Điển hình như yêu cầu bắt buộc bổ sung vi chất dinh dưỡng (cụ thể là vi chất sắt kẽm) vào chế biến thực phẩm trong Nghị định 09/2016/NĐ- CP, theo ông Kajiwara Juichi – Tổng Giám đốc CTCP Acecook Việt Nam, việc này gây nhiều khó khăn trong tổ chức sản xuất khi phải sử dụng hai nguồn nguyên liệu bột mì có bổ sung vi chất sắt kẽm cho sản phẩm nội địa và không có bổ sung vi chất cho sản phẩm xuất khẩu (XK).
Nhiều phát sinh
Theo ông Kajiwara, vì dây chuyền sản xuất của công ty được thiết kế để sử dụng tự động hóa nên việc phối trộn nguyên liệu đáp ứng theo yêu cầu bắt buộc là không có lợi về mặt thiết bị. Chưa kể còn phát sinh nhiều công sức, nhân công, thời gian, nhưng lại mang hiệu quả sản xuất thấp và gây khó trong việc vệ sinh dây chuyền sản xuất.
Mặt khác còn gây khó khăn trong việc đặt hàng. Để sản xuất một loại sản phẩm mì, công ty phải đặt hàng cho mỗi lô bột mì từ 6 đến 9 tấn. Đối với sản xuất sản phẩm XK, thông thường sản lượng XK không nhiều như sản lượng sản xuất nội địa, nên trước đây, số bột mì sản xuất sản phẩm XK còn dôi dư chuyển sang dùng cho sản xuất nội địa.
Thế nhưng, nếu bột mì (không tăng cường sắt kẽm) sản xuất sản phẩm XK dôi dư, công ty buộc phải hủy chứ không thể dùng cho sản xuất nội địa như yêu cầu bắt buộc của Nghị định 09.
"Điều này phát sinh thêm chi phí, tăng giá thành, giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm khả năng cạnh tranh, có khi chúng tôi buộc phải chấp nhận mất thị trường XK, giảm thị phần, giảm kim ngạch XK", ông Kajiwara chia sẻ.
Không chỉ với vi chất sắt kẽm mà yêu cầu bổ sung muối i-ốt vào trong sản xuất, chế biến thực phẩm cũng gây nhiều khó khăn cho DN thực phẩm. Điều này đã được các DN ngành thực phẩm phản ánh trong nhiều tháng nay.
Ngoài vấn đề nhập khẩu lúa mì vướng quy định kiểm dịch cỏ dại Cirsium Arvense mà DN thực phẩm đang gặp khó, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm Tp.HCM, cho biết thời gian qua, các DN trong ngành thực phẩm đã đề xuất rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ trong việc thực hiện Nghị quyết 19- 2018/CP-NQ về sửa đổi Nghị định 09/2016/NĐ- CP về bổ sung vi chất dinh dưỡng trong chế biến thực phẩm khi có nhiều vấn đề phát sinh trong triển khai.
"Chính phủ đã thấy được vấn đề này, đã ra Nghị quyết để sửa đổi. Nhưng rõ ràng cho tới giờ phút này vẫn chưa có văn bản nào của các bộ ngành để sửa đổi Nghị định 09 theo đúng như những điều mà Chính phủ đã quyết định", bà Lan nhấn mạnh.
Cho nên, theo bà Lan, đây chính là rào cản, vướng mắc mà nếu không tháo gỡ thì DN thực phẩm không thể nào phát triển được.
![]() |
Cửa vào siêu thị của DN chế biến thủy sản bị ách vì chính sách bất cập |
Làm giảm sức cạnh tranh
Bên cạnh đó, sự bất cập trong khâu thủ tục cũng được thể hiện rõ đối với các DN chế biến thực phẩm thuộc lĩnh vực thủy sản.
Như phản ánh mới đây của Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) về việc "cửa" vào siêu thị trong dịp Tết sắp tới đã bị ách lại vì các DN vướng quy định về Giới hạn hiệu năng phân tích tối thiểu (Minimum Required Performance Limit – MRPL) của các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng trong sản phẩm thực phẩm.
Trong khi đó, VASEP dẫn Quyết định số 2005/34/EC ngày 11/1/2005 của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy khi kết quả phân tích của lô hàng thấp hơn mức MPRL thì vẫn được phép nhập khẩu vào EU để làm thực phẩm. Như vậy phải chăng có chuyện lạ đời là tiêu chuẩn của Việt Nam cao hơn EU?
