Thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, năm 2017, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam có mức tăng trưởng 25%, nhưng tốc độ tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp (DN) chuyển phát cao hơn nhiều, từ 62 - 200%.
Trong khi đó, nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân ngày càng tăng. Dự báo đến năm 2020 có thêm khoảng 30% dân số Việt Nam chuyển sang mua sắm trực tuyến.
Nở rộ như “nấm sau mưa”
Lĩnh vực giao hàng nhanh tại Việt Nam đang dần trở thành “miếng bánh béo bở”, mang đến nhiều cơ hội cũng như thách thức cho các DN trong ngành. Tính đến cuối năm 2017, cả nước có khoảng 50 đơn vị giao hàng nhanh quy mô lớn nhỏ. Con số này đã tăng 10 lần trong vòng 5 năm.
Cuộc đua giành thị phần đang thuộc về 2 DN nội, là VNPost, Viettel Post và 2 DN đến từ Singapore là Giao hàng nhanh và Giao hàng tiết kiệm. Ước tính chỉ riêng 4 đơn vị nêu trên đã chiếm khoảng 60 - 65% thị phần giao hàng các gói kiện nhỏ tại Việt Nam.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, thị trường xuất hiện thêm nhiều tên tuổi sừng sỏ trên thế giới. Cụ thể, tháng 3/2018, Ninja Van - công ty vận chuyển hàng đầu khu vực Đông Nam Á, công bố chính thức hoạt động tại thị trường Việt Nam sau 2 năm thử nghiệm.
Dù “sinh sau đẻ muộn”, nhưng mỗi tháng Ninja Van vận chuyển hơn 300.000 đơn hàng và trở thành đối tác của các “ông lớn” trong ngành TMĐT như Lazada, Sendo, Tiki.
Ngày 3/10 đã đánh dấu thương hiệu Lalamove đến từ Hồng Kông gia nhập thị trường Thủ đô. Ông Nguyễn Đức Lợi - Giám đốc điều hành Lalamove Việt Nam, đặt mục tiêu có 10.000 đối tác tài xế giao hàng thường xuyên vào đầu năm sau. DN này cho biết lợi thế cạnh tranh so với các đơn vị cung cấp dịch vụ tương tự trên thị trường ở mảng vận chuyển hàng hóa là có cả ôtô, sau là xe để chở các loại hàng hóa cồng kềnh.
Sức hấp dẫn của ngành vận chuyển hàng hóa nhanh khiến các DN vận tải cũng muốn được chia phần. Sau một thời gian thử nghiệm, hiện nay Grab cũng chính thức cung cấp dịch vụ giao nhận hàng nhanh.
Trước đó, Go Việt - đối tác chiến lược của “ông lớn” trong lĩnh vực đi chung xe Indonesia Go Jek ra mắt cùng lúc dịch vụ xe ôm công nghệ (Go Bike) và giao hàng (Go Send).
![]() |
Chưa bao giờ nghề ship lại phổ biến như lúc này |
Đầu tư công nghệ
Một số sàn TMĐT cũng không nằm ngoài “cuộc chơi”, khi sẵn sàng đầu tư công nghệ vào lĩnh vực này, như Lazada vừa tách bộ phận giao nhận hàng hóa để thành lập nên công ty riêng là Lazada E-Logistics.
Dù ồ ạt đổ bộ lĩnh vực giao hàng nhanh với những tham vọng lớn, song hầu hết các DN này đều lường trước được những khó khăn do sự cạnh tranh khốc liệt, bởi thị trường toàn những “ông lớn” có đủ tiềm lực và kinh nghiệm.
Theo các chuyên gia, hiện nay nhu cầu mua hàng trực tuyến của người dân không chỉ là các sản phẩm tiêu dùng, mỹ phẩm mà cả thức ăn. Do đó họ sẽ lựa chọn các dịch vụ chuyển hàng nhanh và có uy tín trên thị trường.
Để đáp ứng được yêu cầu này, bản thân các DN phải đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, mạng lưới. Với những DN nhỏ, vốn mỏng sẽ khó có cơ hội chen chân vào thị trường này.
Theo tính toán của một DN kinh doanh ở lĩnh vực vận tải công nghệ, để đầu tư vào lĩnh vực này, DN phải bỏ ra chi phí hàng chục triệu USD trở lên. Trong khi đó, DN phải mất khoảng 2 - 3 năm đầu chấp nhận chịu lỗ để gia tăng thị phần và mạng lưới hoạt động.
Đại diện Lazada E-Logistics cho biết sẽ đầu tư khoảng 10 triệu USD trong vòng một năm tới để xây dựng năng lực vận hành, đẩy mạnh các hoạt động để cung cấp dịch vụ không chỉ riêng cho công ty mẹ mà cho nhiều công ty khác.
Các chuyên gia đánh giá, thời gian tới, thị trường Việt Nam sẽ có thêm nhiều đối thủ giao hàng công nghệ. Vì vậy, với các DN truyền thống nếu không có sự thay đổi, bắt kịp xu hướng và nhu cầu của khách hàng chắc chắn sẽ mất dần thị phần vào tay các DN lớn.
Ông Lương Duy Hoài -Tổng Giám đốc công ty CP Dịch vụ Giao hàng nhanh, cho biết: “Sự xuất hiện ngày càng nhiều DN nước ngoài, với vốn đầu tư lớn và cung cách chuyên nghiệp là dấu hiệu tích cực đối với thị trường. Khi đó, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến sẽ giúp nhà cung ứng dịch vụ tối ưu hóa chi phí đầu vào, chuẩn hóa quy trình, nâng cao chất lượng dịch vụ và từ đó giảm giá cước”.
Hoàng Hà