Liên quan những thông tin mới nhất về “Hồ sơ Pandora” (vụ rò rỉ dữ liệu về công ty “ngoại biên” (offshore) tiết lộ cách thức một số nhân vật quyền lực trên thế giới đã sử dụng những công ty bí mật ở nước ngoài để trốn thuế, che giấu sự giàu có của mình), chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng các nhà quản lý, hoạch định chính sách ở Việt Nam nên dành sự quan tâm đến chuyện này.
Bức tranh u ám của các nhà tài phiệt
Qua kho dữ liệu “khủng” mà Liên đoàn Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) vừa công bố trong “Hồ sơ Pandora” (gồm 6,4 triệu tập tài liệu, gần 3 triệu hình ảnh, 1,2 triệu email, nửa triệu bảng tính liên quan tới hồ sơ thành lập, hồ sơ ngân hàng...của hàng chục nghìn công ty “ngoại biên”), đã cho thấy “bức tranh u ám trong hoạt động của các nhà tài phiệt bất hợp pháp”.
![]() |
Nhìn từ “Hồ sơ Pandora”, rất cần kiểm soát dòng tiền chuyển từ trong nước ra nước ngoài là nhằm mục đích gì ? |
Nhất là trong hồ sơ này đã chỉ rõ có hơn 330 chính trị gia và quan chức cấp cao từ 90 quốc gia cùng 100 tỷ phú, đã sử dụng những công ty bí mật ở nước ngoài để che giấu sự giàu có của mình.
Nếu nhìn từ “Hồ sơ Pandora” và hai vụ rò rỉ lớn trước đó trên toàn cầu là “Hồ sơ Panama” (năm 2016) và “Hồ sơ Paradise” (năm 2017) sẽ thấy thiệt hại của nền tài chính các quốc gia từ những dòng tiền chảy vào các “thiên đường thuế” là rất lớn. Như ước tính, các “thiên đường thuế” đã khiến chính phủ các nước thiệt hại khoảng 400 tỷ USD đến 800 tỷ USD mỗi năm do thất thu thuế từ các tập đoàn và cá nhân. Tổ chức Phát triển và Hợp tác Kinh tế ước tính, ít nhất 11,3 nghìn tỷ USD tài sản đang được cất giấu ở các thiên đường thuế.
Hồ sơ Pandora gọi tên nhân vật nào?
Tại Azerbaijan, Tổng thống Ilham Aliyev được cho là đã thực hiện giao dịch trên 540 triệu USD đối với các bất động sản ở Anh trong những năm qua. Một trong số bất động sản đó được bán cho tổ chức quản lý bất động sản Crown Estate của Nữ hoàng Anh.
Trong khi đó, tại Cộng hòa Séc, Thủ tướng Andrej Babiš đã giận dữ trước những tuyên bố của Pandora. Ông bị nghi vấn sử dụng công ty đầu tư ở thiên đường thuế để mua một dinh thự trị giá 13 triệu bảng vào năm 2009 ở miền nam nước Pháp. Thông tin được đưa ra hôm Chủ nhật - trước cuộc bầu cử vào thứ Sáu và thứ Bảy – chính vì vậy ông Andrej Babiš, người đang tranh cử trong cuộc bầu cử tuần này, cho rằng đây là một âm mưu chính trị mờ ám.
Thủ tướng Séc nói rằng ông chưa bao giờ làm bất cứ điều gì "bất hợp pháp hoặc sai trái". "Điều đó không ngăn cản họ cố gắng gièm pha tôi một lần nữa và ảnh hưởng đến cuộc bầu cử quốc hội Séc", Thủ tướng Babiš viết trên tweet.
Ông Babiš thừa nhận rằng một chính trị gia không nên tiến hành theo cách này, nhưng nói rằng ông không hoạt động chính trị vào thời điểm mua căn biệt thự đó. “Tất nhiên một chính trị gia không đủ khả năng để làm điều đó, nhưng tôi đã thực hiện giao dịch cách đây 12 năm,” ông nói. Đơn vị tội phạm có tổ chức của cảnh sát Séc cho biết họ sẽ điều tra những tiết lộ liên quan đến Babiš và khoảng 300 người Séc khác.
