Có thể thấy, tỷ trọng xuất khẩu (XK) của khu vực kinh tế trong nước đã đổi chiều trong giai đoạn 1995 – 2016.
Ông Huỳnh Thế Du, Đại học Fulbright Việt Nam, cho hay vào năm 1995, khu vực kinh tế trong nước chiếm 73% tổng kim ngạch XK và khu vực DN FDI chỉ chiếm 27%. Tuy nhiên, đến năm 2016, cục diện đã thay đổi hoàn toàn, kim ngạch XK của khối nội chỉ chiếm 28,5%, trong khi DN FDI chiếm tới 71,5%. Khối DN FDI đã liên tục xuất siêu với giá trị ngày càng lớn hơn theo thời gian.
Vẫn phụ thuộc khối ngoại
Đơn cử, trong ngành may mặc và da giày, gần ba thập kỷ vào Việt Nam, hoạt động của các thương hiệu hàng đầu nước ngoài đến nay vẫn chủ yếu là gia công chứ không thể bước lên được các nấc thang giá trị cao hơn.
So với các lĩnh vực khác, dệt may và da giày của Việt Nam cũng đã có sự phát triển đáng kể của các DN trong nước, nhưng các DN trong nước và các DN FDI dường như vẫn ở hai sân chơi riêng biệt mà chưa có sự kết nối hoặc gắn kết hữu cơ qua các cụm ngành.
Báo cáo về 30 năm thu hút FDI, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội, cho biết giá trị kim ngạch XK của DN FDI đã không ngừng tăng lên qua các năm. Năm 2000, XK của khu vực FDI chỉ đạt 182 triệu USD, chiếm tỷ trọng 13% tổng kim ngạch XK trên địa bàn Thủ đô; nhưng 7 năm sau (2007) đã chiếm 39,2%.
Tính trong giai đoạn 10 năm 2001-2011, các DN FDI là thành phần kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch XK cao nhất, đạt 38,4%/ năm (kinh tế nhà nước tăng 14,2%, kinh tế ngoài nhà nước tăng 22%/năm).
Giai đoạn 2011-2016, khối DN FDI chiếm tỷ trọng kim ngạch XK lớn nhất trong các thành phần kinh tế Thủ đô (bình quân 47,3%) và có xu hướng tăng dần, từ 40,1% năm 2011 lên 48,3% năm 2012, 49,8% năm 2016. Bình quân trong giai đoạn 2011- 2016, tăng trưởng XK của khu vực này đạt khoảng 7,5%.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, thời điểm cuối năm 2017, khu vực FDI đóng góp khoảng 21% GDP, nguồn vốn FDI chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Các DN FDI tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành. Trong tổng giá trị kim ngạch XK 214 tỷ USD của cả nước năm 2017, khối FDI chiếm tới 72,6%… Những con số này cho thấy vai trò ngày càng lớn của khối DN FDI đối với nền kinh tế Việt Nam.
Trước thực tế trên, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về tính ổn định của nền kinh tế Việt Nam khi sức mạnh khối DN tư nhân trong nước ngày càng suy giảm, thể hiện rõ ở kim ngạch XK.
Ông Phạm Xuân Hòe, chuyên gia lĩnh vực tài chính, nhận định nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào khối ngoại, chiếm hơn 70% kim ngạch XK, cán cân thương mại do khối ngoại quyết định.
"Giả sử một ngày nào đó, Samsung chuyển nhà máy sang Ấn Độ… thì Việt Nam sẽ giải quyết bài toán ổn định kinh tế vĩ mô thế nào, hậu quả chắc chắn sẽ không hề nhỏ", ông Hòe nêu vấn đề.
Cùng với đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ bà rất ngần ngại về thành tích XK khi chủ yếu làm gia công. Công nghiệp phụ trợ chưa đóng góp được nhiều cho ngành công nghiệp trong nước. Đặc biệt, thành tích đó là nằm trong tay nhà đầu tư nước ngoài.
