Sáng ngày 2/6, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Việt Nam và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch công bố Báo cáo triển vọng Năng lượng Việt Nam. Đây là lần thứ 3 báo cáo này được công bố (hai ấn phẩm trước được xuất bản vào năm 2017 và 2019).
![]() |
Điện hạt nhân Ninh Thuận đã phải dừng triển khai (Ảnh minh họa). |
Cụ thể, báo cáo nêu phân tích cho thấy rằng các công nghệ điện hạt nhân hiện tại không cạnh tranh về chi phí so với việc áp dụng kết hợp nguồn điện mặt trời, điện gió, công nghệ lưu trữ và truyền tải. Chỉ khi những công nghệ này không được khai thác tối đa, ví dụ do những hạn chế về đất đai, thì điện hạt nhân mới có thể cạnh tranh khi hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Giải thích thêm về khuyến nghị trên, ông Loui Algren, Cố vấn năng lượng, Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch cho hay phát triển năng lượng điện hạt nhân đòi hỏi phải đảm bảo chi phí, hiểu biết công nghệ, bí quyết, tầm nhìn quy hoạch dài hạn hơn so với điện gió.
Trong khi đó, từ kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân ở châu Âu, ông Erik Kjær, Cố vấn cao cấp, Cục Năng lượng Đan Mạch cho rằng việc huy động vốn cho dự án điện hạt nhân rất khó khăn, đồng thời phải mất nhiều thời gian để đưa dự án điện hạt nhân vào chạy thử.
"Việc phát triển điện hạt nhân rất khó, có khi phải mất vài thập kỷ mới phát điện được. Đây là phương án khó, nhiều thách thức, đảm bảo phải có rất nhiều điều kiện thì dự án mới khả thi.", ông Erik Kjær nhấn mạnh.
Liên quan đến phát triển điện hạt nhân, mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có báo cáo giám sát việc thực hiện nghị quyết 31 của Quốc hội về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giai đoạn 2016 - 2021.
Đáng chú ý, Ủy ban Kinh tế cho rằng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận mới được dừng thực hiện, nếu hủy bỏ sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển điện hạt nhân trong tương lai, đồng thời ảnh hưởng đến quan hệ với các nước đối tác, nên đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ quy hoạch đối với các vị trí dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cho đến khi cấp có thẩm quyền có quyết định chính thức về vấn đề này.
Trong phát triển nguồn điện theo Quy hoạch điện VIII, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện, khách quan, khoa học, chính xác thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng trong thời gian tới; nhanh chóng có đề xuất hợp lý về việc phát triển điện hạt nhân trong tương lai để trình các cấp có thẩm quyền.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đây là dự án tạm dừng chứ không phải là hủy bỏ, nên sẽ không có cơ sở bỏ địa điểm xây dựng điện hạt nhân.
Ông Diên cũng cho hay một số nước như Mỹ và Đức, đã phải quay lại phát triển điện hạt nhân, đặc biệt khi các nước cam kết tại COP26 về ưu tiên thúc đẩy năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
"Để khai thác được nguồn năng lượng này thì nhất thiết phải có điện nền ổn định, mà điện nền chỉ có thể là nhiệt điện than hay thủy điện. Điện than đã không còn điều kiện phát triển, thủy điện cũng đã hết dư địa, nên trong tương lai nếu buộc phải thực hiện cam kết ở COP26 thì phải phát triển rất mạnh năng lượng tái tạo, cần có điện nền. Xu hướng tất yếu là đến lúc nào đó phải tính đến điện hạt nhân", ông Diên nói.
Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định sẽ báo cáo Chính phủ, Quốc hội về địa điểm quy hoạch dự án: "Giờ chưa nên xem xét thêm, chờ đến khi nào cấp có thẩm quyền quyết định chúng ta tiếp tục hay không tiếp tục thì hãy tính vì địa điểm được các đối tác nghiên cứu kỹ và khẳng định không nơi nào phù hợp hơn Ninh Thuận".
Tuy nhiên, vấn đề giữ hay bỏ quy hoạch đối với các vị trí dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cũng đang gây tranh cãi trong Nghị trường Quốc hội. Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận nêu quan điểm: Năm 2016, Quốc hội khoá XIV đã quyết định tạm dừng chủ trương thực hiện đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, đến nay các vấn đề về quy hoạch của dự án, vốn gây nhiều ảnh hưởng tới đời sống, kinh tế của người dân, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương vẫn chưa được giải quyết. Người dân trải qua thời gian dài chờ đợi, không ổn định được sản xuất, đời sống gặp nhiều khó khăn.
Lê Thúy