Có một phản ứng không hài lòng tương tự từ gia đình hoàng gia Jordan. Thông tin tiết lộ hôm Chủ nhật cho rằng người cai trị đất nước, Vua Abdullah II, đã vung 100 triệu USD vào các tài sản ở Mỹ và Anh , bao gồm một biệt thự ở Malibu, California và ba ngôi nhà ở Belgravia thuộc trung tâm London. Tất cả đều được che giấu sau một mạng lưới dày đặc của các tập đoàn vỏ bọc.
Trong một tuyên bố, tòa án hoàng gia Jordan bác bỏ các báo cáo của Guardian, Washington Post và các phương tiện truyền thông khác là "xuyên tạc". Cơ quan này nói rằng hồ sơ "bao gồm những điều không chính xác và phóng đại sự thật". Việc xác định địa chỉ của các bất động sản là "một vi phạm an ninh rõ ràng và là mối đe dọa đối với sự an toàn của Vua và gia đình hoàng thân". Hoàng gia Jordan cho biết thêm rằng nhà vua đã "tài trợ cá nhân" cho việc mua sắm.
Tổng thống Ukraina Vladimir Zelensky cũng bị gọi tên điểm mặt trong hồ sơ Pandora. Các chính trị gia đối lập đã sử dụng Pandora Papers để tấn công Tổng thống Ukraina Voldymyr Zelenskiy. Dữ liệu cho thấy ông Zelenskiy đã bí mật chuyển nhượng 25% cổ phần một công ty ở thiên đường thuế nước ngoài cho một người bạn vào tháng 3 năm 2019 , vài tuần trước khi giành được quyền lực. Người đứng đầu văn phòng tổng thống Zelenskiy, ông Mykhailo Podoliak, đã bác bỏ báo cáo và cho biết tổng thống đã tuân thủ luật chống tham nhũng.
Tại Cộng hòa Síp, nơi là một thiên đường thuế, Tổng thống Nicos Anastasiades nhiều khả năng sẽ phải đưa ra lý do công ty luật do ông thành lập bị cáo buộc che giấu tài sản của một tỷ phú Nga. Công ty này phủ nhận vụ việc, còn Tổng thống Nicos Anastasiades cho hay ông đã thôi tham gia vào các vấn đề của công ty luật trên sau khi trở thành lãnh đạo phe đối lập năm 1997.
Không phải mọi cái tên có mặt trong hồ sơ Pandora cũng bị cáo buộc có vi phạm. Vợ chồng cựu Thủ tướng Anh Tony và Cherie Blair là ví dụ. Bằng việc mua một tòa nhà ở London thuộc một phần sở hữu của một Bộ trưởng Bahrain, họ đã tiết kiệm 434.000 USD tiền thuế bất động sản.
Ông Blair và vợ mua tòa nhà văn phòng trị giá 6,5 triệu bảng nói trên ở Marylebone thông qua việc mua công ty ở thiên đường thuế là quần đảo Virgin thuộc Anh (BVI). Dù điều này không bất hợp pháp, nhưng nó cho thấy có lỗ hổng giúp chủ sở hữu bất động sản được miễn thuế theo cách bình thường.
Nên đưa vào vòng điều tra
Trao đổi với VnBusiness, chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng nhận định đây là việc ẩn chứa, che đậy những hành vi bất hợp pháp, che giấu những khoản tiền “đen” từ những cá nhân, pháp nhân mà các quốc gia trên thế giới và Việt Nam cần lưu tâm trong việc quản lý nền tài chính quốc gia.
Cụ thể, trong việc quản lý tài chính quốc gia cần được nhìn nhận từ vụ “Hồ sơ Pandora”, cần đặt vấn đề là việc kiểm soát dòng tiền của từng cá nhân, pháp nhân từ trong nước chuyển ra nước ngoài có minh bạch, công bằng, chặt chẽ hay chưa ?
