Ngày 03/10/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị 27 về phục hồi sản xuất tại các khu vực sản xuất công nghiệp, yêu cầu bộ, ngành liên quan, các tỉnh, thành phố, với trách nhiệm là cơ quan quản lý trực tiếp doanh nghiệp, khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo phục hồi sản xuất...
Chính sách được triển khai kịp thời
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, ngay sau khi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký chỉ thị số 27, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND tỉnh đứng đầu. Đồng thời, ban hành “Kế hoạch đảm bảo sản xuất ổn định trong tình hình dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, các doanh nghiệp trong và ngoài cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh”. Đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi sản xuất và sản xuất an toàn, thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh".
![]() |
Các tỉnh, thành phố cần thành lập ban chỉ đạo phục hồi sản xuất tại khu công nghiệp, khu chế xuất. (Ảnh TL) |
Theo Kế hoạch, đối với doanh nghiệp đang tạm dừng hoạt động, trước khi hoạt động trở lại, UBND tỉnh yêu cầu doanh nghiệp phải hoàn thiện kế hoạch phòng, chống dịch trong cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp. Sau khi thực hiện đầy đủ các nội dung phòng, chống dịch bệnh, các doanh nghiệp đăng ký phương án hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp theo quy định với cơ quan thẩm quyền để được tổ chức thẩm định phương án, đảm bảo hoạt động trở lại ổn định, an toàn và hiệu quả.
Đặc biệt tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” hoặc phương án “3 tại chỗ theo kíp”; tổ chức sản xuất theo phương án kết hợp “3 tại chỗ” với tổ chức cho người lao động ở lưu trú tập trung ngoài doanh nghiệp; tổ chức hoạt động theo phương án “1 cung đường - 2 điểm đến” hoặc phương án “1 cung đường - 2 điểm đến” mở rộng; tổ chức hoạt động theo phương châm “4 xanh” gồm: người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan trước đó cũng đã đề nghị, mỗi doanh nghiệp cần ý thức trong việc "giữ chân" người lao động dù hoạt động sản xuất, kinh doanh đang gặp khó khăn.
Thành phố đang thực hiện ba nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế gồm: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các chính sách phù hợp, thực hiện chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ người lao động; hoàn thành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động… Điều này có vai trò quyết định đến việc bảo toàn nguồn nhân lực, góp phần phục hồi kinh tế khi dịch được kiểm soát.
Tháo "nút thắt" cung-cầu lao động
Ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đánh giá, để tránh đứt gãy về “cung-cầu” lao động, bên cạnh việc thực hiện các chỉ thị thì các địa phương, doanh nghiệp phải gỡ được hai nút thắt.
![]() |
Để hoạt động sản xuất được khôi phục các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào nhóm giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động. (Ảnh TL) |
Một là nút thắt từ tâm lý sợ hãi của người lao động. Rất nhiều lao động sau khi trở về quê đang chưa muốn trở lại doanh nghiệp làm việc vì sợ bị lây dịch.
Để vừa không mất công tuyển dụng lao động mới, đào tạo lại lao động, doanh nghiệp nên phối hợp với các địa phương kêu gọi người lao động trở lại doanh nghiệp làm việc, bảo đảm phương tiện đưa đón, bố trí nơi ăn, chốn ở tập trung và bảo đảm an toàn tuyệt đối trong phòng, chống dịch khi người lao động quay lại làm việc.
Hai là nút thắt từ tâm lý phòng vệ vượt quá mức cần thiết của các địa phương. Thực hiện quy định về phòng chống dịch, đặt yêu cầu bảo vệ sức khỏe nhân dân lên trên hết.
“Tuy nhiên, khi NLĐ quay trở lại, DN cần có chính sách hỗ trợ để người lao động an tâm làm việc sau khi họ đã cạn kiệt về tài chính do nhiều tháng nghỉ làm. Bộ LĐTB&XH cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu để tham mưu chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư. Bên cạnh đó, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ sở dạy nghề tập trung đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.”, ông Bình nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tấn Hùng, Giám đốc HTX cơ khí Thống Nhất, quận 7, TP. Hồ Chí Minh nêu vấn đề, khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 tại TP. Hồ Chí Minh bùng phát mạnh, đã có một làn sóng “di dân” rất lớn từ thành phố về các địa phương để tránh dịch. Trong đó, bao gồm cả các công nhân của các nhà xưởng phải thu hẹp hoạt động hoặc tạm ngưng sản xuất để chống dịch.
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có số liệu thống kê nào về số lượng lao động đã rời thành phố và cũng rất ít đơn vị đề cập đến kế hoạch đưa lao động từ các tỉnh về lại thành phố để phục hồi hoạt động sản xuất trong bối cảnh bình thường mới.
“HTX rất muốn khôi phục sản xuất, kinh doanh khi được nới lỏng giãn cách nhằm tận dụng cơ hội thị trường những tháng cuối năm. Tuy nhiên, lực lượng lao động để sản xuất đang ở đâu, họ có đủ điều kiện để quay lại thành phố để làm việc chưa thì HTX không biết”, ông Hùng bày tỏ lo ngại.
Rõ ràng, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến thị trường lao động là vô cùng lớn. Sự dịch chuyển lao động một cách tự phát như trong thời gian qua làm “tê liệt” thị trường lao động phía Nam. Điều này cho thấy, khả năng chống chịu với dịch bệnh của người lao động cũng như doanh nghiệp rất hạn chế. Trong bối cảnh đó, vai trò hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương rất quan trọng để doanh nghiệp có đủ "lực", vực dậy sản xuất, kinh doanh.
Hoàng Hằng