Mặc dù có tổng công suất thiết kế đến 1,4 triệu tấn hạt nhựa mỗi năm, cùng nhiều sản phẩm nguyên liệu nhựa khác, thế nhưng Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn (LSP) thuộc Tập đoàn SCG của Thái Lan vẫn phải tạm dừng hoạt động khi chịu nhiều sức ép trên thị trường Việt Nam, đặc biệt là nguồn cung từ Trung Quốc. Tính ra, tổng lỗ từ khi hoạt động thương mại đến nay của LSP lên đến 10.000 tỷ đồng.
Từ vấn đề của ngành nhựa
Đáng chú ý, gần đây SCG đề nghị lên Bộ Tài chính tăng thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) với các mặt hàng nhựa polypropylene (PP) và polyethylene (PE) lên 10% nhằm phần nào giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp hạt nhựa từ nước ngoài.
![]() |
Nhiều DN vẫn ưu tiên lựa chọn nguồn nguyên liệu giá rẻ từ Trung Quốc thay vì nguồn cung được sản xuất trong nước. |
Tuy nhiên, đề xuất này không dễ để thực hiện. Ngay như Bộ Tài chính từ cách đây 2 năm đã từng đệ trình Chính phủ tăng mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với hạt nhựa PP và PE từ 0% lên mức 2% nhưng không nhận được sự đồng thuận từ Bộ Công Thương (cơ quan quản lý chuyên ngành).
Bởi lẽ, việc tăng thuế này khiến các doanh nghiệp (DN) ngành nhựa phải gánh thêm một khoản chi phí rất lớn cho 5 năm tới khi phải chi trả đến 6.984 tỷ đồng.
Và dù có nguồn nguyên liệu hạt nhựa được sản xuất trong nước từ LSP nhưng các DN nhựa vẫn ưa chuộng nguồn nhập khẩu vì giá rẻ hơn khá nhiều. Đó là lý do mà hồi năm 2024, các mặt hàng nhựa PP có kim ngạch nhập khẩu đạt 1,5 tỷ USD, còn nhập khẩu các mặt hàng nhựa PE đạt 2 tỷ USD.
Không chỉ vậy, hồi năm 2024, ngành nhựa Việt Nam nhập khẩu 8,5 triệu tấn hạt nhựa nguyên sinh và tái chế, lượng nhựa phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất đạt trung bình 0,5 triệu tấn/năm.
Thậm chí, hồi cuối năm rồi, Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) từng đề xuất đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia được phép nhập khẩu phế liệu thu hồi từ Châu Âu làm nguyên liệu sản xuất. Điều này nhằm giúp cho các DN ngành tái chế tiếp tục duy trì được nguồn cung cấp nguyên liệu thứ cấp phục vụ cho sản xuất, đặc biệt là phế liệu nhựa để sản xuất bao bì, hàng hóa xuất khẩu.
Theo VPA, ngành nhựa đã đạt quy mô doanh thu trên 31 tỷ USD với trên 4.000 DN, xuất khẩu đạt 6,57 tỷ USD. Nhựa phế liệu đang ngày càng cần thiết đối với ngành nhựa, ngoài lượng nhựa phế liệu thu gom, tái chế trong nước thì lượng phế liệu nhựa nhập khẩu đã được phân loại sạch với chất lượng cao đang đóng vai trò quan trọng đối với ngành nhựa.
Trên thực tế, không chỉ với phế liệu nhựa nhập khẩu, ngành nhựa Việt Nam đang phụ thuộc đến 70% từ nguồn nguyên liệu ngoại nhập từ các quốc gia trên thế giới như Arab Saudi, Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Malaysia, Singapore…
Riêng hồi quý 1/2025, cả nước đã nhập khẩu 2,28 triệu tấn chất dẻo nguyên liệu (hay còn gọi là nhựa hoặc polymer) với trị giá 3,02 tỷ USD, tăng 25,2% về lượng và tăng 20,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất cung cấp nguyên liệu nhựa cho Việt Nam, chiếm 29,2% thị phần.
