Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý cho phép giảm phí trước bạ 50% đối với xe hơi sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời hạn năm 2020. Như vậy, sau nhiều ngày trông chờ, nhiều tranh luận, giải pháp trước mắt đã được Chính phủ đưa ra.
Người Việt sắp được mua xe hơi giá rẻ
Cụ thể, tại văn bản số 185/TTGB-VPCP của Văn phòng Chính phủ nêu rõ kết luận của Thủ tướng: Giảm 50% phí trước bạ đối với người mua xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm 2020 để kích thích tiêu dùng trong nước.
![]() |
Giảm phí trước bạ, ngành ô tô trong nước đã thoát khó (Ảnh: Tư liệu) |
Về thời gian áp dụng chính sách giảm 50% phí trước bạ, người tiêu dùng còn phải chờ vào Quyết định của Thủ tướng, Thông tư của Bộ, ngành liên quan.
Với việc cho phép giảm phí trước bạ 50%, người mua xe mới thay vì đóng 10-12% (tuỳ theo địa phương) chỉ phải đóng từ 5-6%. Chi phí lăn bánh mỗi chiếc xe đến tay người tiêu dùng có thể giảm từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng/chiếc. Trong khi, các dòng xe nhập, vẫn giữ nguyên phí trước bạ 10-12%.
Về mức giá, đơn cử một chiếc xe Mazda CX5 của Trường Hải có giá bán đại lý cao nhất 1,1 tỷ đồng, với khách mua các tỉnh, phí trước bạ 10% (mức cũ) phải nộp là 110 triệu đồng thì với mức phí trước bạ giảm 50%, sắp tới người tiêu dùng chỉ cần nộp 55 triệu đồng. Với khách hàng tại Hà Nội, mức nộp phí trước bạ cũ là 132 triệu đồng, sắp tới chỉ phải nộp 66 triệu đồng/chiếc.
Với những mẫu xe cao cấp như Mercedes S450 được lắp ráp trong nước, giá bán đại lý hơn 4,8 tỷ đồng, mức phí trước bạ cũ, người mua phải nộp 480 triệu đồng. Tuy nhiên, sắp tới, khách mua chỉ phải trả 240 triệu đồng/chiếc, mức giảm lên đến hơn 200 triệu đồng, số tiền gần bằng mua một chiếc xe giá rẻ phân khúc A có trên thị trường hiện nay.
Thực tế, việc giảm phí trước bạ thời điểm hiện nay chủ yếu là giải pháp mang tính ngắn hạn để kích cầu thị trường, trong khi đó các giải pháp dài hạn liên quan đến các mức thuế tiêu thụ đặc biệt mới là giải pháp chính thì vẫn chưa được Chính phủ quyết định.
Bộ Công Thương trước đó đã gửi báo cáo lên Chính phủ, Quốc hội "giải cứu" ngành ô tô Việt Nam khi doanh số bán trên thị trường suy giảm mạnh bởi tác động tiêu cực của Covid-19. Trong văn bản của Bộ Công Thương, đề xuất xoá bỏ các thuế phí bất đối xứng trong đó có thuế suất thuế nhập linh kiện và thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện xe hơi.
Bộ Công Thương đề nghị giảm hoặc bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô và linh kiện ô tô dựa trên tỷ lệ % nội địa hoá trên sản phẩm, xe nguyên chiếc. Cụ thể, việc giảm, bãi bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cần dựa vào tỷ lệ các linh kiện "made in Vietnam" trong chiếc ô tô, không căn cứ vào xe đó là xe nhập khẩu hay xe sản xuất trong nước. Bộ Công Thương khẳng định, việc áp dụng giảm, xoá thuế tiêu thụ đặc biệt theo tỷ lệ % giá trị gia tăng của Việt Nam trong hàng hoá là cách làm khôn ngoan, không gặp phải các khiếu nại, tranh chấp, đồng thời khuyến khích tỷ lệ mua hàng của các doanh nghiệp hỗ trợ ô tô tại Việt Nam.
