Bà Trịnh Tú Anh, Giám đốc công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ An Đô, chia sẻ tháng 11/2016, Bộ Công Thương ra quyết định bãi bỏ Thông tư 37/2015 quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyde trong sản phẩm dệt may.
"Đón nhận thông tin này, chúng tôi vui lắm, tiếc rằng niềm vui không được bao lâu bởi tháng 10/2017, Bộ Công Thương lại đưa ra yêu cầu các sản phẩm hàng hóa dệt may trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường phải công bố hợp quy quy chuẩn về formaldehyde và amin thơm (Thông tư 21/2017/TT-BCT)", bà Anh cho biết.
Tốn kém và mệt mỏi
Theo bà Anh, quy định cho phép đến 1/1/2019, DN mới phải thực hiện. "Để chuẩn bị trước, mấy tháng nay, tôi đã cho nhân viên đi nghiên cứu làm giấy chứng nhận hợp quy, song mới thấy với doanh nghiệp (DN) nhập khẩu, đây là quy định cực kỳ khó khăn".
"Bộ Công Thương xem xét thế nào chứ thực thi theo thông tư đó, DN rất mệt mỏi và tốn kém, hàng nhập khẩu đi qua 2-3 cửa khẩu, hợp quy thế nào?", bà Anh kiến nghị.
Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, cho biết việc quy định sữa đã qua chế biến, đóng hộp, đóng thùng được các nước châu Âu, Mỹ chứng nhận, kiểm nghiệm, về Việt Nam vẫn cần giấy chứng nhận về đảm bảo sức khỏe là vô lý và gây tốn kém cho DN.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch công ty Thủy sản Thuận Phước, thẳng thắn cho rằng các nước trên thế giới đưa ra một số tiêu chí về chất lượng nhưng thực chất đó là rào cản kỹ thuật hạn chế hàng nhập khẩu, chứ không phải khắt khe đi bắt bí các DN trong nước. Trong khi đó, ở Việt Nam, rào cản kỹ thuật với DN nước ngoài rất ít mà rào cản với chính DN trong nước là chủ yếu.
Mới đây, trả lời công văn của Tổng cục Hải quan về việc đề nghị cho ý kiến đối với danh mục hàng hóa, thủ tục hành chính về quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nêu lên nhiều vấn đề bất cập.
Trong đó, VCCI cho rằng nhiều hoạt động kiểm tra chuyên ngành còn chưa rõ ràng về các loại hàng hóa phải thực hiện kiểm tra (không có danh mục hàng hóa cụ thể phải kiểm tra). Điều này sẽ gây bất cập trong thực tế triển khai khi các chủ thể áp dụng sẽ khó khăn trong nhận diện các loại hàng hóa phải được kiểm soát.
Bên cạnh đó, một số biện pháp quản lý về an toàn thực phẩm còn chưa áp dụng theo cơ chế quản lý mới (trong khi Nghị định 15/2018/NĐ-CP, văn bản cơ sở cho vấn đề này đã có những thay đổi căn bản về cơ chế quản lý về an toàn thực phẩm của các sản phẩm hàng hóa).
Hay có sự chồng lấn và thiếu rõ ràng về cơ chế quản lý về an toàn thực phẩm với hoạt động kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật. Chưa có sự đồng bộ trong quy trình vận hành giữa các hoạt động kiểm tra chuyên ngành (liên quan tới kiểm tra chất lượng hàng hóa).
Theo VCCI, có nhiều loại hàng hóa có nguồn gốc thực vật phải thực hiện hai lần kiểm tra chuyên ngành: kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật, do cùng một cơ quan nhà nước (Bộ NN&PTNT) thực hiện. Điều này sẽ tạo gánh nặng cho DN về thủ tục nhập khẩu.
