thương hiệu “Gà Yên Bái”
Phạm Duy