Liên hệ về mặt pháp luật ở Việt Nam thì thấy rằng dù có nhiều quy định nhưng chưa thực sự chặt chẽ, kẽ hở khi vướng đến yếu tố riêng tư và bảo mật thông tin về nguồn gốc, động cơ dòng tiền, đường đi của dòng tiền và của cải, bất động sản.
Cho nên thời gian tới Việt Nam cần bổ sung, hoàn thiện các khung khổ pháp lý. Điều này cũng vừa để chống che giấu những khoản tiền thu được từ các hành vi phi pháp, những tài sản bí mật của giới quyền lực và giàu có, vừa ngăn chặn hành vi trốn thuế, rửa tiền, lừa đảo, các hoạt động tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến tài chính, tiền tệ.
Hơn nữa, về mặt pháp luật cũng nên kiểm soát dòng tiền chuyển từ trong nước ra nước ngoài là nhằm mục đích gì ? Đây là vấn đề đòi hỏi cần có sự phối hợp giữa các quốc gia với nhau, cùng với sự hợp tác của Interpol (Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế) và Liên Hợp Quốc nhằm đảm bảo một nền tài chính minh bạch, công bằng, công khai trên toàn cầu.
Theo chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng, hầu như các “thiên đường thuế” đều không rõ ràng về chủ sở hữu và có nhiều công ty trung gian, công ty bình phong. Đây là điểm hỏng mà các quốc gia cần lưu ý (trong đó có Việt Nam). Nhất là cần kiểm soát dòng tiền chuyển ra nước ngoài để đầu tư có chân chính hay không.
Vấn đề này đòi hỏi trách nhiệm hợp tác kiểm soát từ quốc gia có dòng tiền chuyển đi và quốc gia nhận đầu tư từ dòng tiền đó. Nếu có sự phối hợp tốt giữa các quốc gia thì sẽ bịt được lỗ hỏng lớn trong nền tài chính quốc tế.
Về việc nhật báo The Guardian của Anh mới đây nêu tên Việt Nam trong “Hồ sơ Pandora”, chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng đề xuất Bộ Công an cần sớm phối hợp Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để vào cuộc ngay lập tức nhằm xác minh, điều tra những doanh nghiệp có liên quan.
Như trong dữ liệu của ICIJ, có 32 pháp nhân, 214 cá nhân, 23 trung gian và 205 địa chỉ liên quan đến Việt Nam (gồm cả dữ liệu cập nhật từ “Hồ sơ Panama”, “Hồ sơ Paradise” và “Hồ sơ Offshore Leaks”).
“Cần phải đưa vào vòng điều tra khẩn trương đối với những cá nhân, pháp nhân và các địa chỉ có liên quan này. Đó là cách thức để ngăn những dòng tiền không rõ ràng tiếp tục đổ ra nước ngoài”, ông Dũng nói.
Theo vị chuyên gia này, đây là lúc cần tránh “chảy máu” những dòng tiền không minh bạch trong bối cảnh Việt Nam đang khan hiếm về tài chính để khôi phục sản xuất và phát triển kinh tế trước tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.
Tức là bằng mọi giá phải kiểm soát và giữ lại những dòng tiền này. Khi mọi chuyện chưa rõ ràng thì nên vận động những cá nhân, pháp nhân, doanh nghiệp có tên trong dữ liệu của ICIJ nên minh bạch, công bằng hơn trong vấn đề tài chính, đề cao đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội.
Nhìn từ “Hồ sơ Pandora” và một số thông tin có đề cập đến Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng nhấn mạnh khi mà Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh các biện pháp phòng chống tham nhũng, chống tiêu cực thì việc kiểm soát, đưa vào tầm ngắm các dòng tiền bất chính chuyển ra các “thiên đường thuế” là điều cần làm trong lúc này.
Thế Vinh