![]() |
Nhiều bất cập về kiểm tra chuyên ngành gây tốn kém chi phí và thời gian cho DN |
Can thiệp quyền tự chủ kinh doanh
Ngoài ra còn tồn tại những quy định không cần thiết. Cụ thể, Bộ Công Thương hiện đang giao hạn mức nhập khẩu tối thiểu phục vụ tiêu thụ nội địa cả năm theo cơ cấu chủng loại cho từng thương nhân có giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu để làm thủ tục nhập khẩu với cơ quan hải quan.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng trong bối cảnh hiện nay, khi quyền nhập khẩu xăng dầu về nguyên tắc đã được mở cho bất kỳ DN nào đáp ứng các điều kiện để được cấp phép nhập khẩu xăng dầu và các DN này phải tuân thủ pháp luật cạnh tranh, lo ngại về tình trạng độc quyền gây thiếu hụt nguồn cung là không thỏa đáng và hoàn toàn không thể là căn cứ để sử dụng biện pháp can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của DN (trong việc xác định số lượng hàng hóa mua vào).
Đặc biệt, trong trường hợp nhu cầu của thị trường không lớn hoặc lượng xăng dầu đang có trên thị trường nội địa đủ cung ứng được cho thị trường, việc DN tiếp tục phải nhập khẩu cho đạt hạn mức nhập khẩu tối thiểu sẽ khiến các DN rơi vào tình trạng khó khăn.
Chưa kể, nếu số lượng các DN được cấp phép nhập khẩu quá ít, do các điều kiện kinh doanh tại Nghị định 83 là rất cao mà chỉ một số ít thương nhân có tiềm lực tài chính lớn mới có thể tham gia thị trường (điều kiện theo hướng áp đặt quy mô; hệ thống phân phối được thiết kế theo từng cấp bậc - thương nhân nhập khẩu, phân phối, tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ - tương ứng với mỗi cấp bậc là các điều kiện kinh doanh khá khắt khe..).
Đây cũng sẽ là một trong những nguy cơ thực tiễn khiến cho nguồn cung của thị trường xăng dầu có thể bị lũng đoạn bởi các thương nhân đầu mối này.
Về quy định tất cả các máy móc, thiết bị đã qua sử dụng sẽ phải chịu chung cơ chế quản lý và tiêu chí để xác định sẽ là "tuổi của thiết bị", VCCI cho rằng về mặt logic, không phải loại máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nào cũng tiềm ẩn nguy cơ cao tới mức phải kiểm soát bằng cơ chế đặc biệt. Thậm chí với nhiều trường hợp, nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ đã qua sử dụng còn là cơ hội để DN và nền kinh tế tiếp nhận công nghệ tốt với giá hợp lý.
Do đó, để hoạt động kiểm tra chuyên ngành vừa đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước vừa tạo thuận lợi cho DN, VCCI khuyến nghị cần xây dựng các danh mục hàng hóa cụ thể thuộc diện phải kiểm soát ở từng lĩnh vực.
Để quy trình này được khả thi, thuận lợi, cần thực hiện đồng thời cải cách về việc chỉ định tổ chức chứng nhận sự phù hợp, theo đó: cần có cơ chế để tất cả các tổ chức chứng nhận sự phù hợp đáp ứng năng lực chuyên môn đều có thể tham gia vào hoạt động kiểm tra chứng nhận sự phù hợp của các sản phẩm hàng hóa, tránh tình trạng chuyển độc quyền kiểm tra chuyên ngành từ "một cơ quan quản lý chuyên ngành" sang "một/một số tổ chức chứng nhận sự phù hợp".
Đồng thời, việc lựa chọn chấp thuận tổ chức chứng nhận sự phù hợp được phép tham gia thẩm định chất lượng hàng hóa trong kiểm tra chuyên ngành bởi cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành cần được thực hiện dựa trên các tiêu chí khách quan về năng lực và không hạn chế số lượng, thay vì tình trạng chỉ định độc quyền hoặc gần như độc quyền một/một số ít tổ chức chứng nhận sự phù hợp như hiện nay.
Lê Thúy