Cần một chuỗi lớn để có ngành ô tô hùng mạnh
Bên cạnh các chính sách thuế trên, các chuyên gia, doanh nghiệp đều cho rằng để có thị trường xe giá rẻ, thị trường ô tô rộng lớn, cần chính sách phát triển giao thông đồng bộ, không cản trở phát triển ngành công nghiệp ô tô vì sự phát triển yếu kém của đường giao thông.
Ngoài ra, Việt Nam nên có chiến lược, chính sách hợp lý để giảm, miễn các loại thuế liên quan đến xe điện, xe chạy bằng nhiên liệu sinh học, nhằm khuyến khích ngành công nghiệp xe hơi vừa phát triển vừa chuyển đổi sang xu hướng phát triển xe xanh mà thế giới và khu vực đang chạy đua từng ngày, từng giờ.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, để thúc đẩy, cứu nguy ngành ô tô trong nước không chỉ đơn giản dừng ở câu chuyện "biệt đãi" hay không biệt đãi về chính sách mà phải có chính sách đồng bộ, dài hạn.
Hiện nay, các doanh nghiệp ô tô Việt Nam, các nhà cung cấp phụ trợ vẫn chủ yếu lắp ráp hoặc chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô, phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động.
Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.
Đặc biệt, giá bán xe ô tô trong nước vẫn cao so với các nước trong khu vực. Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp hơn mục tiêu đề ra và thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực. Đối với các sản phẩm đã được nội địa hóa còn mang hàm lượng công nghệ thấp như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc quy, sản phẩm nhựa…
Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do Việt Nam là quốc gia có xuất phát điểm thấp, các ngành công nghiệp đi sau các nước trong khu vực từ 2 - 3 thế hệ. Việt Nam chưa có hệ sinh thái công nghiệp để tạo môi trường thuận lợi cho ngành ô tô phát triển, dung lượng thị trường đối với ngành ô tô còn nhỏ, chưa đảm bảo tính kinh tế trong việc đầu tư sản xuất, trình độ doanh nghiệp cũng như nguồn nhân lực ngành ô tô còn thấp.
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu, phát triển chưa được các doanh nghiệp chủ động quan tâm, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, dẫn đến chưa tự chủ được các vật liệu cơ bản cũng như các linh phụ kiện đầu vào cho ngành công nghiệp ô tô…
Đặc biệt, trong bài viết về ngành công nghiệp ô tô mới đây, Ts. Khương Quang Đồng, chuyên gia ô tô có kinh nghiệm làm việc hơn 30 năm tại Pháp, chia sẻ, dịch Covid-19 là một đại nạn của nhân loại nhưng nhờ quản lý chặt chẽ, Việt Nam đã kiềm chế được dịch, tạo nên hình ảnh một quốc gia có trách nhiệm, an toàn trong cuộc sống và ít rủi ro trong đầu tư. Việt Nam có thể trở thành điểm đến cho các cuộc di chuyển những cơ sở sản xuất phụ trợ ô tô của các tập đoàn Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Âu - Mỹ từ Trung Quốc. Đây là cơ hội để giúp công nghiệp ô tô trong nước thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn trong mấy chục năm giữa công nghiệp phụ trợ và công nghiệp sản xuất ô tô.
Để làm được điều này, ông thẳng thắn đặt vấn đề: "Việt Nam có nên lợi dụng làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng sản xuất ô tô để tái cấu tạo công nghiệp ô tô không? Câu trả lời là có nếu Việt Nam bớt chạy theo nhãn hiệu Made in Vietnam hữu danh vô thực để tập trung phát triển những mắt xích chiến lược của chuỗi giá trị sản xuất".
Theo ông Đồng, chương trình phát triển công nghiệp phụ trợ hậu Covid-19 chỉ thành công khi các nhà lãnh đạo vận động được sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong nước, để trong dài hạn tiến tới xây dựng nền công nghiệp ô tô quốc gia.
Lê Thúy