Bộ Công Thương vừa có báo cáo Chính phủ để giải trình về những ý kiến phản ánh của Bộ Tài chính cho rằng Bộ Công Thương "không tiếp thu" ý kiến của Bộ này trong xuất khẩu gạo.
Không DN nào nói tổ chức họp "chưa nghiêm túc"
Bộ Tài chính cho rằng: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhưng thực tế Bộ Công Thương chỉ thực hiện một cuộc họp 1/2 ngày nên chưa thể đánh giá được tổng thể nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo và như vậy là "chưa nghiêm túc".
![]() |
Bộ Tài chính giúp Bộ Công Thương hoàn chỉnh phương án điều hành áp dụng hạn ngạch xuất khẩu gạo (Ảnh: Internet) |
Giải trình về ý kiến trên của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho biết trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, việc tổ chức làm việc với từng tỉnh, từng doanh nghiệp chủ chốt để nắm tình hình là không khả thi.
Vì vậy, Bộ Công Thương đã mời các bộ, ngành có liên quan, đại diện UBND TP.HCM, UBND các tỉnh, thành phố thuộc khu vực ĐBSCL, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và 20 thương nhân có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất tham dự buổi làm việc với Đoàn kiểm tra vào ngày 26/3/2020 tại TP.HCM. Hội nghị đã có sự tham gia nghiêm túc của đại diện tất cả các bên được mời.
"Tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra và trong các góp ý sau đó, không có tỉnh, thành phố, doanh nghiệp hay Bộ, ngành nào, kể cả Bộ Tài chính, cho rằng việc chỉ tổ chức một cuộc họp 1/2 ngày là "chưa nghiêm túc" và "chưa thể đánh giá được tổng thể nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo" như Bộ Tài chính sau này nhận xét", Bộ Công Thương cho biết.
Hơn nữa, Bộ Công Thương cho rằng việc tổ chức cuộc họp với tất cả các bên có liên quan tại Tp.HCM vào ngày 26/3/2020 là cách làm duy nhất khả thi trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, việc đi lại khá khó khăn và Đoàn kiểm tra chỉ có 3 ngày để thu thập, phân tích, xử lý thông tin, sau đó xây dựng báo cáo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính góp ý gì mà Bộ Công Thương không tiếp thu?
Bộ Tài chính cho biết: Đã 2 lần góp ý với Bộ Công Thương về điều hành xuất khẩu gạo nhưng không được Bộ Công Thương tiếp thu.
Giải trình về ý kiến trên, Bộ Công Thương cho biết Bộ Tài chính đã góp ý qua thư điện tử cho báo cáo ngày 28/3/2020 của Đoàn kiểm tra liên ngành. Sau đó, ngày 3/4/2020, Bộ Tài chính có Công văn số 3905/BTC-QLG góp ý cho báo cáo chính thức số 2412/BCT-XNK ngày 6/4/2020 của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ Công Thương, Báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành và sau đó là của Bộ Công Thương trình bày nhiều vấn đề, bao gồm đánh giá tình hình, dự báo các khả năng, phản ứng của quốc tế đối với lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo, phương án và phương thức điều hành xuất khẩu gạo... Tuy nhiên, Bộ Tài chính không phản đối hạn ngạch xuất khẩu gạo cũng như phương thức điều hành "đăng ký tờ khai trước được xuất trước" (FCFS).
"Không những thế, Bộ Tài chính còn giúp Bộ Công Thương hoàn chỉnh phương án điều hành qua các góp ý về thẩm quyền áp dụng hạn ngạch cũng như các trường hợp không cần áp dụng hạn ngạch", Bộ Công Thương cho biết.
Theo Bộ Công Thương, trong cả 2 lần góp ý, ý kiến quan trọng nhất của Bộ Tài chính là chỉ cho phép xuất khẩu gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm; tiếp tục tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết ngày 15/6/ 2020 để "bảo đảm mua đủ gạo dự trữ quốc gia". Sau khi dự trữ quốc gia đã mua đủ số lượng gạo dự trữ theo kế hoạch, sẽ tiếp tục điều hành xuất khẩu "linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp thực tế".
Tuy vậy, Bộ Công Thương cho biết đã 2 lần giải trình với Thủ tướng Chính phủ về lý do không thể tiếp thu ý kiến này của Bộ Tài chính.
Tại báo cáo này, Bộ Công Thương một lần nữa xin được giải trình như sau: Cấm xuất khẩu gạo để buộc người dân, doanh nghiệp phải bán gạo cho dự trữ quốc gia là việc không nên làm, nhất là trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp đang phải chịu rất nhiều tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra; Đề xuất dừng xuất khẩu trên cơ sở phân biệt gạo tẻ và các loại gạo khác có thể sẽ dẫn đến rủi ro về đạo đức và là mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm và tham nhũng phát triển, bởi bằng mắt thường rất khó phân biệt giữa gạo tẻ (loại cấm xuất khẩu) và gạo thơm (loại được phép xuất khẩu).
Lê Thúy