Ông Nguyễn Thành Trung, đại diện một cơ sở thu mua nông sản ở huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) cho biết, trong tháng 8, doanh nghiệp (DN) chỉ thu mua khoảng 5 tấn nông sản mỗi ngày, trong khi thời điểm trước lúc xảy dịch Covid-19 đợt 4 là khoảng 50 tấn.
Nản thu mua vì quá tốn kém
Nguyên nhân của tình trạng sụt giảm này, theo ông Trung, đó là do dịch bệnh làm cho việc vận chuyển gặp khó khăn và phát sinh nhiều chi phí, dù cho các địa phương cũng đã tạo điều kiện nhưng quy định ở mỗi nơi mỗi khác. Chuyện quá tốn kém nhiều chi phí như vậy làm cho các thương lái, bạn hàng nản, ngại cùng tham gia thu mua.
![]() |
Việc thu mua lúa gạo ở ĐBSCL trong vụ Hè thu 2021 gặp khó khăn khi các thương lái, doanh nghiệp e ngại phát sinh nhiều chi phí. |
Trong khi đó, riêng địa bàn huyện Cai Lậy từ nay đến cuối tháng 8 có khoảng 950 ha vườn cây ăn trái bước vào thu hoạch. Lãnh đạo chính quyền địa phương cũng thừa nhận việc giảm sản lượng thu mua nông sản một phần do thương lái ngại phát sinh nhiều chi phí khi vận chuyển hàng hóa nông sản khó khăn. Nhất là khi thị trường tiêu thụ bị giới hạn, còn chi phí tăng thì việc vận chuyển lại chậm.
Còn tại tỉnh Long An, trong vụ Hè thu 2021 này đã thu hoạch gần 118.000ha, sản lượng trên 600.000 tấn và hiện còn hơn 102.000ha sắp thu hoạch (chủ yếu tập trung ở 2 huyện Mộc Hoá và Thạnh Hoá). Thế nhưng, việc thu mua lúa cũng khó khăn từ những vấn đề mà các thương lái đang gặp phải.
Theo chia sẻ của Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa Nguyễn Kinh Kha, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương khó khăn nên các thương lái từ các nơi khác không đến thu mua, trong khi thương lái tại địa phương chỉ có thể mua khoảng 30% diện tích.
Một số thương lái cho biết, muốn thu mua lúa thì họ cần phải có 2 loại giấy, gồm giấy xác nhận mua lúa từ điểm đi tới điểm thu mua lúa và giấy xét nghiệm âm tính.
Với mỗi ghe chở lúa bình thường có 3 nhân công nên phải tốn chi phí gần 1 triệu đồng/lần test nhanh. Không những vậy, mỗi chuyến ghe phải xét nghiệm từ 1 - 2 lần. Ngoài ra, các chủ ghe còn phát sinh thêm nhiều chi phí khác trong thời gian đến mua lúa giữa mùa dịch.
Đây là một trong những lý do dẫn đến việc các thương lái nghỉ mua hoặc huỷ hợp đồng khi mà “đường đi” của việc thu mua lúa không trơn tru như trước.
Để gỡ khó cho thương lái, ông Kha đề xuất các địa phương cần có sự thống nhất về những loại giấy tờ, điều kiện vận chuyển, giao thương hàng hóa nhằm hỗ trợ nông dân tiêu thụ lúa trong lúc khó khăn này.
Bởi thực tế là hiện nay, như phản ánh của nhiều thương lái, DN thu mua nông sản đang tốn chi phí tăng thêm cho tài xế giữa mùa dịch. Hơn nữa, việc vận chuyển phải vượt qua nhiều chốt kiểm tra nên thêm tốn chi phí xét nghiệm.
Không phải là chuyện riêng!
Chưa kể, việc vận chuyển bằng đường thuỷ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng đang vướng các quy định về phòng chống dịch, vướng nhiều chốt kiểm tra giấy tờ làm cho các phương tiện ghe tàu, sà lan kéo dài thời gian vận chuyển, dẫn đến tăng thêm chi phí cho DN thua mua nông sản.
Điển hình là tại tỉnh Kiên Giang, các ghe đến địa phương này thu mua lúa gạo và nông sản phải đáp ứng đủ 4 loại giấy tờ để qua chốt đường thủy: dấu xác nhận điểm đi, giấy đi đường, giấy âm tính điểm đi, giấy âm tính điểm đến và xác nhận điểm đến.
Dẫu biết rằng để đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 thì sẽ có thêm một số thủ tục, nhưng với nhiêu khê về các loại giấy tờ như trên, chắc chắn sẽ phát sinh thêm chi phí cho DN, thương lái thua mua.
Những khó khăn về mặt vận chuyển, phát sinh thêm nhiều chi phí khiến việc “giải cứu” nông sản ở ĐBSCL là khó tránh khỏi trở ngại. Và điều đó “không phải là chuyện riêng” của DN, thương lái mà là vấn đề chung cần được các địa phương cùng tháo gỡ, giảm bớt khâu thủ tục, giấy tờ để kéo giảm chi phí.
Đặc biệt là khi các phương tiện lưu thông đường thủy ở ĐBSCL vẫn chưa có “luồng xanh” như đường bộ, bởi mỗi địa phương mỗi quy định khác nhau.
Chính vì vậy, để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá nông sản ở vùng ĐBSCL, ngày 18/8, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã ký văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN vận chuyển hàng hóa trên đường thủy.
Trong vấn đề về áp lực chi phí, mới đây, khi góp ý Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng đề nghị giảm 30% tiền điện cho các DN chế biến thuỷ sản cho giai đoạn 6 tháng cuối năm 2021.
Về các chi phí sản xuất, Vasep đề nghị giảm ít nhất 50% phí hạ tầng của các khu công nghiệp từ tháng 8/2021 đến hết tháng 6/2022.
Hiệp hội này nhấn mạnh, DN đang hết sức trông đợi vào những quyết nghị đúng đắn, phù hợp trong giai đoạn hiện nay để có thể phục hồi kịp thời được sản xuất, xuất khẩu và sinh kế cho nông-ngư dân trong chuỗi sản xuất thuỷ sản của Việt Nam trong bối cảnh các DN đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Thế Vinh
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.