Việt Nam đang đối mặt với một “cơn khát đường” đáng báo động. Lượng tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng gấp hơn 4 lần chỉ trong vòng chưa đầy 15 năm, từ 1,59 tỷ lít năm 2009 lên 6,67 tỷ lít năm 2023. Song song với đó là sự gia tăng đáng kể các ca bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, béo phì, tim mạch và ung thư. Trong bối cảnh ngân sách y tế ngày càng bị áp lực và sức khỏe cộng đồng bị đe dọa, việc đưa nước ngọt vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đang trở thành tâm điểm tranh luận tại Quốc hội.
![]() |
Dự thảo hiện tại đề xuất áp dụng thuế TTĐB 8% từ năm 2027 và tăng lên 10% từ năm 2028 đối với các loại nước giải khát có đường trên 5g/100ml. |
Tăng thu ngân sách hay giảm gánh nặng y tế?
Tại phiên thảo luận ngày 9/5, nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng ủng hộ việc áp thuế TTĐB với đồ uống có đường như một công cụ kép: vừa gia tăng nguồn thu ngân sách, vừa hướng đến điều chỉnh hành vi tiêu dùng theo hướng lành mạnh. Đại biểu Lê Hoàng Anh, Uỷ viên chuyên trách Ủy ban Tài chính – Ngân sách, nhấn mạnh: “Chúng ta cần hành động ngay, bởi chi phí y tế sẽ là cái giá phải trả nếu chậm trễ”.
Ông dẫn chứng: hiện cả nước có hơn 21 triệu người trưởng thành mắc bệnh tim mạch, hơn 5 triệu người sống chung với tiểu đường, hơn 40% trẻ em thành thị bị thừa cân béo phì. Với tỷ lệ tử vong do ung thư cao đến 73,5%, việc lạm dụng nước ngọt – vốn không có giá trị dinh dưỡng – cần được kiểm soát chặt chẽ. Bài học từ Thái Lan, Philippines hay Malaysia cho thấy, đánh thuế đủ mạnh có thể góp phần làm giảm tiêu thụ và bệnh tật, đồng thời mang lại nguồn thu hàng tỷ USD mỗi năm.
Dự thảo hiện tại đề xuất áp dụng thuế TTĐB 8% từ năm 2027 và tăng lên 10% từ năm 2028 đối với các loại nước giải khát có đường trên 5g/100ml. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng lộ trình này là quá chậm và mức thuế còn quá nhẹ để tạo ra tác động thực sự. Thậm chí, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, “đến giờ này cũng đã muộn”.
Một số đại biểu đề nghị cần đưa thời điểm áp thuế sớm hơn – từ 2026 – và áp dụng mức 10% ngay lập tức. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh: “Đây không chỉ là chính sách thuế mà còn là định hướng tiêu dùng, thúc đẩy doanh nghiệp cải tiến sản phẩm theo hướng lành mạnh hơn”.
Cân bằng lợi ích ngân sách – sức khỏe – doanh nghiệp
Tuy nhiên, không ít ý kiến bày tỏ sự thận trọng. Đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng cần đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn trước khi áp dụng chính sách, tránh tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp thực phẩm và sản phẩm có lợi cho sức khỏe như sữa, nước dừa nguyên chất, nước ép trái cây tự nhiên… Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa cảnh báo, nếu áp thuế nước ngọt, người tiêu dùng có thể chuyển sang tiêu thụ nhiều hơn các sản phẩm không kiểm soát như trà sữa, cà phê pha sẵn, vốn không nằm trong diện chịu thuế nhưng lại tiềm ẩn rủi ro lớn về chất lượng.
Trên thế giới, hơn 100 quốc gia đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến nghị mức thuế tối thiểu 20%. Việt Nam – nơi lượng đường tiêu thụ từ nước ngọt chiếm hơn 46% khẩu phần đường tự do mỗi ngày – đang cần một giải pháp đủ mạnh.
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng thừa nhận: “Đây là chính sách khó, nhưng không thể trì hoãn thêm nữa”. Theo ông, trong quá trình tiếp thu, cơ quan soạn thảo sẽ cân nhắc áp dụng linh hoạt theo nhóm sản phẩm, tránh gây cú sốc cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo định hướng kiểm soát tiêu dùng có đường.
Một hướng đi được nhiều chuyên gia ủng hộ là đánh thuế lũy tiến theo hàm lượng đường hoặc quy mô tiêu dùng, đồng thời loại trừ các sản phẩm có lợi cho sức khỏe. Đặc biệt, cần gắn việc áp thuế với chiến lược tuyên truyền, giáo dục dinh dưỡng trong cộng đồng – nhất là giới trẻ – để tạo ra chuyển biến hành vi bền vững thay vì chỉ mang tính hình thức.
Việc đánh thuế TTĐB với nước giải khát có đường là một “ca khó”, nhưng càng khó càng cần quyết đoán. Đây không chỉ là câu chuyện ngân sách hay sức khỏe cộng đồng, mà còn là cam kết của Việt Nam với các mục tiêu phát triển bền vững. Trong kỷ nguyên mà sức khỏe là tài sản quý giá nhất, một chính sách thuế không chỉ nên nhắm đến thu – mà còn phải hướng đến chuyển hóa – từ thói quen tiêu dùng sang hành vi sống lành mạnh hơn. Việt Nam không thể chậm chân hơn nữa trên hành trình ấy.
Thành An