Có thể thấy khi mà các DN nhựa vẫn chưa mặn với nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước (như nguồn cung từ LSP) và phụ thuộc quá lớn vào lượng nhập khẩu hạt nhựa sẽ khiến cho họ dễ dẫn đến rủi ro rơi vào thế bị động khi giá nguyên liệu nhập khẩu chịu tác động từ giá dầu, giá nhựa, tỷ giá trên thế giới và vấn đề logistics.
Trong khi đó, để Việt Nam có thể tự cung cấp một nửa nguồn nguyên liệu cho ngành nhựa cũng là cả vấn đề thách thức khi mà năng lực sản xuất nguyên liệu nhựa trong nước vẫn còn nhiều thách thức, thậm chí phải tạm đóng cửa như trường hợp của LSP dù cho họ là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Không riêng gì ngành nhựa, thực tế cho thấy ở một số ngành hàng chủ lực khác thì phía DN sản xuất vẫn chưa mặn mà với nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước khi vấp phải vấn đề tương tự như ngành nhựa, từ giá cả cho đến năng lực cung ứng.
Đến tình thế tiến thoái lưỡng nan
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến tình thế tiến thoái lưỡng nan cho DN Việt Nam khi phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Dữ liệu thống kê trong 4 tháng đầu năm 2025 đã thể hiện rõ điều này khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 53,2 tỷ USD.
Điển hình như ngành dệt may, da giày Việt Nam hiện phụ thuộc rất nhiều vào nhà cung cấp nước ngoài từ Trung Quốc về nguyên liệu thô như vải và vật liệu trang trí. Điều đó khiến những ngành hàng chủ lực này rất dễ bị tổn thương khi leo thang chiến tranh thương mại và địa chính trị, hoặc rủi ro về tỷ giá, các biến động chi phí đầu vào khi giá nguyên phụ liệu có xu hướng gia tăng.
Ngay như ở lĩnh vực đặc thù là năng lượng tái tạo cũng cho thấy sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, thiết bị từ Trung Quốc. Theo Ts. Nguyễn Vĩnh Khương, chuyên gia khoa học công nghệ, khoảng 90% thiết bị cho các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam được nhập khẩu, phụ thuộc vào các nhà sản xuất Trung Quốc. Điều này khiến Việt Nam phải đối mặt với rủi ro địa chính trị và chuỗi cung ứng khi căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng.
Và các rủi ro này đang thực sự diễn ra. Ts. Khương cho biết các DN Trung Quốc ở Việt Nam, chẳng hạn như Jinko Solar và Trina Solar, phải đối mặt với mức thuế của Mỹ lần lượt lên tới gần 245% và 202% sau quyết định của Mỹ từ tháng 4/2025. Một số DN năng lượng mặt trời Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ hiện đối mặt với mức thuế cao lên tới 813,92%, khiến chi phí dự án tăng phi mã và có khả năng làm cho đà tăng trưởng của ngành chậm lại.
Chính vì vậy, vị chuyên gia này khuyến nghị cần thúc đẩy sản xuất trong nước thông qua hỗ trợ tài chính, giảm thuế và các quy trình quản lý liền mạch. Nhất là tăng cường quan hệ đối tác quốc tế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn lực và liên doanh, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, thiết bị nhập khẩu.
Xét riêng với lĩnh vực năng lượng tái tạo, như đề xuất của Ts. Khương, nên phát triển năng lực sản xuất các tấm năng lượng mặt trời, ắc quy trữ năng và những công nghệ liên quan ngay trong nước, đồng thời tạo ra việc làm mang lại giá trị cao và thúc đẩy đổi mới công nghệ. Các hiệp định thương mại (FTA) hiện có sẽ cho Việt Nam khả năng tiếp cập đầy cạnh tranh vào các thị trường đa dạng, thu hút đầu tư quốc tế và chuyển giao công nghệ.
Nói chung, nhìn từ câu chuyện kém mặn mà của DN ngành nhựa với nguồn cung hạt nhựa trong nước cho đến việc phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (đặc biệt là tình thế tiến thoái lưỡng nan khi phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc) của những ngành hàng chủ lực sẽ thấy việc tự chủ nguyên liệu sản xuất trong nước vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước.
Thế Vinh