Mô hình cá lồng bè ở huyện Kiên Lương thời gian qua được đánh giá là mang lại hiệu quả và được chính quyền địa phương hỗ trợ cho các lao động nhân rộng hàng trăm lồng, đem lại thu nhập bình quân 23 - 25 triệu đồng/bè/vụ.
Hiệu quả nghề nuôi cá lồng bè
Điển hình như ở xã đảo Hòn Nghệ cách đất liền 15km thuộc huyện Kiên Lương có diện tích tự nhiên hơn 349 ha với hơn 2.300 nhân khẩu.
Trước đây, người dân xã đảo sống chủ yếu bằng nghề khai thác đánh bắt thuỷ sản. 5 năm vừa qua, người dân đã chủ động chuyển hướng sang nuôi cá lồng bè trên biển mang lại hiệu quả kinh tế cao.
![]() |
Mô hình nuôi cá lồng bè ở xã Hòn Nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao |
Theo đó, 10 năm trước, do nghề khai thác thủy sản cạn kiệt, một số hộ dân sau khi khai thác đã mang con giống đánh bắt được về thả nuôi. Bước đầu quy mô còn nhỏ lẻ, nhưng lâu dần do nhu cầu thị trường tăng cao, các hộ dân đã nhân giống cá, mở rộng quy mô nuôi, giúp nghề nuôi thủy sản trên địa bàn xã Hòn Nghệ ngày càng phát triển mạnh.
Nhờ diện tích mặt nước biển, điều kiện khí hậu thuận lợi, hiệu quả ban đầu từ nuôi cá lồng bè mang lại khá tốt. Đến nay, mô hình này phát triển mạnh, xã có 619 hộ thì có đến gần 200 hộ nuôi.
Ông Huỳnh Văn Chiều, ở ấp Bãi Nam, xã Hòn Nghệ có 44 lồng nuôi Cá Bống Mú sao cho biết: Cá Mú Sao hiện có giá khoảng 440.000 đồng/kg. Cá Mú Sao ở đây chủ yếu xuất sang Hồng Kông, ngoài ra, còn được thương lái các tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thu mua để tiêu thụ trong nước.
Mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi hơn 8 tỷ đồng. Theo ông Chiều, đầu ra của một số loài cá nuôi biển như cá Mú Sao, cá Bóp, cá Hồng Mỹ đang nuôi ở Hòn Nghệ là tương đối ổn định. Vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay của người nuôi cá lồng bè là cần số vốn lớn và kỹ thuật nuôi.
Để tạo điều kiện về vốn, kỹ thuật đầu ra cho người dân, huyện Kiên Lương đã lồng ghép thực hiện các chính sách hỗ trợ như các mô hình khuyến ngư, các dự án đề tài của huyện đều tập trung cho nuôi trồng thuỷ sản. Huyện còn phối hợp tổ chức nhiều lớp dạy nghề nông thôn về nuôi trồng thủy sản, tập huấn chuyên đề, tập huấn đầu vụ… cho người dân ở xã.
Tạo nguồn thu nhập khá
Hiện trên địa bàn xã đảo Hòn Nghệ có hơn 50 hộ dân nuôi cá lồng bè trên biển có quy mô lớn chủ động trong sản xuất và đầu ra, có quy trình kỹ thuật nuôi bài bản, vừa mang lại lợi nhuận cao vừa giải quyết được nhiều việc làm tại chỗ với trên 200 lao động và tái đầu tư năm sau cao hơn năm trước. Ước thu nhập bình quân đầu người năm 2019 là 48 triệu đồng.
Nhờ chú trọng hỗ trợ các mô hình khuyến ngư và đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm ổn định cho lao động địa phương nên hiện nay, thu nhập bình quân khu vực nông thôn toàn huyện Kiên Lương đạt 57,6 triệu đồng/người/năm, cao nhất tỉnh Kiên Giang. Huyện xác định phát triển nông nghiệp là vấn đề cốt lõi nhằm nâng cáo thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cầu kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống.
Trong khoảng một năm trở lại đây, với việc thúc đẩy đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các ngành, đoàn thể huyện và UBND các xã, thị trấn đã tích cực tuyên truyền vận động mở được 13 lớp với 352 học viên, tỷ lệ học viên học nghề đạt 117,33% kế hoạch.
Hơn thế nữa, huyện Kiên Lương còn "nâng chất" các mô hình HTX, tổ hợp tác. Tính đến nay, trên địa bàn huyện có 20 HTX, 38 tổ hợp tác, với trên 2.000 hộ nông dân tham gia.
Các HTX, tổ hợp tác trong huyện thực hiện hiệu quả một số khâu dịch vụ cơ giới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... gắn kết với các doanh nghiệp trong cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm tạo thành chuỗi giá trị có lợi cho người sản xuất.
Hội Nông dân huyện Kiên Lương cũng phát động và có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn tổ chức liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao như: HTX Tiến Phương, ấp Kiên Thanh một vụ khoai môn - một vụ lúa; HTX Tôm - Cua Núi Mây, ấp Tà Săng, xã Dương Hòa… Từ đó góp phần nâng cao thu nhập của nông dân, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.
Thanh Loan