Ở huyện Tháp Mười hồi năm ngoái có một lớp học nghề khá đặc biệt. Đó là lớp học kéo, miết chỉ tơ sen do Hội Nông dân huyện Tháp Mười phối hợp với Viện Kinh tế Sinh thái (ECO - ECO) và Liên minh Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN) tổ chức.
"Bước đệm" cho làng nghề
Chị Trần Thị Thu Huyền, ngụ ấp 1, xã Tân Kiều là một học viên của lớp học nghề này tâm sự: “Nếu nghề rút chỉ tơ sen phát triển, sản phẩm từ tơ sen có đầu ra ổn định, tôi tin đây sẽ là hướng đi triển vọng cho những người trồng sen như gia đình mình”.
![]() |
Lớp học kéo, miết chỉ tơ sen ở Tháp Mười |
Các học viên của lớp học kéo, miết chỉ tơ sen cũng thể hiện rõ quyết tâm với nghề khá mới mẻ ở vùng đất này. Bởi họ hiểu rằng sự cố gắng của bản thân hôm nay sẽ là "bước đệm" cho sự hình thành của một làng nghề dệt lụa tơ sen mai sau của quê hương Đồng Tháp.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tháp Mười, để chuẩn bị cho lớp dạy nghề kéo, miết chỉ tơ sen và tiến đến hình thành làng nghề dệt lụa tơ sen, huyện đã chuẩn bị gần 2 năm trước.
Sau khi các lớp dạy nghề này kết thúc, huyện sẽ tiếp tục kết nối với các cộng đồng khởi nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thời trang để phát triển sản xuất lụa tơ sen theo hướng chuyên nghiệp hơn và tiến tới hình thành một làng nghề thủ công tại huyện Tháp Mười.
Không chỉ với lớp học nghề tơ sen, thời gian qua, công tác đào tạo nghề nông thôn được huyện Tháp Mười chú trọng phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức các lớp đào tạo nghề trên lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…
Đặc biệt là huyện đã làm tốt công tác tư vấn, hướng nghiệp, điều tra nhu cầu học nghề của người lao động trên diện rộng, nên người lao động đăng ký học nghề ngày càng tăng.
Công tác giới thiệu, giải quyết việc làm được huyện tập trung thực hiện. Với những nỗ lực không ngừng, hộ nghèo của huyện Tháp Mười đã giảm rõ rệt và trở thành một trong những địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao của tỉnh Đồng Tháp.
Trong đào tạo nghề cho lao động địa phương, ngoài đơn vị nòng cốt là trường Trung cấp nghề Tháp Mười, còn có sự tham gia tích cực, hiệu quả của các tổ chức hội, đoàn của huyện, như: Hội Nông dân huyện, Huyện đoàn Tháp Mười, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, với hàng trăm lớp đào tạo nghề cho hàng ngàn người lao động là hội viên, đoàn viên, tạo việc làm và thu nhập cho lao động địa phương.
Tạo dựng niềm tin với doanh nghiệp
Hoạt động đào tạo nghề sôi nổi đã giúp cho việc thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở các địa phương trong huyện Tháp Mười trở nên hiệu quả hơn. Đơn cử như việc huyện đã trồng gần 150ha sen để chế biến các sản phẩm: sữa sen tươi, bột hạt sen, trà lá sen... từ nhãn hiệu “Sen Tháp Mười” đang tiêu thụ mạnh trong và ngoài nước.
Hay như 3 tổ hợp tác nuôi vịt an toàn sinh học thuộc các xã: Mỹ Hòa, Mỹ Đông và Mỹ An với số lượng gần 180.000 con; trứng vịt Tháp Mười được dán tem truy xuất và được bán tại Tp.HCM và nhiều tỉnh, thành khác.
Huyện đã có nhiều chính sách duy trì nuôi ếch ở các xã với số lượng lớn gần 25 triệu con, sản lượng thu hoạch gần 2.600 tấn. Hiện nay, toàn huyện có 180ha nuôi cá sặc rằn, chủ yếu ở xã Láng Biển; giá bán loại cá này trung bình 50.000 đồng/kg; Tổ hợp tác nuôi cá sặc rằng xã Láng Biển đã được chứng nhận VietGAP.
![]() |
Nhờ chú trọng học nghề nông, khái niệm về liên kết chuỗi, hay sản xuất nông sản sạch với nông dân Tháp Mười trở nên quen thuộc hơn |
Cách đây hơn 5 năm, với nhiều nông dân ở huyện Tháp Mười, khái niệm về liên kết chuỗi hay sản xuất nông sản sạch vẫn còn khá xa lạ. Tuy nhiên, nhờ chú trọng học hỏi từ các lớp học về nghề nông đã giúp việc này trở nên quen thuộc hơn.
Chẳng hạn như đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã tạo ra một sự thay đổi lớn về cách làm nông nghiệp của nông dân Tháp Mười chỉ sau 5 năm triển khai thực hiện.
Điển hình là ở HTX sản xuất nông nghiệp Mỹ Đông 2 (ấp 4, xã Mỹ Đông) được xem là ngọn cờ đầu trong thực hiện chuỗi liên kết tiêu thụ lúa ở địa phương. HTX đã thực hiện được nhiều hợp đồng liên kết tiêu thụ lúa với doanh nghiệp, đặc biệt là hợp đồng tiêu thụ lúa giống.
Ông Ngô Phước Dũng, Giám đốc HTX, chia sẻ: “Muốn tăng lợi nhuận và sản xuất ổn định thì không có giải pháp nào khác là thay đổi và thích ứng với cách sản xuất mới. Song song đó, việc giữ chữ tín, tạo dựng niềm tin cho đối tác, doanh nghiệp cũng là chuyện mà nông dân luôn phải lưu tâm”.
Thanh Loan