![]() |
Thay đổi bằng giá trị gia tăng
Theo bà Lan, ở một số nước, khi XK đạt 50% giá trị gia tăng là do DN trong nước tạo ra thì mới tính cho đất nước. Trong khi đó, Việt Nam làm gia công, 70% là giá trị thuộc về bên ngoài nhưng vẫn cứ tính vào. Hiện, Việt Nam xuất hộ không chỉ nhôm, thép mà còn nhiều sản phẩm khác.
Liệu cục diện này trong tương lai có thay đổi? Câu trả lời chắc phải đợi thêm một thời gian dài, nhưng trong năm 2018 ít nhất cũng nhìn thấy dấu hiệu tích cực ở khối DN nội địa. Đó là tốc độ tăng trưởng XK của khối DN trong nước 11 tháng đang cao hơn tốc độ tăng của khối FDI.
Cụ thể, Tổng cục Hải quan cho biết, tính chung 11 tháng năm 2018, kim ngạch hàng hóa XK ước đạt 223,63 tỷ USD, tăng 14,45% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 63,24 tỷ USD, tăng 17,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 160,39 tỷ USD (chiếm 71,7% tổng kim ngạch XK), tăng 13,4%.
Ở góc độ DN, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, cho biết DN trong ngành da giày đã cố gắng "ăn sâu hơn" vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo bà Xuân, để tăng giá trị cho sản phẩm, Chính phủ đã đầu tư, phát triển khâu nguyên liệu tại Việt Nam, hiện chiếm 55%, điều này vừa giúp giảm tỷ trọng nhập khẩu, vừa góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo quy tắc xuất xứ để hàng XK của Việt Nam được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do.
Về khâu thiết kế, trước đây, đa phần mẫu mã mà các DN Việt Nam sản xuất là do các nhà đặt hàng nước ngoài mang đến, nhưng nay, nhiều DN Việt Nam đã chủ động khâu thiết kế mẫu mã. Đó là một trong những giá trị gia tăng giúp Việt Nam "ăn sâu" vào chuỗi giá trị toàn cầu, giữ chân khách hàng.
Sự vươn lên của các DN nội địa trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu được xem là tin vui đối với nền kinh tế Việt Nam. Các chuyên gia nhận định rằng hóa giải nghịch lý trong XK không phải là kéo giảm sức cạnh tranh của khu vực FDI mà phải tìm cách nâng cao năng lực của khu vực DN trong nước. Mà muốn vậy, một lần nữa, cần vai trò kiến tạo của Nhà nước đi đôi với sự nỗ lực, chủ động nâng cao nội lực của mỗi DN.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, việc Nhà nước tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế đối với những biến động bất lợi từ bên ngoài, thực thi hiệu quả định hướng đa dạng hóa thị trường XK và hàng hóa XK vẫn là một yêu cầu trọng tâm. Cùng với đó, môi trường kinh doanh cần tích cực cải thiện để hỗ trợ DN.
Lê Thúy
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương Để nâng cao sức cạnh tranh của DN nội địa trên thị trường XK, bản thân mỗi DN cần tận dụng tốt các cơ hội từ các FTA, mở rộng tìm kiếm, phát triển nhiều thị trường mới, nâng cao chất lượng hàng hóa. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính, qua đó, hỗ trợ DN sản xuất và gia tăng XK. Bà Phan Thị Thanh Xuân - Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam Với DN, điều quan trọng nhất là phải nâng cao năng lực nội tại trong việc tiếp cận thị trường nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, có những vấn đề nằm ngoài khả năng của DN và cần có sự hỗ trợ của Nhà nước như việc đảm bảo cơ sở hạ tầng. Trong đó, hệ thống cầu cảng, sân bay vô cùng quan trọng nhưng hiện đã xuất hiện dấu hiệu quá tải, liệu DN mở rộng XK thì cơ sở hạ tầng này có đáp ứng được không? Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ KH&ĐT) Việc phát triển công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế nên việc tạo và xây dựng mối liên kết trong sản xuất giữa các DN FDI và các DN sản xuất trong nước gặp khó khăn. Đồng thời, đây là rào cản để Việt Nam phát huy hiệu quả nguồn vốn FDI hơn nữa. Cần tăng giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam thay vì chỉ tham gia những khâu sản xuất đơn giản, tạo ít giá trị trong hoạt động XK của các DN FDI. |