Ngày 2/9/1945, một biển người đứng chật Quảng trường Ba Đình, ai cũng rạng rỡ, hân hoan, náo nức, hồi hộp chờ đợi giây phút vị lãnh tụ kính yêu đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Họ giương cao cờ, hoa và biểu ngữ, môi nở nụ cười, miệng hát vang bài ca cách mạng… Và thời khắc ngày 2-9-1945 mãi mãi là mốc son chói lọi và niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam...
Đất nước Hùng cường thì xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm
Và ngay sau khi đọc bản tuyên ngôn độc lập, Bác cùng với Chính phủ, người dân đã bắt tay vào xây dựng đất nước. Trong số những giới đầu tiên Bác quan tâm và gửi thư chính là thế hệ học sinh, những người chủ tương lai của đất nước.
![]() |
Bác Hồ chụp hình với giới công thương Việt Nam. Ảnh tư liệu |
Trong thư gửi các em học sinh, nhân ngày khai trường đầu tiên dưới chế độ mới, ngày 5/9/1945, Bác Hồ đã nói về khát vọng xây dựng Đất nước hùng cường.
Bác viết: “Dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Đây có thể xem là bản Tuyên ngôn về Đất nước Hùng cường sau bản Tuyên ngôn Độc lập. Độc lập - Hùng cường là những giá trị cốt lõi của sự nghiệp cách mạng ở nước ta.
Để xây dựng Đất nước Hùng cường thì xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trung tâm. Bác bảo “thực túc thì binh cường” và “tăng gia sản xuất là cái thiết thực nhất của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”.
![]() |
Bác Hồ thăm Nhà máy Diêm Thống Nhất những năm đầu khôi phục kinh tế (1956). Ảnh tư liệu. |
Và chỉ hơn một tháng sau ngày đọc tuyên ngôn độc lập, ngày 13/10/1945, trong bức thư động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của doanh nhân, Bác viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân đang phải cố gắng nỗ lực để giành lấy hoàn toàn nền độc lập, thì giới công thương cũng phải cố gắng nỗ lực để xây dựng nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng. Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi liền với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong cuộc kiến thiết này…”.
Có thể nói, tư tưởng nhân văn của Hồ Chủ tịch về mục tiêu phát triển nền kinh tế đất nước đã tạo được lòng tin như một lời hiệu triệu để tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, tạo làn sóng tích cực cho phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, ngay từ năm 1945, Bác Hồ đã chủ trương trải thảm đỏ mời các nhà đầu tư Pháp vào Việt Nam. Bác bảo “chúng ta hoan nghênh những người Pháp muốn đem tư bản vào xứ ta khai thác những nguồn nguyên liệu chưa có ai khai thác. Chúng ta sẽ mời những nhà chuyên môn Pháp cũng như Mỹ, Nga hay Tàu đến đây giúp việc cho chúng ta trong công cuộc kiến thiết quốc gia. Nhưng điều kiện chính là họ phải thừa nhận nền độc lập của xứ này”…
75 năm xây dựng một Việt Nam hội nhập và phát triển
75 năm sau ngày đất nước độc lập, trải qua rất nhiều thăng trầm lịch sử, Việt Nam đang ngày một trở lên hùng cường và phát triển vượt bậc và trở thành một thành viên quan trọng của cộng đồng Quốc tế.
Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói rằng, tiến bước mạnh mẽ trên con đường 75 năm cách mạng vẻ vang, Việt Nam đang vươn tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Chúng tôi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng với tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức khá cao, đời sống nhân dân được cải thiện; ổn định chính trị-xã hội được giữ vững; quốc phòng-an ninh được bảo đảm; thể chế pháp luật ngày càng hoàn thiện; mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế và đóng góp tích cực, có trách nhiệm cho hoà bình, hợp tác tại khu vực và trên toàn cầu.
![]() |
Đổi mới kinh tế từ năm 1986 đã đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. |
“Những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử đó là minh chứng cho tinh thần, ý chí mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam, khẳng định vai trò là người bạn, đối tác tin cậy của bạn bè và đối tác quốc tế”. Thủ tướng nói.
Trên thực tế, những năm gần đây, Việt Nam đang nổi lên như một hiện tượng của thế giới. Đặc biệt, sự phát triển của Việt Nam trong hơn 30 năm qua rất đáng ghi nhận. Đổi mới kinh tế từ năm 1986 đã thúc đẩy phát triển kinh tế, nhanh chóng đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp.
Theo Ngân hàng thế giới (WB), từ 2002 đến 2018, GDP đầu người của Việt Nam tăng 2,7 lần, đạt trên 2.700 USD năm 2019, với hơn 45 triệu người thoát nghèo. Tỉ lệ nghèo giảm mạnh từ hơn 70% xuống còn dưới 6%. Đại bộ phận người nghèo ở Việt Nam là dân tộc thiểu số, chiếm 86%.
Năm 2020 này, tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Theo dự báo của WB, tăng trưởng kinh tế năm 2020 sẽ giảm xuống 3-4% so với tỉ lệ 6,5% được dự báo trước khủng hoảng.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song Chính phủ Việt Nam tập trung làm tốt vai trò kiến tạo phát triển và quyết tâm hành động đổi mới, tái cơ cấu kinh tế bền vững, tự cường và chuyển đổi sang nền kinh tế số, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân làm thước đo hiệu quả trong phát triển.
Khát vọng đưa Việt Nam "bay lên"
Dù đã qua hơn 75 năm trôi qua, song cứ độ tháng 9 về, nhân dân Việt Nam đều chung niềm phấn khởi, tự hào đón mừng Quốc khánh. Đất nước Việt Nam hôm nay đã và đang trở lên hùng cường, thịnh vượng đúng như mong muốn của Bác năm xưa. Và khát vọng về một Việt Nam hùng cường vẫn ngày một cháy bỏng, thôi thúc mỗi người dân đất Việt.
Đặc biệt, chỉ 25 năm nữa, năm 2045 là năm Việt Nam sẽ kỷ niệm 100 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Đó là thời điểm Việt Nam phải giàu mạnh và “sánh vai cường quốc năm châu” với sự vươn lên mạnh mẽ của các doanh nghiệp, những tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam.
Cụ thể, trong chiến lược phát triển mới, mục tiêu tổng quát đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập cao.
Về các mục tiêu cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 8.000 USD/người; Tỉ lệ đô thị hoá đạt trên 50%; Tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33 - 35% GDP; nợ công không quá 60% GDP; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt trên 6,5%/năm...
Đó là những mục tiêu cụ thể, và để đạt được những mục tiêu trên, cần rất nhiều sự nỗ lực của cả đất nước, nhưng quan trọng hơn cả chính là khát vọng đưa dân tộc Việt Nam vươn lên. Nói như GS. TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, để đất nước phát triển, tiến lên mạnh mẽ, quan trọng hơn cả là khát vọng và quyết tâm của con người Việt Nam. Sự phát triển của một con người cũng như của một dân tộc không bao giờ có nếu như không có hai chữ khát vọng. Vì vậy, khát vọng phải hiểu như là động lực bên trong, nội lực tự sinh để đẩy người ta phấn đấu vươn lên.
“Sau 75 thành lập nước, lịch sử Việt Nam đang ở giai đoạn đủ hết các yếu tố để cất cánh bay lên bầu trời. Khi đã có đầy đủ mọi thứ nhưng muốn có sự phát triển mang tính chất bứt phá thì khát vọng mang tính chất quyết định” GS. Vũ Minh Giang nhấn mạnh.
Đức Anh