Ngoài ra, trong vấn đề nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp, nguyên liệu chế biến thực phẩm, nhiều DN cho biết còn những điều vô lý nhưng vì lo bị gây cản trở cho những lần giao dịch sau nên họ ngại phản ánh, kiến nghị.
Đơn cử vấn đề căn cứ theo Luật Thú y (Luật 79/2015/QH13) và Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật (Luật 41/2013/QH13), khi nhập khẩu các mặt hàng thịt và rau, củ, quả vào Việt Nam phải tuân thủ nghĩa vụ kiểm dịch động, thực vật. Thực tế hiện nay, việc kiểm tra mẫu thử động vật theo nguyên tắc được tiến hành đối với mỗi lần nhập khẩu.
Như phản ánh từ vài tháng trước của các DN Nhật đang đầu tư vào ngành chế biến thực phẩm tại Việt Nam, tất nhiên việc kiểm dịch động, thực vật này là điều vô cùng quan trọng để phòng ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh, sâu hại.
Tuy nhiên, mặt khác cũng không thể phủ định rằng việc kiểm tra mẫu thử đối với mỗi lần nhập khẩu đã gây ảnh hưởng đến việc cung cấp những mặt hàng thực phẩm tươi sống tới người tiêu dùng tại Việt Nam.
Theo các DN này, việc kiểm tra mẫu thử đối với các mặt hàng thịt và mặt hàng rau, củ, quả còn tốn nhiều thời gian, trong khi đây là các mặt hàng tươi sống, nên cần phải tính cả thời gian bảo quản trong kho lạnh tại cảng vào thời gian kiểm tra. Chính vì vậy mà độ tươi ngon của thực phẩm bị ảnh hưởng, thêm vào đó là chi phí tiền điện để bảo quản hàng trong kho lạnh tại cảng cũng cao, dẫn đến giá cuối cùng bị cộng lên nhiều.
Có thể thấy, chỉ những vụ việc nổi cộm gần đây trong khâu chính sách và thủ tục mà DN thực phẩm đang gặp khó cũng đủ để các cơ quan quản lý nhìn lại cách thức mình đang làm liệu có còn phù hợp hay không.
Còn thực tế, với những bất cập trong khâu thủ tục được chỉ rõ như hiện nay, các DN trong ngành thực phẩm có cảm giác "ngộp thở", vừa làm giảm năng lực cạnh tranh ngành hàng thực phẩm Việt.
Thế Vinh
Ông Kajiwara Juichi - Tổng Giám đốc CTCP Acecook Việt Nam Chúng tôi kiến nghị Bộ Y tế xem xét và nhanh chóng thực hiện sửa đổi theo Nghị quyết 19- 2018/CP-NQ, theo hướng khuyến khích DN sử dụng nguyên liệu có bổ sung vi chất dinh dưỡng (i-ốt, sắt kẽm), mà không bắt buộc phải sử dụng. Bởi lẽ, việc bắt buộc áp dụng những quy định như vậy làm giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam với các nước khác trong khu vực, làm giảm năng lực cạnh tranh ngành hàng thực phẩm của các DN nói riêng và cho cả Việt Nam nói chung. Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM (FFA) Các DN thực phẩm cần mạnh dạn đưa ra những bằng chứng thiệt hại, những khó khăn của mình từ các quy định bất hợp lý. Có một số DN nói với tôi là khi nêu ra những bức xúc rồi lại bị cơ quan quản lý kiểm tra kỹ hơn nữa, càng phải chi nhiều hơn nữa. Tôi mong các DN đừng sợ, nếu không nói ra thì sẽ không có sự thay đổi, FFA sẽ đồng hành để tháo gỡ cùng DN. Ông Nguyễn Hoàng Dũng - Chuyên gia kinh tế Trước những khó khăn mà các DN thực phẩm đang gặp phải, tôi hy vọng các cơ quan quản lý cần lắng nghe và xem xét lại những quyết định của mình có thích hợp hay không và nên điều chỉnh như thế nào. Các DN cũng cần liên tục cập nhật các thông tin mới, nhất là những rào cản, rồi mạnh dạn trình bày với phía hiệp hội để đưa ra tiếng nói chính thống, minh bạch, công khai để cùng nhau khắc phục. |