Sau khi nhận được ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp về Dự thảo Nghị định phát triển và quản lý ngành phân phối, Bộ Công Thương đã quyết định đổi tên dự thảo này bằng Nghị định về phát triển và quản lý hạ tầng về thương mại.
![]() |
Quy định các siêu thị phải có dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua internet, qua bưu điện, điện thoại bị nhiều ý kiến phản đối vì cho rằng không thực tế (ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, tại dự thảo mới này, Bộ Công Thương vẫn giữ lại một số quy định dù các chuyên gia, doanh nghiệp không đồng tình.
Trong đó phải kể yêu cầu siêu thị có dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua internet, qua bưu điện, điện thoại. Trước đó, với yêu cầu này, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đề nghị bỏ vì cho rằng không thực tế.
Bà Loan cho rằng: "Không nhất thiết siêu thị nào cũng phải có mà tùy thuộc vào cách kinh doanh của từng siêu thị".
Về khuyến khích hàng hóa qua siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, Bộ Công Thương yêu cầu nghiên cứu phân bố tỷ lệ gian hàng (ví dụ ít nhất 30% gian hàng) cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc sản phẩm truyền thống của địa phương.
Theo bà Loan, cần kiểm tra tính phù hợp giữa quy định trên với các cam kết quốc tế và cân nhắc tỷ lệ (tỷ lệ theo Dự thảo là cao) vì có thể ảnh hưởng đến khả năng tìm kiếm các nhà cung cấp có sản phẩm chất lượng và cạnh tranh tương xứng với yêu cầu siêu thị, trung tâm thương mại.
Ngoài ra, tại Nghị định này, Bộ Công Thương tiếp tục đưa vào quy định siêu thị, trung tâm thương mại phải có các tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy; an ninh, an toàn. Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng các vấn đề này đang có hệ thống pháp luật tương ứng điều chỉnh.
Trước đó, Bộ Công Thương khẳng định, Nghị định mới sẽ được xây dựng hướng tới mục tiêu tạo hành lang pháp lý, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi thúc đẩy sự phát triển đồng bộ đối với các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, trong đó bao gồm chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi và các hoạt động kinh doanh có liên quan.
"Dự thảo Nghị định sẽ không tạo thêm điều kiện kinh doanh, không làm phát sinh các giấy phép con, gây cản trở cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp mà nhằm tạo hành lang pháp lý theo hướng xóa bỏ rào cản, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng", đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Nhật Linh