Anh Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc HTX cho biết: "Khoác áo mới" cho gốm truyền thống là cụm từ đúng nghĩa nhất diễn đạt cách thức người Chăm ở Bàu Trúc đã và đang làm để giữ và phát triển nghề thủ công chứa đựng giá trị văn hóa không thể đo đếm được của mình.
Truyền nghề “chắp cánh” gốm Chăm phát triển
Gốm Bàu Trúc đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, có lúc cực thịnh, lúc mất dần vị thế, tồn tại “lay lắt” do thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi và sự phát triển như vũ bão của các mặt hàng từ chất liệu nhựa, nhôm, Inox.
![]() |
Công nhân làm việc tại HTX gốm Chăm Bàu Trúc có thu nhập ổn định trung bình 5-6 triệu đồng/tháng. |
"Năm 2011, HTX gốm Chăm Bàu Trúc ra đời như một giải pháp bảo tồn làng gốm đứng trước nguy cơ mai một. Nhưng chừng đó là chưa đủ để vực dậy sức sống của một làng nghề", anh Thuần nhớ lại.
Nhằm “chắp cánh” cho làng nghề của đồng bào Chăm bền vững, từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường, thời gian qua HTX đã có nhiều chương trình hỗ trợ, đào tạo dạy nghề toàn diện về mọi mặt.
Theo đó, hằng năm, HTX kết hợp Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ninh Phước tổ chức khai giảng lớp đào tạo nghề gốm mỹ nghệ cơ bản cho 30 lao động nông thôn.
Việc dạy nghề gốm mỹ nghệ nhằm trang bị kiến thức cơ bản cho người lao động tại làng nghề và bảo tồn được phương pháp sản xuất gốm truyền thống, các hoa văn cổ, đặc sắc riêng có của dân tộc Chăm được lưu truyền từ xa xưa.
Anh Thuần cho biết, sau 3 tháng học nghề người lao động sẽ đáp ứng được yêu cầu về trình độ tay nghề và được nhận vào làm việc tại HTX gốm Bàu Trúc hoặc các cơ sở kinh doanh.
Song song với đào tạo, bổ sung nguồn lao động có tay nghề, HTX luôn tiên phong trong xu thế sản xuất dòng sản phẩm gốm mới.
Hiện, HTX tập trung phát triển dòng gốm trang trí, gốm lưu niệm, gốm mỹ nghệ tính thẩm mỹ và giá trị kinh tế cao, có sản phẩm lên tới 50 triệu đồng như đèn gốm trang trí, đèn ngủ, lọ hoa, bình nước, bình trà, lục bình, tháp nước, các tượng thần của văn hóa Chăm và các biểu tượng văn hóa phương Tây, văn hóa phương Đông... HTX đang tạo việc làm ổn định cho 46 thành viên và hàng chục lao động thường xuyên.
Chuyển dịch lao động tích cực
Xác định lao động là hồn cốt của làng nghề, vì thế, HTX không chỉ hỗ trợ đào tạo, truyền nghề để duy trì lớp kế cận các nghệ nhân mà còn trích ngân sách từ nguồn thu của du lịch trên địa bàn trả lương cho những người lao động. Cụ thể, tùy vào tay nghề, lao động sẽ được nhận một khoản tiền hỗ trợ tương đương với một khoản lương để sống và giữ nghề.
![]() |
HTX đang chú trọng đào tạo nghề gắn với du lịch đã thu hút được nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan. |
Anh Ka Tê 30 tuổi, ở khu phố Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân là nhân vật đại diện cho lao động nông thôn từng làm nông nghiệp đơn thuần và có thu nhập thấp.
Từ những chuyến “vi hành” khắp nơi, thấm thía lời dạy của cha mẹ “Ruộng bề bề, không bằng cái nghề trong tay”, anh Ka Tê đã quyết tâm trở về quê hương lập nghiệp và tham gia lớp dạy nghề của HTX gốm Chăm Bàu Trúc, tăng thu nhập cho gia đình.
Được tham gia chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, cùng với sự nỗ lực học hỏi, nhạy bén công nghệ thông tin, học thêm tiếng Anh trên mạng internet, giờ đây anh Ka Tê đã chuyển đổi việc làm thành công.
Hiện, anh đang hướng dẫn viên du lịch cho khách quốc tế. Ngoài ra, anh còn mở một cửa hàng hỗ trợ để xây dựng cơ sở du lịch, gắn với bảo tồn nghề truyền thống, tạo việc làm cho họ hàng và những lớp trẻ quanh làng.
Kể từ khi thành lập, HTX đã đào tạo nghề cho hơn 600 lao động địa phương, không những vậy còn mở xưởng sản xuất, tạo việc làm ổn định với mức lương cơ bản là 6 triệu đồng/người/tháng. Trong quá trình sản xuất, HTX vẫn luôn cập nhật xu hướng mới để đào tạo lại cho lao động thích ứng với nhu cầu của thị trường.
“Nhờ làm tốt bài toán quản lý, đào tạo, chăm sóc lao động gắn đầu tư nâng cao chất lượng lao động với phát triển làng nghề mà giờ đây, rất nhiều lao động trẻ ở địa phương từng đi làm ăn xa đã trở về để làm nghề gốm. Vì thế, linh khí của nghề gốm Chăm Bàu Trúc xưa dần được hồi phục”, anh Thuần nói.
Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng các thợ làm gốm của làng Bàu Trúc luôn tất bật, không có ngày nghỉ vì tấp nập đơn hàng. Thậm chí, do lo ngại không đảm bảo tiến độ giao hàng nên HTX phải từ chối nhiều đơn hàng.
Tại thị trường quốc tế, hiện gốm Bàu Trúc đã có mặt ở Nga, Mỹ, Ý và Nhật Bản. Điều đáng mừng hơn nữa, ngoài việc xuất bán qua các trung gian phân phối, đến thời điểm này, HTX đã có những lô hàng được ký kết và xuất khẩu sang Nga thông qua hợp tác trực tiếp.
"Thời gian tới, HTX chú trọng mở thêm các lớp đào tạo, truyền nghề; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm; quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường; bố trí mặt bằng giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề, gắn việc phát triển làng nghề với phát triển du lịch…", đại diện HTX nói.
Tô Thương